Nguy cơ vệ tinh Starlink trở thành mục tiêu quân sự hợp pháp của Nga?

Khánh Như
Khánh Như
28/11/2023 15:58 GMT+7

Theo chuyên gia Mỹ, các vệ tinh dân sự có thể trở mục tiêu hợp pháp và bị tấn công trong xung đột vũ trang nếu như chúng mang đến lợi ích quân sự cho các bên tham chiến.

Tờ The Telegraph hôm 27.11 dẫn lại lời chuyên gia luật vũ trụ cảnh báo rằng các vệ tinh thương mại như Starlink của tỉ phú người Mỹ Elon Musk có thể trở thành mục tiêu hợp pháp trong chiến tranh nếu chúng hỗ trợ một trong các bên tham chiến.

Cụ thể, phát biểu tại Hội nghị Vũ trụ Vương quốc Anh ở Belfast diễn ra hôm 23.11, thiếu tá Jeremy Grunert, thành viên lực lượng cố vấn quân pháp của Không quân Mỹ, nói rằng các công ty cần phải cẩn thận để tránh sa vào các cuộc xung đột.

Nguy cơ vệ tinh dân sự thành mục tiêu quân sự hợp pháp trong chiến tranh? - Ảnh 1.

Tên lửa SpaceX Falcon 9 cất cánh mang theo 21 vệ tinh Starlink từ trạm không gian Cape Canaveral ở bang Florida, Mỹ hôm 27.2

REUTERS

"Trong luật chiến tranh, một quốc gia cần nhắm vào các mục tiêu quân sự và kiềm chế nhắm vào các mục tiêu dân sự", ông Grunert nói.

"Tuy nhiên, các mục tiêu dân sự có thể bị nhắm tới nếu nó mang lại lợi ích quân sự. Ví dụ, ngay trước cuộc đổ bộ D-Day (lực lượng đồng minh mở mặt trận chống Đức phát xít thời Thế chiến 2), những cây cầu và tuyến đường sắt dẫn vào Normandy đều bị ném bom, vì [chúng tạo ra] lợi ích quân sự cho Đức", chuyên gia này nói thêm.

Công ước Geneva nêu rõ các quốc gia liên quan xung đột quân sự bị cấm tấn công các vật thể dân sự. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ranh giới ngày càng trở nên mờ nhạt, khi các công ty vệ tinh có khả năng bị tấn công thông qua chiến tranh mạng hoặc tấn công bằng tên lửa.

"Điều tương tự xảy ra ở ngoài không gian và chắc chắn, cách mà các hệ thống dân sự như Starlink được sử dụng để nhắm mục tiêu bằng máy bay không người lái, điều đã được chứng minh là gây không ít tranh cãi", ông Grunert nói thêm.

Ông lưu ý rằng các yếu tố trên được cho là sẽ khiến Starlink trở thành mục tiêu quân sự tiềm năng theo luật chiến tranh.

Tiết lộ đáng lo ngại từ nhiều cựu nhân viên công ty SpaceX của tỉ phú Musk

Nguy cơ các vệ tinh bị tấn công trở nên rõ ràng hơn khi Trung Quốc và Mỹ đã thử tên lửa chống vệ tinh và cho thấy họ có khả năng phá hủy vệ tinh trên quỹ đạo. 

Trong khi Mỹ phá hủy thành công một trong những vệ tinh của mình vào năm 1985, vào năm 2007, Trung Quốc đã tấn công tên lửa vào một trong những vệ tinh thời tiết của mình.

Điện Kremlin trước đó cũng cảnh báo sẽ có hành động chống lại các công ty tư nhân hỗ trợ quốc gia có xung đột với Nga. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Nga cáo buộc các vệ tinh Starlink của ông Musk đã giúp lực lượng Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào quân đội Nga.

Thời điểm đó, ông Musk cho rằng vệ tinh Starlink chỉ được khai thác để giúp người dân ở Ukraine có thể truy cập nền tảng phát phim trực tuyến Netflix.

"Có một số cú sốc vào thời điểm đó, khi những bình luận đó được [Nga] đưa ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh luật chiến tranh, người Nga có thể không sai về điều đó, vì những lợi ích quân sự mà những thứ đó có thể mang lại [cho Ukraine]", theo ông Grunert.

"Điều đó không đồng nghĩa các vệ tinh dân sự sẽ luôn bị nhắm tới, nhưng nó có nghĩa là vẫn chúng có nguy cơ bị tấn công", ông Grunert kết luận.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.