Nguy hiểm như làm thợ săn bão

13/04/2017 20:33 GMT+7

Sau tai nạn khiến 3 “thợ săn” bão thiệt mạng ở Texas, một số nhà khí tượng học đã gièm pha những người mà họ cho là thích đâm đầu vào chỗ chết một cách vô ích.

Giới truyền thông Mỹ vừa đưa tin về cái chết của 3 “thợ săn” bão - những người luôn đuổi theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão tố và đặc biệt là lốc xoáy.
Trang tin Lubbock Avalanche-Journal dẫn lời các nhà điều tra cho hay hai xe chở 3 người đã đâm nhau trên giao lộ bên ngoài thị trấn Spur, thuộc hạt Dickens vào cuối tháng 3. Tất cả nạn nhân đều thiệt mạng tại chỗ.
Trong đó, Kelley Williamson và Randy Yarnall, đi cùng một xe, là “ngôi sao” của chương trình “Cao bồi bão táp” kênh The Weather Channel, do họ thường ghi hình trực tiếp các cơn bão và lốc xoáy trên đường đi của chúng. Còn nạn nhân thứ ba là Corbin Jaeger, gia nhập nghề săn bão từ năm 2014 cho trang MadWx, và cũng thường xuyên truyền trực tiếp các cơn lốc xoáy tại hiện trường.
Thảm kịch của bộ ba thợ săn nổi tiếng trong làng thời tiết Mỹ một lần nữa đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích về những nguy hiểm luôn chực chờ đối với những người đuổi theo các cơn bão, thậm chí còn nghi ngờ về giá trị thông tin mà họ mang lại. Tuy nhiên, một số thợ săn yêu nghề cho rằng nghề của họ không những hỗ trợ giới hữu trách về khía cạnh cảnh báo bão, mà còn cung cấp dữ liệu dài hạn cho những nhà khoa học.
Thợ săn bão ở Mỹ đã xuất hiện từ thời Thế chiến thứ hai, khi quân đội Mỹ bắt tay với Cục Thời tiết thiết lập các mạng lưới công dân tình nguyện gần các khu vực quân sự có thể dễ dàng bị bão táp tàn phá. Cùng với sự xuất hiện và ngày càng phổ biến của phim ảnh và các công cụ truyền thông khác, số người tình nguyện phát hiện và nhanh chóng cấp báo cho giới chức có thẩm quyền tăng theo thời gian, đặc biệt ở mảng săn lùng lốc xoáy.
Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự đã đến với bộ phim bom tấn Twister vào năm 1996. Theo kênh truyền hình OurAmazingPlanet, sự thành công quá sức vang dội của bộ phim đã thu về cuồn cuộn sự quan tâm trong lĩnh vực khí tượng học. Số người đăng ký làm thợ săn nghiệp dư tăng lên nhiều đến nỗi các đại học Mỹ phải mở ngành mới liên quan đến đề tài thời tiết, và không ít người đăng ký các tour gây thót tim để tham quan lốc xoáy, đưa họ đến gần khu vực xảy ra hiện tượng thời tiết. Thế nhưng, một số nhà khoa học đặt nghi vấn liệu sự tồn tại của cộng đồng thợ săn mà họ đánh giá là “ham vui” và thích sự nổi tiếng một cách chớp nhoáng thật sự cần thiết cho mục tiêu nghiên cứu khoa học.
Không phải ai đuổi theo bão cũng thiệt mạng. Cái chết của ba người vừa đề cập ở trên là tai nạn gây tử vong đầu tiên kể từ năm 2013, khi một người không chuyên và ba nhà khoa học chết trong lúc quan sát bão ở bang Oklahoma.
Một số chuyên gia vẫn đánh giá cao vai trò của các thợ săn bão. Nhà khí tượng học Howard Bluestein, của Đại học Oklahoma, cho hay ông và các sinh viên đã mang radar đến tận nơi để nghiên cứu lý do tại sao một số cơn bão tạo ra lốc xoáy trong khi những cơn bão khác thì không. Họ cũng đặt mục tiêu thu thập thông tin về các cấu trúc (hình dạng) của lốc xoáy.
“Cảnh báo dựa trên radar không phải lúc nào cũng chính xác 100%, nên chúng tôi cần ai đó tại hiện trường để tận mắt chứng kiến chuyện gì xảy ra”, ông Bluestein kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.