Quên kết chuyển quỹ…
Bức xúc của dư luận chưa kịp lắng xuống sau thông tin lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu Xuyên Việt Oil đã bị bắt, bị rút giấy phép kinh doanh hơn cả tháng nhưng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) đặt tại tài khoản của DN này vẫn chưa được trả về với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Nay việc thu lại số dư Quỹ BOG của Xuyên Việt Oil là điều vô cùng mong manh.
Mới đây, thông tin từ Vụ Thị trường trong nước cho biết một DN đầu mối xăng dầu phía bắc có tài khoản Quỹ BOG của công ty bị ngân hàng thương mại tự động trích thu nợ đến 270 tỉ đồng để khấu trừ công nợ. Do đó, công ty không duy trì được số dư Quỹ BOG theo quy định.
Chưa dừng ở đó, theo cơ quan chức năng, hiện có nhiều DN đầu mối xăng dầu "quên" kết chuyển Quỹ BOG theo quy định. Đến ngày 15.9, Công ty CP dầu khí Đông Phương và Công ty TNHH Trung Linh Phát vi phạm cả về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ BOG và không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ; Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P… vi phạm về việc kết chuyển không đúng quy định Quỹ BOG; Appollo Oil không có phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng quỹ…
Trước đó, năm 2022, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cũng bao phen hối thúc, "đòi nợ" 2 công ty đầu mối xăng dầu là Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P (TP.HCM) và Dương Đông - Hòa Phú (Bình Thuận) chuyển số dư Quỹ BOG vào ngân sách nhà nước do đã không còn hoạt động trong vai trò thương nhân đầu mối xăng dầu nữa. Thế nhưng, công cuộc đòi nợ bất thành, cuối cùng các cơ quan chức năng buộc phải chuyển hồ sơ 2 DN này sang cơ quan công an điều tra. Việc truy thu món nợ Quỹ BOG của 2 DN này đến nay không có nhiều ý nghĩa nữa khi loạt lãnh đạo 2 công ty đều bị truy tố tội buôn lậu xăng dầu và nhiều tội danh khác.
Quản lý lỏng lẻo
Theo Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu và Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83) thì thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có nghĩa vụ trích lập Quỹ BOG; lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về quỹ này tại ngân hàng; có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng đó đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định…
Ngoài ra, Thông tư 103/2021 về quản lý Quỹ BOG cũng nêu rõ, DN đầu mối có trách nhiệm công khai trên trang thông tin điện tử của mình hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng về số dư quỹ. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy số DN có báo cáo rõ ràng số dư sau mỗi kỳ điều chỉnh giá hoặc cập nhật hằng tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu là DN nhà nước lớn. Còn lại rất nhiều DN tư nhân phớt lờ, không công khai con số, tình hình sử dụng quỹ… Trên một số website cũng không thấy cập nhật số dư năm nay hoặc nếu có thì là số cũ của mấy năm trước.
Ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TP.HCM), nói thẳng: "Quỹ nằm ở DN và định kỳ phải có báo cáo lên cơ quan quản lý. Sau mỗi kỳ điều chỉnh, không thấy DN báo cáo đầy đủ thì cơ quan quản lý phải hỏi chứ sao lại để thời gian quỹ bị chiếm dụng kéo dài đến vậy. Cứ kiểm tra hết tài khoản Quỹ BOG tại các DN đầu mối, sẽ rõ thực hư hàng ngàn tỉ đồng Quỹ BOG đang nằm ở đâu. Qua đó, cũng có thể thanh lọc thị trường, biết DN nào làm ăn đàng hoàng, minh bạch, DN nào đang chiếm dụng quỹ cho việc riêng...".
Thực tế, trong báo cáo kiểm toán về việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ BOG và công tác quản lý, điều hành giá giai đoạn 2015 - 2016, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ rõ các lỗ hổng cần phải khắc phục trong công tác quản lý quỹ. Đó là vẫn còn nhiều DN đầu mối chưa công bố số trích lập, số sử dụng, số dư quỹ hằng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá; chưa cung cấp hồ sơ tài liệu chứng minh việc đã báo cáo Bộ Công thương về số dư, trích/chi sử dụng, lãi phát sinh quỹ vào ngày 25 hằng tháng như quy định.
Quỹ BOG thực tế là tiền của dân, những người mua xăng dầu trích ra, nhà nước đặt tại DN đầu mối giữ hộ. Đây là công cụ giúp điều hành giá xăng dầu ổn định, tránh gây sốc cho thị trường. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phải quản lý trực tiếp dòng tiền của quỹ. Nhưng thực tế cho thấy các cơ quan này chỉ mới quản lý qua báo cáo bằng văn bản của DN đầu mối, tức là quản lý qua giấy. Như vậy, cách quản lý quá lỏng lẻo và khó hiệu quả.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, cho rằng từ khi hình thành quỹ đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp Bộ Công thương ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện trích lập, sử dụng, quản lý và báo cáo định kỳ về tồn dư quỹ. Nghị định 95 cũng quy định rõ DN không được sử dụng Quỹ BOG cho mục đích khác; phải thực hiện chế độ hạch toán, kết chuyển, báo cáo theo quy định. Thế nên, không thể nói thiếu quy định nên DN lợi dụng kẽ hở để chiếm dụng được.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long phân tích quan điểm cũ là tiền trích quỹ tập trung về một đầu mối do nhà nước quản lý nhưng sau đó thấy việc này hơi phức tạp vì mỗi lần cần chi sử dụng, DN lại phải thực hiện thủ tục khá nhiêu khê. Vì thế, quy định mới trong các nghị định về kinh doanh xăng dầu cho phép DN giữ, mở tài khoản riêng, bỏ tiền vào và nghiêm cấm chi sử dụng cho mục đích khác. Quy định đã rõ nhưng vai trò giám sát của cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Tài chính và Bộ Công thương, lại không thấy rõ.
"Quản lý bằng cách nghe báo cáo thôi thì quá dễ. Công tác giám sát sau báo cáo không có mới xảy ra tình trạng DN không kết quỹ, chuyển về vẫn cứ chờ, hoặc "thúc" bằng công văn. Thế nên, mới có cảnh "cháy nhà ra mặt chuột", DN bị rút giấy phép, lãnh đạo DN bị cấm xuất cảnh, bị bắt mà quỹ vẫn còn chơi vơi tận đâu là không ổn", ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Bình luận (0)