Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công: Người ra lệnh giải phóng Đà Nẵng

10/09/2011 00:27 GMT+7

Ông Võ Chí Công, nguyên Bí thư Khu ủy khu 5, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam vừa qua đời. Bài viết sau đây ghi lại hình ảnh của ông vào thời khắc quan trọng của đất nước ngay ở ngôi đình làng ở xóm Chay, Thanh Quýt, cửa ngõ dẫn vào Đà Nẵng hồi đầu năm 1975.

Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, mũi tiến công vào Đà Nẵng theo hướng Nam thành phố do lực lượng bộ đội Quân khu 5 đảm trách. Theo các tài liệu chính thức, ông Võ Chí Công lúc đó là Bí thư Khu ủy Khu 5 cùng lãnh đạo Đặc Khu ủy Quảng Đà sẽ vào thành phố theo mũi tiến công này.

“Ngày 26.3.1975, tại xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, Quảng Nam một cuộc họp lãnh đạo các quận của Đà Nẵng đã được triệu tập... Tối ngày 27.3, đồng chí Võ Chí Công cùng các đồng chí trong Khu ủy Khu 5 đã làm việc với Đặc Khu ủy Quảng Đà... Một lần nữa đồng chí Võ Chí Công khẳng định phải giải phóng Đà Nẵng chậm nhất là ngày 3.4.1975”...

 
Ông Võ Chí Công (người đeo kính) cùng các vị lãnh đạo Quân khu, Đặc Khu ủy đang chỉ đạo cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng, ngày 29.3.1975  - Ảnh: Ông Nguyễn Hữu Bì cung cấp

“Sáng sớm ngày 29.3, được sự đồng ý của đồng chí Võ Chí Công và Chu Huy Mân, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã quyết định khởi nghĩa và tấn công ngay vào Đà Nẵng (Theo Lịch sử TP Đà Nẵng, NXB Đà Nẵng 2001).

“Sáng 29.3, đồng chí Võ Chí Công rời xóm Chay lên đường vào Đà Nẵng... Tối hôm đó, đồng chí được đưa về nhà thờ tộc Lê thôn Thanh Quýt để ở lại” (Theo Lịch sử Đảng bộ xã Điện Thắng, bản thảo đánh máy, khoa Sử, Đại học Tổng hợp Huế).

Đọc những dòng lịch sử trên, tôi đã về lại làng Thanh Quýt để gặp một nhân chứng về các sự kiện và những giờ khắc quan trọng này. Ông Nguyễn Hữu Bì, Chủ tịch UBND cách mạng xã Điện Thắng lúc đó nhớ lại: “Chiều 27.3, tôi đang công tác ở xóm Dưới làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng thì được lệnh triệu tập lên Điện Hòa ngay. Tại đây, các anh lãnh đạo Khu ủy và bộ đội sau khi hỏi tình hình, đã mở bản đồ xã Điện Thắng ra hỏi cặn kẽ các vị trí trọng yếu ở xóm Chay như các ngôi nhà lầu, ngôi đình làng và cây chim chim cổ thụ ở đầu xóm...”. Tôi báo cáo chi tiết xong thì được lệnh quay về ngay để triển khai một số công tác như tổ chức lực lượng chuẩn bị tham gia mũi tiến quân ra Đà Nẵng và phối hợp bảo vệ các vị trí quan trọng khi có lệnh... Sáng sớm hôm sau lại được gọi lên xóm Chay. Tại đây, tôi đã thấy có mặt các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân, tướng Lê Trọng Tấn của Quân khu và ông Hồng Thắng của Đặc Khu ủy. Các vị lãnh đạo được bố trí ở tại nhà lầu hai tầng của ông Gạt (Nguyễn Hữu Can). Các đơn vị quân đội, bảo vệ đóng quân trong đình làng Thanh Quýt, khu vực cây chim chim cổ thụ và các nhà dân lân cận. Đồng chí Võ Chí Công và các vị lãnh đạo cũng ra nghiên cứu bản đồ và chụp ảnh kỷ niệm tại cây chim chim này...”.

Ông Bì cho biết hôm đó, ông đã bạo mồm xin anh phóng viên quân đội mấy tấm ảnh đó để sau này dành cho nhà truyền thống của địa phương, và đã bị từ chối. Nhưng sáng 29.3, khi các vị lãnh đạo tiếp tục ra quốc lộ vào Đà Nẵng thì anh phóng viên đó đã tặng cho ông hai tấm ảnh: một tấm chụp ông Võ Chí Công tựa lưng vào cây chim chim và một tấm các vị lãnh đạo Quân khu, Đặc Khu ủy đang xem xét bản đồ. Anh phóng viên ấy cho ảnh nhưng bảo phải giữ bí mật vì nếu không vào Đà Nẵng được thì rất nguy hiểm!

“Tối 29.3, đồng chí Võ Chí Công quay về nhà thờ Lê Tự cạnh quốc lộ 1A ở xóm Chay, chỉ cách Đà Nẵng 15 cây số đường chim bay để bảo đảm an toàn. Lực lượng địa phương đã nhanh chóng sắp xếp chỗ nghỉ và phối hợp bảo vệ bên ngoài nhà thờ. Tôi thấy phong cách của đồng chí Võ Chí Công mạnh mẽ, quyết đoán nhưng cũng rất ung dung, chứng tỏ ông luôn nắm rõ tình thế...”, ông Bì nhớ lại.

Sau ngày giải phóng Đà Nẵng, hai tấm ảnh quý giá trên được ông Bì phóng lớn treo tại hội trường Ủy ban xã. Xem những tấm ảnh quý giá và đọc lại những trang sử nêu trên, ông Nguyễn Hữu Bì (nay đang nghỉ hưu tại địa phương) nói trong xúc động: “Sau khi nghe tin báo về trong đêm 28.3 tướng Ngô Quang Trưởng đã bỏ chạy, ông đã ra lệnh tiến quân ngay vào giải phóng Đà Nẵng lúc mờ sáng ngày 29.3.1975 thay vì ngày 3.4 như ý định trước đó là hết sức kịp thời và tinh tế...”. Ông Bì hãnh diện nói tiếp: “Đó cũng là một kỷ niệm khó quên của dân làng chúng tôi đối với một đồng chí lãnh đạo mà sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước!”.

Nguyễn Sông Hàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.