Trong ngày cuối cùng của năm 2012, Tòa án Cấp cao Paris, Pháp quyết định thụ lý vụ kiện hãng dược Bayer (Đức) của cô Marion Larat, 25 tuổi, theo tờ Le Figaro. Giữa tháng 12, cô Larat bắt đầu đệ đơn cáo buộc thuốc ngừa thai thế hệ thứ 3 có tên thương mại Meliane của Bayer là nguyên nhân khiến cô đột quỵ vào năm 2006. Cô là trường hợp đầu tiên đưa vấn đề này ra trước pháp luật. Mới đây, luật sư của cô Larat, ông Philippe Courtois cho biết có ít nhất 30 người, cùng là nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân của những loại thuốc ngừa thai thế hệ mới đang chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện các hãng Bayer, Schering, Merck và Pfizer. Tại Canada, Úc, Thụy Sĩ, Đức và Mỹ, hàng ngàn đơn kiện và khiếu nại liên quan đến nhóm dược phẩm này đang được cơ quan chức năng thụ lý. Riêng tại Mỹ, hiện có 13.500 đơn kiện thuốc ngừa thai YAZ, cũng của hãng Bayer vì gây biến chứng.
|
Tàn tật suốt đời
Khó khăn lắm cô Larat mới nói thành câu hoàn chỉnh để kể lại sự việc với phóng viên tờ Le Monde. Cô bị chứng mất ngôn ngữ, hậu quả của cơn bạo bệnh cách đây hơn 6 năm. Không chỉ vậy, cô bị liệt bán thân và đến nay, tỷ lệ tàn tật vẫn còn đến 65%. Trước đây, Marion Larat là một nữ sinh xinh đẹp học giỏi, từng học vượt lớp ở bậc phổ thông và sắp sửa thi vào một trường thương mại hàng đầu của Pháp. Tương lai đang rộng mở bỗng đóng sầm với cô gái trẻ sau cơn đột quỵ vào giữa năm 2006. Trải qua 9 cuộc phẫu thuật và nhiều tháng tập luyện ở trung tâm phục hồi chức năng nhưng cô vẫn không đi lại, nói năng bình thường được.
|
Larat từ chối thương lượng với Bayer mà quyết định đưa ra tòa vì muốn “đánh động những phụ nữ khác, giúp họ tránh kết cục như tôi”. Cô kiện hãng dược vì “vô ý gây thương tật”, kiện Giám đốc Cơ quan Quản lý dược phẩm và sản phẩm y tế Pháp (ANSM) vì “vi phạm nguyên tắc an toàn” khi không rút phép lưu hành thuốc ngừa thai thế hệ mới.
Nhiều nghiên cứu từ giữa thập niên 1990 và gần đây nhất, báo cáo khoa học đăng trên chuyên san British Medical Journal xác nhận người dùng thuốc ngừa thai thế hệ thứ 3 có nguy cơ bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cao gấp đôi so với người dùng thuốc ngừa thai thế hệ thứ 2 và cao từ 6-8 lần so với người không dùng thuốc. Ngoài ra, các loại thuốc ngừa thai thế hệ mới còn có tác dụng phụ gây thuyên tắc huyết khối động mạch, dẫn đến đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Lợi bất cập hại
Tương tự như Larat, 30 người sắp sửa kiện các hãng dược đều là nạn nhân trực tiếp hoặc có thân nhân từng bị biến chứng của thuốc ngừa thai thế hệ mới ảnh hưởng nặng nề, thậm chí gây tử vong. Cụ thể, 15 người bị đột quỵ, 3 người bị thuyên tắc phổi… Các nạn nhân ở độ tuổi từ 17 - 48, hầu hết đều có sức khỏe tốt và chỉ bắt đầu phát bệnh sau vài tháng dùng thuốc ngừa thai.
Đến giữa tháng 9.2012, Bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Touraine ra quyết định bảo hiểm xã hội sẽ loại các thuốc ngừa thai thế hệ thứ 3 khỏi danh mục chi trả kể từ tháng 9.2013 (thuốc thế hệ thứ 4 lâu nay không nằm trong danh mục). Đây là biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng các loại thuốc này. Tuy các cơ quan chức năng từng nhiều lần cảnh báo nhưng vẫn có rất nhiều bác sĩ khinh suất chỉ định một cách dễ dàng thuốc ngừa thai thế hệ mới cho bệnh nhân. Tháng 10 và tháng 12.2012, ANSM đã gửi văn bản khuyến cáo các bác sĩ kiểm tra bệnh sử và cho xét nghiệm chi tiết trước khi chỉ định thuốc ngừa thai thế hệ thứ 3 hoặc thứ 4.
Thuốc ngừa thai thế hệ mới có chứa các hoạt chất gestodène, desogestrel, drospirénone, từng được nhà sản xuất ca ngợi khi tung ra thị trường là giúp điều trị thêm một số vấn đề sinh lý do hormone gây ra như mụn hoặc rậm lông. Tuy nhiên, theo Le Figaro, những công dụng “bên lề” này chưa bao giờ được kiểm chứng thực tế còn tác dụng chính là ngừa thai thì cũng tương tự các loại thuốc cũ. Ngược lại, từng có trường hợp một nữ sinh viên 21 tuổi ở Nantes suýt tử vong chỉ vì muốn... trị mụn mà uống thuốc ngừa thai thế hệ thứ 4 Jasmine của hãng Bayer.
Các loại thuốc ngừa thai thế hệ mới hiện lưu hành tại Pháp: - Thế hệ thứ 3: Cycleane (hãng Schering), Desobel (Effik), Mercilon (Msd), Varnoline (Msd), Mirlette (Organon), Harmonet (Pfizer), Carlin (Effik), Minesse (Pfizer), Edenel (Mylan), Minulet (Pfizer), Triminulet (Pfizer), Meliane (Bayer), Efezial (Mylan), Melodia (Bayer), Optinesse (Codepharma), Moneva (Bayer), Phaeva (Bayer), Cilest (Janssen Cilag), Tricilest (Janssen Cilag), Effiprev (Effik), Triafemi (Effik). - Thế hệ thứ 4: Jasmine, Jasminelle, Yaz đều do hãng Bayer sản xuất. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
>> Thuốc tránh thai và nguy cơ ung thư
>> Truy lùng thuốc "trị ung thư
>> Bỏ thuốc giúp giảm lo âu
>> Bài thuốc với bạc hà
Bình luận (0)