Nguy cơ thao túng sau những cuộc đổi chủ

18/08/2014 09:15 GMT+7

Đằng sau việc hoán đổi chủ ở công ty nước ngoài là sự thay đổi lớn về 'ruột', đó là sự thay thế hàng Việt bằng hàng ngoại theo chân các công ty này tràn vào thị trường nội địa.

Nguy cơ thao túng sau những cuộc đổi chủ
Đằng sau những cuộc đổi chủ là sự thay đổi lớn đẩy xa hàng Việt ngay trên sân chơi nội địa - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đổi vỏ, đổi cả ruột

Vấn đề được quan tâm nhất sau thương vụ trị giá 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD) chuyển nhượng Metro VN cho tỉ phú Thái Lan là các nhà sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa từ nước này tràn vào thị trường nội địa khi hệ thống bán buôn lớn nhất VN rơi vào tay người Thái. Trước đó, năm 2011, thương vụ CPG Thái Lan bán toàn bộ 71% cổ phần sở hữu ở  Công ty cổ phần chăn nuôi CP Vietnam, doanh nghiệp có thị phần lớn về thức ăn chăn nuôi, gia súc... tại thị trường nội địa cho CP Pokphand. Điều này cũng dấy lên lo ngại về việc hợp thức hóa xuất nông sản qua Trung Quốc cũng như đưa thực phẩm nước này vào VN khi CP Pokphand của Trung Quốc và Hồng Kông trở thành công ty mẹ chi phối hoạt động của CP Vietnam.

Lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở, nhất là khi công ty này đang chiếm thị phần lớn nhất trong nhiều lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, nông sản, thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, năm 2011, sau thương vụ lớn này, doanh thu của CP Vietnam đạt 1,5 tỉ USD (30.000 tỉ đồng), giữ vị trí thống lĩnh thị trường thức ăn chăn nuôi lẫn thị trường chăn nuôi nội địa. Đến năm 2013, tổng doanh thu của ngành nông nghiệp và thực phẩm của CP tại VN tăng gần 30% so với 2012. Trong đó, doanh thu thức ăn chăn nuôi chiếm trên 50%. Theo thống kê chưa cập nhật từ Bộ NN-PTNT, năm 2012, CP Vietnam đã dẫn đầu cả nước nhiều sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp: chiếm 50% thị phần về trứng gà, 40% thị phần gà công nghiệp, 20% thức ăn chăn nuôi… Năm 2013, doanh thu của toàn Tập đoàn CP đạt 5,414 tỉ USD, tăng 9,2% so với 4,959 tỉ USD của năm 2012. Trong đó, riêng kinh doanh nông sản tại Trung Quốc chiếm 64,4% và VN chiếm 33,4%.

Theo chủ một doanh nghiệp trong nước chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai, khác với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi của Mỹ (Cargill), Pháp (Proconco)… là bán hàng trực tiếp đến khách hàng, CP Vietnam đã có chiến lược đầu tư nuôi gia công lớn tại VN khiến doanh số bán ra tăng nhanh. Hiện CP (Trung Quốc) đang dẫn đầu các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tại VN, kế tiếp là Proconco (Pháp), Cargill (Mỹ), Japfa Comfeed (Indonesia), ANT (Đài Loan), New Hope (Trung Quốc)…

Một chủ doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, trụ sở tại Đồng Nai, nằm trong top 10 nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi tại VN nhận xét: “Hiện CP chiếm khoảng gần 60% thị phần nhưng CP từ khi về tay người Trung Quốc thì sản phẩm là của Trung Quốc chứ không còn là của Thái nữa. Đặc biệt, chiến lược vào tận ngõ ngách thôn xóm làng quê VN để đặt nuôi gia công, tận dụng tối đa lợi thế từ nhà nông VN là cách làm khôn ngoan của họ. Theo đó, các thương hiệu nhỏ trong nước với chi phí marketing thấp rất khó chen chân dẫn đến rơi rụng dần dần”.

Thao túng thị trường nguyên liệu

Trên thực tế, có không ít thương hiệu tuy mang “vỏ” Nhật, Hàn, nhưng “ruột” cũng thuộc về các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Hai nhãn hàng máy ảnh Fujifilm và sản phẩm chăm sóc em bé hiệu Pigeon (Nhật) tại VN là một ví dụ. Nhãn hàng tã lót và bình sữa em bé hiệu Pigeon của Nhật vào VN từ năm 1995, đến năm 1999, Công ty cổ phần quốc tế Minh Việt có ông chủ là tỉ phú người Indonesia gốc Trung Quốc đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Củ Chi, TP.HCM. Tuy nhiên, với người tiêu dùng Việt, các thương hiệu này vẫn là hàng Nhật. Các sản phẩm chăm sóc em bé hiệu Johnson & Johnson và Pigeon hiện đang là đối thủ cạnh tranh và giành nhau từng phần trăm thị phần tại thị trường trung bình mỗi năm có thêm 1 triệu em bé ra đời.

Thực tế, có nhiều cuộc hoán đổi chủ mà ẩn đằng sau đó là kế hoạch thao túng. Giám đốc điều hành một quỹ đầu tư đến từ Hồng Kông chia sẻ: “Có những thương vụ được thực hiện mang tâm thế thâu tóm nhằm thao túng và chiếm lĩnh thị trường nguyên liệu để đáp ứng cơn khát nguyên liệu của "thị trường mẹ" hơn là mục đích kinh doanh cùng phát triển. Do vậy, lo lắng của doanh nghiệp trong nước trước một thương vụ lớn là hoàn toàn có cơ sở”.

Chuyên gia chiến lược Robert Trần cho rằng, sau thương vụ hệ thống Metro tại VN được mua bởi người Thái, nhà kinh doanh ngay lập tức sẽ nhìn vào thị trường Thái với 150 triệu dân (gồm 60 triệu dân Thái và 90 triệu dân Việt) chứ không còn nhìn thị trường 60 triệu dân Thái nữa. Bởi họ biết cơ hội bán hàng vào thị trường VN qua kênh bán lẻ sẽ vô cùng hấp dẫn. Nhưng từ góc độ hội nhập, theo chuyên gia này, việc các nhà đầu tư Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào tìm mua các công ty trên toàn cầu là điều hết sức bình thường nếu với chủ mới, hàng hóa được tiếp tục sản xuất theo tiêu chuẩn tốt như cũ hoặc hơn.

Kế sách thâu tóm

Bàn về kế sách thâu tóm công ty ngoại của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, ông Robert Trần nói: “Họ thường đi theo “Binh pháp Tôn Tử”, nửa hư nửa thực”. Cụ thể, các đại gia muốn thâu tóm công ty nào, họ thường cử một số cá nhân thu gom cổ phiếu của công ty đó. Bề nổi là những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đến từ nhiều quốc gia nhưng thực chất là một tập đoàn lớn đứng đằng sau. “Làm thế nhắm đánh lạc hướng doanh nghiệp, dương đông kích tây để chủ doanh nghiệp không biết ai là ai và chủ quan không đề phòng. Cách làm này không mới nhưng kinh nghiệm làm mua bán sáp nhập với người Trung Quốc lâu nay, tôi thấy họ áp dụng chiêu này và khá thành công không chỉ tại VN” - ông Trần cho biết.

Nguyên Nga

>> Nghi án thao túng thị trường ngoại hối
>> Giá đường bị thao túng
>> Sự thao túng của các nước tiêu thụ cà phê trên toàn cầu
>> Thao túng giá chứng khoán bị phạt đến 300 triệu đồng
>> Mạnh tay với thao túng thông tin

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.