Quỹ bình ổn lại bất ổn

24/09/2023 06:21 GMT+7

Bất ổn, thậm chí rất bất ổn khi để giá xăng tăng cao ở thời điểm hiện tại, trong khi số dư của Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang rất lớn.

Nói hiện tại là bởi, đây là giai đoạn nước rút về đích mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay. Chúng ta chỉ còn một quý cuối cùng, nên mọi giải pháp lúc này đều tập trung vào giảm chi phí cho doanh nghiệp và tăng sức mua cho người dân.

Trong khi để giá xăng tăng và neo cao thì đi ngược hoàn toàn với tôn chỉ này.

Chúng ta đều biết, xăng dầu là sản phẩm thiết yếu đầu vào của hầu hết lĩnh vực, tác động trực tiếp và nhanh nhất tới giá cả hàng hóa trên thị trường. Thế mới có chuyện "tát giá theo xăng", nghĩa là mỗi lần giá xăng tăng thì ngoài phần cộng thêm chính thức, người ta còn lợi dụng để tăng giá cả hàng hóa; thậm chí có thời điểm giá sản xuất, vận chuyển chưa kịp tăng nhưng ngoài chợ rau thịt đã tăng giá trước đón đầu... Cũng vì tính chất thiết yếu và nhạy cảm như vậy, năm 2022 để góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước trước sự biến động của giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn tới 3 lần. Sang năm 2023, chính sách này tiếp tục được áp dụng nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống người dân. Đặt trong bối cảnh đó, việc dè sẻn trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ bình ổn) để giá xăng dầu lên mức cao nhất trong năm là hết sức bất ổn.

Lại càng bất ổn hơn khi tiền trong Quỹ bình ổn là tiền của người dân, DN đóng trước thông qua việc mua xăng dầu hằng ngày, chứ không phải tiền của các công ty kinh doanh xăng dầu, cũng không phải tiền ngân sách. Mục đích của Quỹ cũng là để bình ổn giá xăng dầu, nên không chi lúc này thì đợi lúc nào mới chi? Chưa kể Quỹ bình ổn được thương nhân đầu mối "tạm giữ" nên hoạt động của Quỹ đến nay vẫn là ẩn số. Việc một số đơn vị đóng cửa ngưng hoạt động nhưng không trả Quỹ cho thấy nguy cơ DN chiếm dụng Quỹ vô cùng lớn. Và nếu đúng như vậy, thì tiền của người dân đang bị lạm dụng trong khi họ lại phải mua xăng dầu với giá cao.

Trở lại với hiện tại, tường thành lớn nhất mà nhiều giải pháp chưa công phá nổi chính là sức mua. Kinh tế thế giới và trong nước vẫn đang khó khăn; tình trạng sa thải lao động, giảm lương tiếp tục diễn ra ở nhiều DN. Thu nhập thấp, nguy cơ mất việc cao khiến đa số người dân thắt lưng buộc bụng, ngay cả sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cũng bị cắt giảm khiến sản xuất đình trệ. Chính phủ, các bộ, ngành, DN đã và đang thực hiện rất nhiều giải pháp để kích thích tiêu dùng nhưng chưa hiệu quả. Đó là lý do, trong một động thái thiết thực cuối tuần qua, Chính phủ đã phải "nhắc nhở" cơ quan có thẩm quyền chủ động điều hành kịp thời, hiệu quả giá xăng dầu và sử dụng Quỹ bình ổn theo đúng quy định...

Trước đó, nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng Quỹ bình ổn đã "hết phép", sứ mệnh của Quỹ đã xong và đề xuất bỏ. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính bảo vệ quan điểm duy trì Quỹ và Chính phủ đồng ý. Thế nhưng với cách điều hành như nói trên, một lần nữa cho thấy Quỹ bình ổn lại bất ổn và sự bất ổn này đi ngược với chủ trương, quan điểm về hỗ trợ nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.