Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 73 công trình thủy lợi hồ chứa được đưa vào vận hành và khai thác. Toàn bộ các công trình đều đã sử dụng từ 10 năm trở lên; cá biệt có công trình đã sử dụng gần 20 năm nhưng chưa hề được gia cố bảo trì.
Hồ Sông Quao được xác định là xuống cấp nghiêm trọng |
Theo biên bản kiểm tra hiện trạng các hồ thủy lợi do Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chi cục Thủy lợi và Công ty Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) tỉnh cho thấy, ở Hồ Sông Quao, một hồ thủy lợi lớn nhất Bình Thuận (có sức chứa gần 80 triệu m3, rộng tới 6,8 km2, nằm ở xã Hàm Trí, H.Hàm Thuận Bắc) với sức chứa 70 triệu m3, đã xảy ra 72 vị trí sụt lún có đường kính từ 0,5m đến 3 m; độ sâu từ 0,5 m đến 1,5 m. Trong đó đập chính nhánh trái có đến 39 vị trí sụt lún. Đặc biệt, mái hạ lưu bị biến dạng dịch chuyển, nhưng đến nay các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
Ở hồ Cẩm Hang (H.Hàm Thuận Bắc) dù dung lượng nhỏ hơn Sông Quao, nhưng mặt đập lún sụt, mái hạ lưu xói lở. Khi nước dâng đến cao trình hơn 25 m là nước thấm qua thân đập. Ở Bàu Hộc Tám (H.Hàm Thuận Bắc) xói lở phần cơ mái hạ lưu khá nghiêm trọng, tạo nhiều rãnh sâu. Phần cơ có nhiều lỗ rỗng hướng từ trên xuống, nguy cơ mất an toàn cho công trình rất cao.
Ở H.Hàm Thuận Nam, các hồ Tà Mon, Đu Đủ đều xuất hiện vết lún sâu gần một mét. Riêng hồ Tân Lập còn xảy ra hiện tượng vết thấm qua thân đập, mái hạ lưu xói lở rất nghiêm trọng.
Riêng đập Trà Tân (ở H.Đức Linh) đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho công trình và cuộc sống của người dân hạ lưu. Đã xuất hiện sụt lún sâu, nước thấm qua thân đập, mái thượng, hạ lưu bị xói lở; tràn xả lũ và mái đập bị lú sụt.
Giải pháp nào an toàn ?
Theo ông Vũ Thông Phán- Phó giám đốc Công ty KTCTTL Bình Thuận (đơn vị được giao nhiệm vụ khai thác các hồ thủy lợi) các hồ chứa không chỉ xuống cấp do yếu tố thời gian, mà còn do ý thức người dân. Hiện nhiều hồ chứa bị người dân lấn chiếm hành lang an toàn để sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. “Nhiều công trình đã đưa vào khai thác, nhưng vẫn chưa bàn giao cho tổ chức vận hành quản lý”- ông Phán nói.
Theo ông Mai Chí- nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận, để vận hành an toàn các hồ đập, việc tu bổ sửa chữa, bảo trì phải được thực hiện đúng quy định. “Có những đập như Sông Quao (sức chứa gần 80 triệu m3) mà gần 20 năm nay không tu bổ là rất nguy hiểm. Tính mạng của hàng chục nghìn người dân hạ lưu bị đe dọa do thân đập xuống cấp”- ông Chí cảnh báo.
Theo đại diện Công ty KTCTTL Bình Thuận thì các hồ chứa lớn như Đá Bạc, Sông Quao, Tà Mon, Trà Tân… đã có kế hoạch tu sửa và được Chính phủ phê duyệt, nhưng chưa có vốn.
Trao đổi với Thanh Niên, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận Huỳnh Thanh Cảnh khẳng định: “Việc xuống cấp nghiêm trọng ở một số hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh được ngành nông nghiệp rất quan tâm chú ý, đặc biệt là ở hồ Sông Quao. Hiện chúng tôi đã có báo cáo cho Bộ NN&PTNT về tình trạng này”.
Và giải pháp, ông Cảnh cho biết: “Trước mắt do chưa có kinh phí, chúng tôi yêu cầu vận hành và chứa nước ở thông số an toàn, điều tiết nước phù hợp trong mùa mưa bão. Về lâu dài vẫn phải chờ kinh phí mới có thể khắc phục triệt để”- ông Cảnh nói.
Quế Hà
Bình luận (0)