Nguy cơ thiếu thuốc điều trị tại TP.HCM

19/03/2006 23:35 GMT+7

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế tại TP.HCM tỏ ra lo lắng trước nguy cơ thiếu thuốc điều trị cho người bệnh. Lý do là tiền mua thuốc bị "vướng" thủ tục! Ngay từ đầu năm 2006, các bệnh viện (BV), trung tâm y tế (TTYT) công lập tại TP.HCM đã lo lắng vì bị các công ty cung cấp thuốc "dọa" sẽ ngưng bán, bởi số nợ chưa thanh toán đã lên quá lớn. Nỗi lo đó đã trở thành hiện thực trong những tuần qua, khi thuốc điều trị cạn dần mà nhà cung cấp vẫn "làm mặt lạnh".

Nhiều ý kiến cho rằng, vướng mắc bắt đầu khi Thông tư liên bộ Y tế và Tài chính ra đời (hướng dẫn, quy định mới về việc thực hiện đấu thầu cung ứng thuốc trong các cơ sở y tế công lập). Thế nhưng cho đến nay, việc đấu thầu vẫn chưa được triển khai tại TP.HCM. Kho bạc Nhà nước không dám xuất tiền để các BV, TTYT mua thuốc vì phải chờ quyết định của UBND TP trong khi tiền, kinh phí mua sắm hằng năm cho các BV, TTYT đã "nằm" sẵn đó!

Hôm 15/3, khi có mặt tại Sở Y tế, chúng tôi đã chứng kiến nhiều BV, TTYT gọi điện về "hỏi thăm" một thông tin giống nhau là "UBND TP đã phê duyệt" cơ số thuốc mà họ đưa lên chưa, bởi thuốc đã cạn! Cán bộ có trách nhiệm tại Sở cũng rất đau đầu về việc này, bởi ngày nào các BV, TTYT cũng gọi hỏi liên tục, trong khi thẩm quyền phê duyệt là của UBND TP.

"Căng" nhất là những nơi điều trị chuyên khoa, phải sử dụng thuốc đặc trị thuộc loại hiếm, đắt tiền, chỉ do một công ty duy nhất cung cấp, nếu công ty này ngưng "rót" hàng thì chịu! Như BV Ung bướu phải sử dụng một số loại thuốc điều trị ung thư do Zulligpharma phân phối. Dược sĩ Hà Thu Điểm - Phó giám đốc BV than: "Kẹt ghê lắm, bởi còn vướng nên không thể chuyển tiền trả tiền thuốc cho các công ty dược, có công ty đã xách thuốc về! Một số mặt hàng đã cạn, kể cả lượng thuốc dự trữ (thường các BV có một khoản thuốc dự trữ phòng khi thiếu thuốc - PV) nay cũng đã hết. Hiện có 5 - 6 loại thuốc đã hết nhưng một số công ty cung cấp nói muốn mua phải trả tiền mặt. Mấy hôm nay, để bảo đảm nguồn thuốc chữa trị cho bệnh nhân, BV tạm thời phải dùng tiền mặt của BV để mua thuốc, mua "nhỏ giọt" mỗi lần một ít, nếu mua với giá trị lớn một lần thì BV sẽ không được thanh toán lại".

Giám đốc TTYT Q.Phú Nhuận - bác sĩ Hoàng Sĩ Mai thì nói như khóc: "Khổ lắm! Cả tuần nay chúng tôi “sống dở chết dở”, chạy sang UBND quận để mượn tiền mua thuốc. Tiền thì có đó, mà chúng tôi thì không có thuốc! Khổ nhất là cạn thuốc dùng cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo; dịch truyền; thuốc phòng chống dịch bệnh; thuốc cấp cứu và thuốc dùng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế. Trong khi đó, mỗi ngày trung tâm khám vài trăm bệnh nhân. Bí lắm, nếu lấy tiền thu của trung tâm để mua thuốc, thì cuối tháng lấy đâu ra tiền để trả lương cho nhân viên!".

Còn tại một BV đa khoa lớn của thành phố, giám đốc cho biết đã có những công ty "dọa" ngưng cung cấp thuốc nếu BV trì hoãn trả nợ (hiện BV này còn nợ các công ty dược hơn 10 tỉ đồng). Vị giám đốc này đã dùng biện pháp "cứng" với các công ty dược là "nếu anh không thông cảm cho BV chúng tôi trong lúc khó khăn này, thì chúng tôi sẽ gạt tên công ty anh ra khỏi danh sách những công ty cung cấp thuốc cho BV!". Biện pháp này có thể "hiệu quả" đối với một số BV đa khoa, sử dụng mặt hàng thuốc rộng rãi, còn các BV sử dụng nhiều thuốc đặc trị thì sẽ rất khó khăn.

Danh sách 26 BV, TTYT còn nợ tiền thuốc của Công ty Phytopharma  (Công ty cổ phần dược liệu T.Ư 2) - một đơn vị phân phối thuốc trung gian cho Zulligpharma - vừa được gửi cho UBND TP và Sở Y tế, với tổng số tiền nợ lên đến gần 1 triệu USD. Trong đó, Phytopharma nói rõ: "Các BV không thanh toán kịp các khoản nợ, dẫn đến công ty chúng tôi không có tiền để thanh toán nợ nhập khẩu thuốc đáo hạn, công ty thiếu vốn nhập khẩu thuốc để duy trì lượng thuốc cung cấp phục vụ điều trị. Qua làm việc với các BV, chúng tôi được biết các BV đang gặp khó khăn trong việc chuyển tiền thanh toán, do chưa có hướng dẫn của UBND TP về việc triển khai Thông tư 20, nên kho bạc không chịu thanh toán. Công ty khẩn thiết đề nghị UBND TP và Sở Y tế có biện pháp cấp bách để hỗ trợ các BV thanh toán tiền thuốc..."

Một cán bộ của Sở Y tế cũng xác nhận, tình trạng này không chỉ khó cho các BV, TTYT mà còn khó cho nhiều đơn vị cung cấp thuốc, nhất là các công ty nhỏ. Do các BV còn tồn nợ quá nhiều, nên một số công ty nhỏ đã bị "đứt" vốn!

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.