Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã về nơi an nghỉ cuối cùng

04/05/2019 06:08 GMT+7

Sáng 3.5, lễ tang nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh được cử hành trọng thể theo nghi thức quốc tang tại Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đúng 7 giờ, sau khi Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Tổ chức lễ quốc tang tuyên bố lễ viếng bắt đầu, đoàn Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng Cộng sản VN do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn vào viếng đại tướng Lê Đức Anh.
[VIDEO] Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh tại Hà Nội Ảnh: TTXVN
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh tại Hà Nội Ảnh: TTXVN
Tiếp sau đoàn BCH T.Ư Đảng, đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm trưởng đoàn; đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm trưởng đoàn; đoàn Chủ tịch nước do Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm trưởng đoàn; đoàn Ủy ban T.Ư MTTQ VN do ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN làm trưởng đoàn vào viếng đại tướng Lê Đức Anh. Trong tiếng quân nhạc trầm buồn, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đoàn đại biểu trong, ngoài nước đã cúi đầu mặc niệm, thắp hương trước linh cữu đại tướng Lê Đức Anh và chia buồn cùng tang quyến đại tướng.

Một vị tướng tài ba, một nhân cách đức độ

[VIDEO] Truy điệu nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh
Tới 10 giờ 45, lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh được cử hành theo nghi thức quốc tang. Đọc lời điếu tại lễ truy điệu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đại tướng Lê Đức Anh là một nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn; người đảng viên cộng sản kiên trung, suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân; đồng thời nhấn mạnh, sự ra đi của đại tướng Lê Đức Anh là tổn thất to lớn, để lại niềm tiếc thương đối với đồng bào, đồng chí, gia đình và bạn bè quốc tế.
Ôn lại những cống hiến to lớn của đại tướng Lê Đức Anh qua nhiều trọng trách được Đảng, Nhà nước giao phó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Ở bất kỳ cương vị nào, đồng chí luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng để tái thiết đất nước, khởi xướng công cuộc đổi mới, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước; cùng Đảng ủy quân sự T.Ư, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng thế trận “chiến tranh nhân dân” và nền quốc phòng toàn dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước”.
Đoàn xe đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh về Nghĩa trang TP.HCM Ảnh: Khả Hòa
Đoàn xe đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh về Nghĩa trang TP.HCM Ảnh: Khả Hòa
“Hôm nay, chúng tôi có mặt tại đây để bày tỏ lòng tiếc thương và tình cảm sâu sắc tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng. Chúng tôi mãi mãi nhớ về đại tướng Lê Đức Anh - anh Sáu Nam kính mến, người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi. Trong giờ phút tiếc thương và xúc động này, chúng tôi xin trân trọng gửi đến toàn thể gia quyến đại tướng Lê Đức Anh lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương, mất mát không gì bù đắp được”, Thủ tướng xúc động kết thúc lời điếu.
Phát biểu đáp từ, ông Lê Mạnh Hà, con trai đại tướng Lê Đức Anh, cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng đội, bạn bè và người thân đã luôn bên cạnh đại tướng. Ông cũng cảm ơn các thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho ba ông trong nhiều năm.
Sau phút mặc niệm của lễ truy điệu, trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia quyến đi quanh linh cữu lần cuối, tiễn biệt đại tướng Lê Đức Anh và đưa linh cữu đại tướng ra linh xa, tiễn đưa đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Đoàn xe nghi lễ đưa linh cữu đại tướng qua nhà riêng tại phố Hoàng Diệu (Hà Nội) trước khi ra sân bay vào TP.HCM để thực hiện lễ an táng vào 17 giờ chiều cùng ngày.

Người thầy, người cha

Lúc 7 giờ cùng ngày, lễ viếng đại tướng Lê Đức Anh cũng được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) với sự có mặt của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP.HCM, cùng đông đảo người dân TP và các tỉnh thành phía nam.
[VIDEO] Lãnh đạo TP.HCM viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh
Đi xe buýt từ Q.10 lên Hội trường Thống Nhất, trên tay là tờ báo viết về lễ tang đại tướng Lê Đức Anh, đại tá Nguyễn Văn Hanh (80 tuổi), nguyên chính ủy Trung đoàn 10 (Quân khu 9) nhớ về người đồng hương, người thủ trưởng cũ của mình với vai trò là Tư lệnh Quân khu 9 không quản hiểm nguy xuống chiến trường Long Mỹ ở Cần Thơ động viên lính của mình sau Hiệp định Paris. Nhớ về quãng thời gian 10 năm (1979 - 1989), ông trực tiếp chỉ huy quân tình nguyện VN giải phóng Campuchia, tránh cho đất nước Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Pol Pot. Rồi sau này làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Lê Đức Anh đã có quyết tâm táo bạo là giảm 2/3 quân đội chủ lực, từ 1,6 triệu quân xuống còn khoảng 600.000 quân, giảm biên chế quân đội để bớt gánh nặng cho người dân.
Với thiếu tướng Cao Long Hỷ (87 tuổi), nguyên Cục trưởng Cục An ninh quân đội (Bộ Quốc phòng), đại tướng Lê Đức Anh như một người thầy, người cha và là một chỉ huy nghiêm khắc nhưng đầy tình thương mến. Sự trưởng thành rèn luyện của gần 700 thiếu sinh quân miền đông thời kỳ chống Pháp, trong đó có thiếu tướng Hỷ là có một phần công lao của đại tướng Lê Đức Anh. “Khi tôi lớn lên, làm việc được nhiều lần gặp thì tôi thấy đại tướng Lê Đức Anh là một Bộ trưởng Quốc phòng rất có tài thao lược, sâu sát, nhìn xa trông rộng”, thiếu tướng Hỷ nhận định.
[VIDEO] Cô giao liên tuổi 80 từ miền Tây lên viếng đại tướng Lê Đức Anh
Đúng 14 giờ 35 phút cùng ngày, máy bay đưa linh cữu đại tướng Lê Đức Anh đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Trời TP.HCM đổ mưa, thời tiết dịu mát như chào đón ông Sáu về lại thành phố sau nhiều ngày cách xa. Trên đường đưa linh cữu từ sân bay về Nghĩa trang TP.HCM, đoàn xe đưa linh cữu đại tướng Lê Đức Anh dừng lại trước Bộ Tư lệnh Quân khu 7 - nơi ông từng làm Tư lệnh, và dừng lại trước nhà riêng trên đường Pasteur. Ở cả hai nơi này, rất đông người dân, đồng chí và đồng đội đã có mặt để tiễn biệt ông lần cuối.
16 giờ 30, linh cữu đại tướng Lê Đức Anh được đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng ở Nghĩa trang TP.HCM, cạnh các đồng đội như cố thượng tướng Trần Văn Trà, cố Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt... Lễ an táng nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh diễn ra trọng thể với niềm tiếc thương vô hạn của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người thân, đồng đội, đồng chí.
Trưởng ban tổ chức lễ quốc tang Trương Hòa Bình cho biết, trong sáng 3.5 đã có trên 1.000 đoàn trong nước và quốc tế viếng nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh tại Nhà tang lễ quốc gia (TP.Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, quê nhà đại tướng Lê Đức Anh. Lãnh đạo nhiều nước gửi điện chia buồn cùng gia quyến đại tướng.
[VIDEO] Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến viếng nguyên chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh
Tại lễ viếng nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh ở Thừa Thiên-Huế, cụ Lê Như Chánh, Phó chủ tịch Hội đồng họ Lê tỉnh Thừa Thiên-Huế, xúc động nói: “Dòng họ chúng tôi rất tự hào về đại tướng, người con cháu của dòng họ và luôn nêu gương đại tướng Lê Đức Anh cho con cháu”. (Đình Toàn)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.