Nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc gia tăng tại Mỹ, CDC chưa có khuyến nghị điều trị

26/02/2023 10:21 GMT+7

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo người dân cảnh giác trước tình trạng gia tăng chủng kháng thuốc của vi khuẩn Shigella.

Nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc gia tăng tại Mỹ - Ảnh 1.

Vi khuẩn Shigella

CDC

Chủng Shigella gây quan ngại vì mức độ kháng thuốc cao, không những làm giới hạn các liệu pháp điều trị và còn dễ lây lan, Đài CNN ngày 25.2 dẫn khuyến cáo của CDC.

Vi khuẩn cũng có thể truyền lại gien kháng thuốc cho những vi khuẩn khác trong ruột. Vi khuẩn có thể lây lan qua đường phân-miệng, tiếp xúc giữa người với người, và thức ăn, nước nhiễm khuẩn.

Khi nhiễm Shigella, người bệnh có thể bị sốt, đau bụng, đau trực tràng và tiêu ra máu.

Trong khi những trường hợp nhiễm khuẩn Shigella thường xuất hiện ở trẻ em, CDC cho biết đang ghi nhận nhiều ca hơn ở dân số trưởng thành, đặc biệt ở nam giới quan hệ đồng tính, người vô gia cư, du khách quốc tế và người sống với HIV.

"Trước những nguy cơ tiềm tàng cho sức khỏe cộng đồng, CDC yêu cầu nhân viên ngành y cảnh giác những trường hợp nhiễm khuẩn Shigella ở địa phương và trên địa bàn tiểu bang, đồng thời giáo dục bệnh nhân và cộng đồng nguy cơ cao về các biện pháp ngăn ngừa và chống lây nhiễm", theo khuyến cáo.

CDC cho hay đa số người sẽ khỏi bệnh mà không cần liệu pháp điều trị nào, và tình trạng bệnh có thể được kiểm soát nếu điều trị theo đường uống. Tuy nhiên, những người nhiễm chủng kháng thuốc nếu các triệu chứng trở nặng thì hiện CDC chưa có khuyến nghị về phương pháp điều trị.

Tỷ lệ nhiễm chủng kháng thuốc của Shigella đang tăng từ zero vào năm 2015 lên 5% năm 2022, theo số liệu của CDC.

Một bé gái tử vong do cúm gia cầm, Campuchia mở rộng xét nghiệm

Trên toàn nước Mỹ, có khoảng 3 triệu ca nhiễm khuẩn kháng thuốc mỗi năm, trong số này hơn 35.000 người thiệt mạng.

Báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc cho hay có khoảng 5 triệu ca tử vong trên thế giới vào năm 2019 do khuẩn kháng thuốc, và con số theo năm sẽ tăng lên 10 triệu người vào năm 2050 nếu không có biện pháp ngăn ngừa nguy cơ lây lan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.