Nhiều ca bệnh không kịp cứu
|
Ông N.V (42 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) mới đây vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư trong tình trạng vật vã, sợ gió, sợ nước. Khoảng 2 tháng trước nhập viện, ông V. có đi tiêm phòng dại sau khi bị chó cắn vào mặt. Nhưng sau tiêm 1 tháng, nhà ông lại có chó bệnh nên ông đã giết thịt và ăn. Khoảng hơn 3 tuần sau khi ăn, ông V. bị sốt, mệt mỏi, sau đó xuất hiện các triệu chứng mắc dại phải nhập viện. Trường hợp của ông V. nhiễm vi rút dại gây viêm não kích thích tăng nhạy cảm, nên bệnh nhân rất sợ ánh sáng, sợ gió, sợ nước; thậm chí uống nước cũng bị đau do co thắt họng. Những trường hợp như thế này, chẩn đoán bệnh nhân có thể tử vong vì bị co thắt hầu họng (thít họng).
Một trường hợp mắc dại khác nhập viện gần đây là bệnh nhân nam N.V.S (42 tuổi, ở Vĩnh Phúc). Bệnh nhân được xác định mắc bệnh dại nhưng không thể nhớ chính xác nguồn gây nhiễm, bởi vì trong vòng 2 - 3 năm qua bệnh nhân đã bị chó cắn vài lần. Lần gần nhất cách thời điểm nhập viện khoảng 3 - 4 tháng.
Khác với bệnh dại thể viêm não kích thích gây tình trạng hoảng hốt, lo sợ, vật vã, bệnh nhân bị dại cũng có thể mắc dại thể liệt: liệt chân, tay rồi liệt toàn thân, tử vong. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết từ đầu năm đến nay đã có 7 trường hợp mắc dại nhập viện. Bệnh nhân đến từ Hà Nội và các tỉnh phía bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên. Các trường hợp này đều vào viện khi đã muộn nên không thể cứu được.
Cảnh giác với cả chó con
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lưu ý, sai lầm thường gặp nhất ở những ca tử vong do bệnh dại là người bị cắn không theo dõi chó và bản thân cũng không đi tiêm phòng. Ngoài ra, nhiều người còn tin dùng các loại thuốc của thầy lang theo mách bảo, bài thuốc chưa được kiểm chứng khoa học khiến bệnh trở nặng dẫn đến tử vong.
Bác sĩ lưu ý đặc biệt cẩn trọng khi bị chó chạy hoang cắn, vì không thể theo dõi chó. Thường chó bị bệnh sẽ có biểu hiện chạy lung tung, cắn người đi đường. Cũng không nên chủ quan với chó nhà nuôi. “Ngay cả với chó con cũng có thể nhiễm bệnh dại cắn lây cho chủ. Thậm chí nguồn lây này khó phát hiện vì chó con bị nhiễm dại thường nằm một chỗ không chạy lung tung. Biểu hiện bệnh dại không rõ ràng nên chủ nuôi phát hiện được”, bác sĩ lưu ý.
Vi rút dại có trong nước dãi của chó bệnh, xâm nhập cơ thể người qua vết thương, vết xước của người khi bị chó liếm, bị chó cắn, hoặc khi người giết mổ chó bệnh. Việc tiêm phòng dại cho chó, mèo sẽ giúp giảm nguồn lây bệnh cho người.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong do bệnh dại. Các ca mắc dại tử vong tập trung chủ yếu tại khu vực miền Bắc với 19/22 trường hợp (86%); miền Trung có 3/22 trường hợp (14%), khu vực miền Nam và Tây nguyên chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại. Tất cả các trường hợp tử vong này đều không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn, hoặc đi tiêm muộn.
Xử trí khi bị chó cắn Sau khi bị chó cắn, cần rửa thật sạch vết thương với nước xà phòng, nước muối 0,9%; sát khuẩn vết thương bằng cồn nhằm tránh bội nhiễm và giảm đến mức tối thiểu lượng vi rút xâm nhập. Cần được sự tư vấn của nhân viên y tế, được tiêm phòng và theo dõi sức khỏe, đặc biệt nguy hiểm nếu bị chó cắn ở vùng đầu - mặt - cổ, đầu chi là nơi có nhiều dây thần kinh. Hiện chưa có loại thuốc nào có thể cứu sống bệnh nhân khi đã lên cơn dại. |
Liên Châu
>> Chó dại cắn chết 2 người
>> Chó dại là chó nuôi trong dân thả rông
>> Bất an vì chó dại
>> Giảm 10% số người chết vì bị chó dại cắn
Bình luận (0)