PIP từng có mặt ở VN
Đó là loại túi PIP của một công ty chuyên sản xuất túi nâng ngực Poly Implant Prothese (Pháp), loại túi này được làm từ loại silicon bị cấm sử dụng, nên nứt, vỡ bất thường, và 90% sản phẩm này được bán sang các nước. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì nhãn hiệu túi nâng ngực này từng được đưa vào bán cho các cơ sở thẩm mỹ tại VN để cải thiện vòng 1 cho chị em. Đáng lo ngại là túi PIP vào VN không phải bằng con đường chính thức, mà bằng con đường phi mậu dịch, dạng hàng xách tay, hàng từ Campuchia đưa vào... Chỉ 1-2 năm trở lại đây, thì loại túi PIP này mới không được giới làm thẩm mỹ trong nước ưa chuộng vì đã có nhiều loại túi của những hãng khác.
Theo TS-BS Đỗ Quang Hùng - Phó chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, kiêm Phó khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, thì: "Do trước đây, không có nhiều loại túi nâng ngực như bây giờ, nên một số cơ sở làm thẩm mỹ trong nước có dùng túi PIP của Pháp. Gần đây, những cơ sở thẩm mỹ chính thống hầu như không còn sử dụng túi PIP nữa, mà chuyển sang dùng các loại khác có chế độ bảo hành đàng hoàng".
PGS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện (BV) Xanh-pôn (Hà Nội) khẳng định, túi độn ngực PIP đã có mặt tại Việt Nam. Mới đây, khoảng tháng 7.2009, sản phẩm này còn được tiếp thị tại khoa. Nhưng sau khi tìm hiểu nhãn hàng trên mạng internet thấy không yên tâm về chất liệu làm túi nên khoa đã không nhập, không sử dụng. Cũng theo TS Sơn, hiện có nhiều loại túi silicon nâng ngực của các hãng tại Việt Nam. Riêng sản phẩm của Pháp có tới 5 nhãn hàng được quảng cáo tại các khoa phẫu thuật. Theo TS Sơn, phụ nữ đã sử dụng sản phẩm không đạt chất lượng nên đến gặp bác sĩ kiểm tra và siêu âm định kỳ.
Những dấu hiệu cho thấy túi ngực bị xì, thủng...
Như vậy, túi ngực PIP đã có mặt ở VN là có thật, điều đó đồng nghĩa đã có nhiều chị em được đặt loại túi này. Mặc dù, các trung tâm thẩm mỹ chính thống không sử dụng PIP, nhưng không loại trừ khả năng những nơi làm thẩm mỹ trái phép, hoặc vì lợi nhuận họ đã và có thể vẫn còn đang sử dụng loại túi này. Chúng tôi nêu ra đây một số thông tin về biểu hiện của tình trạng túi nâng ngực bị xì, bị thủng để chị em có thể nhận biết. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Vân - Giám đốc Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Thanh Vân (TP.HCM): "Nếu là túi silicon như loại PIP mà bị xì, bị thủng sau khi đặt thì dịch silicon thoát ra khỏi bao sẽ khiến bộ ngực hơi bị biến dạng, hình thù khác lúc mới đặt; hoặc sờ vào ngực có cảm giác đóng cục, do silicon thoát ra đóng cục gây cứng. Chứ phần lớn không gây đau đớn". Với loại túi nước biển thì dễ nhận biết hơn nếu bị xì, bị thủng, bởi nước biển xì ra ngấm vào cơ thể, khiến ngực sẽ xẹp thấy rõ.
Kể từ năm 1990, FDA Mỹ đã có lệnh cấm sử dụng tại Mỹ loại túi nâng làm bằng silicon lỏng, bởi những biến chứng của nó gây ra, và họ yêu cầu các nhà sản xuất phải cho ra những sản phẩm thay thế khác an toàn hơn. Cuối năm 2006, đầu năm 2007, loại túi bằng gel silicon định hình (là một khối kết dính, mềm, dẻo) đã được công nhận cho phép sử dụng. Theo các chuyên gia thẩm mỹ, với những loại túi đã được công nhận, cho phép lưu hành, cũng có một tỷ lệ nhỏ biến chứng, hay hỏng hóc của nó sau khi đặt vào ngực. Cụ thể, với loại túi nước biển thì có thể có từ 1-5% bị xì van (nước biển bên trong túi sẽ chảy ra khỏi túi, ngực xẹp xuống). Còn với túi gel thì không sợ bị xì, thủng túi, mà theo các bác sĩ sợ nhất là co cứng túi, chiếm khoảng 2-3% - do phản ứng của cơ thể đối với túi, lúc này có thể khiến ngực không... mềm mại tự nhiên, hoặc gây đau, hay biến dạng nhẹ, thậm chí biến dạng nhiều, làm méo mó ngực. Khi đó phải lấy túi ra.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên, chị em cần cân nhắc kỹ trước khi đi đến quyết định chỉnh trang các bộ phận trên cơ thể mình. Và, cần biết rằng, với những phẫu thuật thẩm mỹ lớn như: nâng ngực, hút mỡ bụng... thì quy định chỉ được thực hiện ở bệnh viện, nơi có đủ phương tiện cấp cứu, gây mê hồi sức...
Pháp tiếp tục khuyến cáo người dân Lan Chi (Theo Le Monde) |
Thanh Tùng - Liên Châu - Thúy Anh
Bình luận (0)