9 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma); Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc (đều nguyên Phó giám đốc VN Pharma), Phạm Anh Kiệt (nguyên Tổng giám đốc Công ty Dược Sapharco); Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) cùng 4 bị cáo khác là cấp dưới của Hùng.
Giấy chứng nhận thuốc chống ung thư là giả
Cáo trạng thể hiện, từ năm 2012, Hùng thông qua Công ty H&C của Cường để nhập thuốc tân dược có nhãn mác do Công ty Helix Canada sản xuất để Hùng bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện tại VN, trong đó có thuốc H-Capita 500mg chữa bệnh ung thư.
Thời điểm VN Pharma nhập khẩu hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg về kho, Cục quản lý dược Bộ Y tế đã nghi ngờ về nguồn gốc thuốc nhập khẩu nên yêu cầu Hùng và Cường giải trình; đồng thời thanh tra, kiểm tra VN Pharma rồi niêm phong, không cho bán thuốc này ra thị trường.
Kết luận giám định của Bộ Y tế thể hiện lô thuốc H-Capita 500mg nói trên chứa 97% hoạt chất capecitabine - là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Tháng 8.2014, Cục quản lý dược có công văn gửi Bộ Công an đề nghị xác minh.
Kết quả điều tra xác định, năm 2013, khi nhập hàng về, do không có hồ sơ kỹ thuật thuốc cũng như tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược thẩm định theo quy định của Bộ Y tế, Hùng đã chỉ đạo cấp dưới viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500mg để hợp thức hồ sơ nộp cho Cục quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu và đăng ký lưu hành thuốc.
Trên cơ sở hồ sơ của VN Pharma cung cấp, Cục Quản lý dược duyệt nhập đối với đơn hàng trên với giá 27 USD/hộp. Tháng 4.2014, Công ty VN Pharma đã mở tờ khai hải quan nhập khẩu hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg về VN, sau đó nâng khống giá thuốc lên đến 75 USD/hộp.
Mặc dù là người đặt mua thuốc để bán cho VN Pharma nhưng Cường khai không biết nguồn gốc lô thuốc nêu trên được sản xuất ở đâu.
|
Quá trình điều tra cho thấy số thuốc được dán tem từ Ấn Độ về Singapore, sau đó nhập khẩu về VN. Tuy nhiên xác minh mã vạch, mã số in trên vỏ thuốc thì không được đăng ký bởi quốc gia nào. Các giấy chứng nhận chất lượng thuốc đều là giả.
Kết quả điều tra và ủy thác tư pháp cho thấy không có công ty nào đăng ký kinh doanh như giấy tờ của VN Pharma nộp cho Cục quản lý dược. Và dấu hợp pháp lãnh sự, chữ ký của Tham tán Đại sứ VN tại giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc, giấy chứng nhận báng hàng tự do đều là giả.
Ngoài ra, từ năm 2012 - 2014, Hùng còn chỉ đạo nhân viên thuê dược sỹ để chỉnh sửa nhiều bộ hồ sơ thuốc khác, giả con dấu và chữ ký của giám đốc, nhân viên công ty Helix Canada để VN Pharma đăng ký lưu hành thuốc và xin cấp phép nhập khẩu tại Cục Quản lý dược. Bị cáo Hùng còn làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty Austin Hồng Kông để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc (H2K- Levofloxacin, H2K-Ciprofloxacin).
Không biết thuốc nhập về là giả (!?)
Tại phiên toà, Hùng thừa nhận việc đã “chuẩn hoá” giấy tờ để đủ điều kiện nhập khẩu thuốc nhưng không hề biết thuốc nhập về là kém chất lượng.
“Bị cáo quen biết Cường và đặt Cường mua thuốc mang nhãn mác của Công ty Helix Canada. Hai bên thống nhất giá thuốc là 0,8USD/viên. Sau khi bị bắt, bị cáo mới biết công ty này đã giải tán. Các loại thuốc chữa bệnh ung thu thời điểm bị cáo nhập về đang khan hiếm, biết nhu cầu bệnh nhân đang cần thuốc nên bị cáo chỉ cố gắng lấy thuốc về để phục vụ bệnh nhân”, Hùng khai.
Về phần mình, Cường cũng khai không hề biết các loại giấy tờ về hàng hóa cũng như sản phẩm lô hàng lấy về bán cho Hùng là giả.
Các luật sự bảo vệ cho các bị cáo cũng tập trung xét hỏi làm rõ trách nhiệm về nguồn gốc thuốc là do bị cáo Cường hay Hùng.
Dự kiến, phiên toà kéo dài trong 8 ngày.
Cáo trạng cũng nêu, bị cáo nguyên Tổng giám đốc VN Pharma Ngô Anh Quốc đã chỉ đạo nhân viên chi hoa hồng lên đến gần 7,5 tỉ đồng cho các bác sĩ tại bệnh viện để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc do VN Pharma nhập khẩu về.
Quá trình điều tra, các bị cáo đều khai mục đích của việc nâng khống giá thuốc trên hợp đồng nhập khẩu thuốc là để lấy tiền chi phí cho việc bán thuốc vào các bệnh viện.
Cơ quan điều tra nhận định hành vi trên có dấu hiệu trốn thuế. Tuy nhiên do sự việc xảy ra đã lâu, số thuốc nhập về đã tiêu thụ, Cơ quan An ninh điều tra không thu giữ được tài liệu đầy đủ nên không có điều kiện điều tra, làm rõ số tiền của từng trường hợp cụ thể để kết luận.
|
Bình luận (0)