Không còn nhầm lẫn
Từng có thời điểm, Nguyễn Công Phương được nhắc đến nhiều, bởi anh có cái tên... hao hao đàn anh Nguyễn Công Phượng. Khó trách sự nhầm lẫn của CĐV, bởi Công Phượng quá nổi tiếng, còn Công Phương cách đây vài năm chỉ ở mức hạt giống tiềm năng.
Tuy nhiên, hạt giống ấy đã nảy mầm và vươn mình nhanh chóng ở vòng loại U.20 châu Á 2025, khi Công Phương thi đấu xuất sắc, trở thành thủ lĩnh trong lối chơi mà bộ đôi HLV Hứa Hiền Vinh và giám đốc kỹ thuật Phan Thanh Hùng đang xây dựng.
Ở trận gặp U.20 Bhutan, Công Phương được ban huấn luyện "giấu kỹ" khi cất trên ghế dự bị ở hiệp 1. Song, bởi U.20 Việt Nam chơi không đạt yêu cầu trong hiệp 1, ngôi sao sáng nhất phải xuất trận. Công Phương chỉ cần một hiệp đấu để khẳng định vai trò, khi in dấu giày vào 4 bàn thắng.
Anh chọc khe kiến tạo bàn nâng tỷ số lên 2-0, chỉ với một cái liếc mắt quan sát trước khi chuyền. Sau đó, Công Phương băng cắt đoạt bóng trong chân hậu vệ U.20 Bhutan, bứt tốc qua gần nửa chiều dài sân rồi dứt điểm thành bàn. Cầu thủ sinh năm 2006 tiếp tục bùng nổ trong những phút cuối với 1 quả tạt chuẩn xác cho đồng đội ghi bàn, trước khi sút xa dội xà vào lưới, khép lại màn trình diễn "5 sao".
Highlight U.20 Việt Nam 3-0 U.20 Guam | Vòng loại U.20 châu Á
Đến trận gặp U.20 Guam, Công Phương lại tỏa sáng với cú đá phạt chìm hiểm hóc nhân đôi cách biệt. 5 lần in dấu giày vào bàn thắng của cầu thủ 18 tuổi đến từ 5 kịch bản khác nhau: đá phạt, chọc khe, sút xa, rê bóng độc diễn ghi bàn.
Nên nhớ, dù những đối thủ Công Phương đã sút tung lưới đều đến từ những nền bóng đá yếu hơn. Nhưng cũng là U.20 Bhutan, đối thủ bị sao trẻ 18 tuổi chọc thủng lưới 2 lần, đã chơi kiên cường trước U.20 Syria và chỉ thua bởi một khoảnh khắc.
Mới là khởi đầu
Trong lứa U.20 Việt Nam mà ông Hứa Hiển Vinh đang dìu dắt, chưa nói đến đẳng cấp chuyên môn, hiếm cầu thủ nào toàn diện như Công Phương.
Khi mới 9 tuổi, Công Phương được gia đình cho gia nhập trung tâm thể thao tỉnh Hải Dương, sau đó thăng hoa ở giải bóng đá nhi đồng toàn quốc rồi lọt vài "mắt xanh" của lò đào tạo Thể Công Viettel. Anh đi con đường mà nhiều đàn anh như Hoàng Đức, Tiến Anh, Trọng Đại (Thể Công Viettel), Văn Thanh, Văn Toàn (HAGL) đã đi, đó là tỏa sáng ở cái nôi Hải Dương, rồi được một lò đào tạo lớn nhận về chăm bẵm.
Trước khi tỏa sáng ở U.20 Việt Nam, Công Phương đã là thủ lĩnh của lứa U.16. Tiền vệ mang áo số 10 là minh chứng điển hình cho câu nói tài không đợi tuổi. Với chiều cao 1,77m, khả năng chơi khéo léo bằng cả hai chân, nhãn quan chiến thuật và kỹ năng dứt điểm tốt, Công Phương là mẫu tiền vệ tấn công của hiếm vừa dẫn dắt lối chơi, vừa tham gia dứt điểm tình huống.
Tuy nhiên, bóng đá trẻ tồn tại nhiều biến số. Từng có những ngôi sao vươn lên ở sân chơi trẻ, nhưng tàn lụi ở ngưỡng trưởng thành. Để đi đúng hướng, Công Phương cần được tạo điều kiện thi đấu thường xuyên, dìu dắt bởi những người thầy giỏi. Yếu tố này, cầu thủ sinh năm 2006 đang sở hữu dồi dào hơn bất cứ ai.
Công Phương chơi bóng ở một trong những đội sử dụng cầu thủ trẻ thường xuyên nhất, luôn ưu tiên sản phẩm "của nhà trồng được" như Thể Công Viettel. Mùa trước, tiền vệ sinh năm 2006 ra sân 5 trận ở V-League (tổng 129 phút). Anh là một trong những sao trẻ có màn ra mắt V-League sớm nhất.
Thể Công Viettel không ngại trao cơ hội cho người trẻ, miễn chứng minh năng lực. Tấm gương từ những Hoàng Đức, Văn Khang, Tiến Anh, Thanh Bình, Tuấn Tài, Mạnh Hưng... sẽ thúc đẩy Công Phương. Việc sớm được va chạm ở V-League là cơ hội để tiền vệ 18 tuổi sớm dạn dày.
Dù vậy, quan trọng nhất vẫn là nỗ lực tự thân của Công Phương. Khoảng cách giữa bóng đá trẻ và bóng đá đỉnh cao xa vời vợi, đòi hỏi nỗ lực, bản lĩnh và sự khiêm nhường - thứ không phải cầu thủ trẻ nào cũng có. Đã có những ngôi sao trẻ chớm nở, để rồi đánh mất mình bởi không giữ được "cái đầu lạnh" giữa muôn vàn lời tung hô.
Công Phương có tiềm năng, nhưng hành trình để vươn tầm của tiền vệ gốc Hải Dương sẽ còn rất dài.
FPT Play - Đơn vị duy nhất phát sóng trọn vẹn LPBank V.League 1-2024/25, tại https://fptplay.vn
Bình luận (0)