Nguy hiểm khi hóc xương cá

28/10/2009 16:42 GMT+7

Hóc xương là tai nạn rất thường gặp trong ăn uống, và nó có thể gây ra biến chứng rất nguy hiểm

Mới đây, Bệnh viện Triều An (TP.HCM) đã tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bị hóc xương cá, mà theo các bác sĩ là hiếm gặp. Đó là cụ bà P.T.O (83 tuổi, ở P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP.HCM), nhập viện bởi đau vùng thượng vị, kèm theo sốt, có tình trạng thiếu máu và nhiễm trùng.

Qua xét nghiệm máu, siêu âm và chụp MSCT, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị áp-xe gan trái (kích thước 5 cm) nằm sát thành bụng, mà nguyên nhân là do một dị vật ở trong gan. Các bác sĩ đã gây tê và làm tiểu phẫu, mở một đường trên thành bụng đi xuyên vào ổ áp-xe gan trái để hút mủ và lấy ra một xương cá đầu rất nhọn, dài 3,5 cm. Sau mổ, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng.

Theo các bác sĩ, ca hóc xương hy hữu này xảy ra sau khi xương cá qua thực quản, vào dạ dày, thay vì đi ra ngoài theo đường tự nhiên thì lại đâm xuyên thành dạ dày rồi đi vào gan trái sát gần đó, gây ra ổ áp-xe gan trái - một biến chứng cực kỳ hiếm gặp.

Những sai lầm khi bị hóc xương

Nguyên nhân bị hóc xương, theo các bác sĩ thường gặp là do thói quen ăn cả thịt lẫn xương; hay vừa ăn vừa nói chuyện, cười đùa; hoặc ăn uống trong lúc say rượu...

Các bác sĩ khuyến cáo, nhiều trường hợp, người bị hóc xương chủ quan, hoặc dùng một số mẹo không đúng nhằm "tống" xương trôi xuống. Vì thế có trường hợp bị biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

Khi dị vật theo đường ăn hóc ở thực quản, người bệnh cố gắng khạc ra, hay vì lý do nào đó, xương cá có thể từ thực quản chui ra ngoài. Khi đó, sẽ có nguy cơ xương cá cắm vào mạch máu, vì thực quản nằm sát với mạch máu lớn từ tim ra. Nếu xương cá làm thủng mạch máu, bệnh nhân có thể tử vong. Đa số những người bị hóc thường cố nuốt thêm cơm để xương trôi đi; một số dùng tay móc họng, có người dùng que dài chọc cho xương trôi xuống. Còn có những mẹo khác như: uống nước dãi vịt, ăn củ riềng, uống nước giếng, quay ngược cái chổi ở góc nhà, nuốt vỏ cam… Những biến chứng thường gặp sau đó có thể là: viêm thanh quản, viêm tấy có mủ, gây áp-xe, viêm vùng cổ bên…

Nhiều trường hợp dị vật chạy đến các vị trí không thể nào ngờ tới, gây tấy mủ ngay ở đó mà bệnh nhân không hề hay biết, do trong suốt thời gian sau khi bị hóc và chữa mẹo, bệnh nhân không có cảm giác đau. Đó là điểm cực kỳ nguy hiểm đối với "tai nạn" hóc xương. Biến chứng nặng nhiều khi không kịp cứu.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.