(iHay) Được ví như “bản sao” của Tùng Dương và 6 lần được đề cử giải Cống hiến nhưng Nguyễn Đình Thanh Tâm vẫn là cái tên hơi lạ với khán giả. Chàng trai đã từng giành được giải cao nhất của Hội đồng nghệ thuật tại Sao Mai điểm hẹn 2012 có tự “giải thoát” mình ra khỏi “khuôn khổ” lâu nay để tiếp cận gần hơn với thị hiếu khán giả sau cuộc thi Tuyệt đỉnh tranh tài (TĐTT) 2015?
Đến mức tiền ăn trưa cũng không còn !
* Sau vòng thi rock, thấy bạn chia sẻ status trên trang cá nhân có vẻ bức xúc?
|
|
|
Một số bầu sô cũng nói rằng: Em ơi khán giả nghe thì cũng cần nhìn nữa... nên tôi nghĩ mình phải thay đổi. Không phải là tôi tự ti hay khó chịu với những lời đó mà tôi nghĩ rằng có những giá trị mặc định rồi thì khó thay đổi, tôi phải gạt nó qua, chỉ bằng một số tiền, một thời gian nghỉ dưỡng nào đó mà mình sẽ gạt được những rắc rối không cần thiết thì tại sao lại không làm.
|
|
|
|
|
Tôi cảm thấy hơi bị sốc vì nhận xét của vài thành viên BGK nhưng chủ đích của tôi chính là bất mãn cho tất cả công sức của ê kíp khi chỉ nhận được ý kiến trái chiều như vậy. Trước đêm rock, tôi đã tham khảo rất kỹ ý kiến từ nhiều người nên quyết định đưa “cái chất” của mình vào rock. Họ nói rằng tôi làm cho khán giả có cảm giác không an toàn, sợ tôi bị rớt nhịp nên phải ngồi đếm nhịp cho tôi... Báo chí cũng theo đó viết rằng tôi phải xem lại nhịp phách - điều đó hơi nặng với một người làm nghề nghiêm túc như mình. Bao nhiêu công sức trên sân khấu 3 phút để nhận lại như vậy thì không công bằng cho tôi và cả khán giả bình chọn tôi. Dù tôi biết giám khảo có quyền nhận xét, đưa ý kiến trái chiều nhưng tất cả mọi thứ đã đi hơi chệch so với những gì tôi mong muốn.
* Bạn có nghĩ là vì bạn không được lòng một số người trong showbiz do cá tính không bon chen, làm nghề lặng lẽ quá, ít xã giao?
Trước giờ con đường tôi chọn là lặng lẽ. Trong nghề tôi ít giao lưu, ít kết bạn với mọi người. Nhưng nếu không là bạn, không đi chơi, ăn uống với nhau, họ cũng nhìn về tôi là một đứa vậy thôi chứ sao lại ghét tôi (cười buồn).
* Showbiz khắc nghiệt như thế đấy, ưu ái hay ghét bỏ một ai đôi khi là chuyện thường tình mà bạn phải chấp nhận...
Ưu ái một người nào đó là quyền của mỗi người nhưng quyền của tôi là được nhận lại đúng với những gì tôi đã thể hiện. Còn với showbiz, chuyện này là hiển nhiên thì tôi chấp nhận thôi vì đó là con đường tôi đã chọn.
* Bạn được nhận xét là có nội lực, tài năng nhưng sau 3 năm từ Sao Mai điểm hẹn 2012 đến bây giờ bạn vẫn chưa tìm được thị trường âm nhạc cho mình dù sản phẩm của bạn vẫn được đánh giá cao?
Nhạc tôi chọn hơi kén người nghe nhưng vẫn có khán giả. Cho đến thời điểm này, sau 4 live show ở TĐTT tôi vẫn là người nằm trong top an toàn về tin nhắn. Khi khán giá hiểu được nhạc của tôi thì tôi tin họ sẽ ở bên cạnh mình, đây là điều tôi tự hào. Nhưng khả năng về tài chính là điểm yếu của tôi. Khi làm một sản phẩm, tôi dốc hết tâm sức, tài chính vào đó, nhiều khi đến mức tiền ăn trưa tôi cũng không còn nên sau đó tôi không còn tiền để quảng bá nó đến công chúng. Đây lại là khâu quan trọng nhưng tôi đã đuối sức. Mà hiện tại tôi cũng không có ê kíp chuyên nghiệp đứng bên cạnh mà chỉ là những cá nhân riêng lẻ giúp tôi thôi.
* Vậy tại sao bạn không tìm một ê kíp chuyên nghiệp?
Thực sự đây là vấn đề may mắn và duyên nữa. Trước đây, tôi đã từng thử làm việc với một công ty nhưng với cá tính của mình - chỉ muốn làm những thứ tôi cho là đúng và gây cảm hứng cho mình - nên tôi phải bồi thường hợp đồng để ra khỏi công ty. Tôi vốn ôm đồm, tự tay làm thì mới thấy hài lòng.
* Dòng nhạc bạn theo đuổi vốn “khó nuốt” với khán giả, bạn có nghĩ sẽ tìm cách thoát ra, thay đổi một chút để thuận tiện cho sự phát triển của mình không?
Trước đây với câu hỏi này tôi sẽ trả lời là không nhưng đến thời điểm này tôi sẽ suy nghĩ lại. Sau khi tham gia TĐTT, rồi tôi mới ngộ ra rằng, có rất nhiều người tìm đến với âm nhạc chỉ đơn thuần là giải trí, để thoải mái, vậy tại sao một ca sĩ khi đặt ra mục tiêu cống hiến trong sự nghiệp của mình rồi lại chỉ chăm chăm làm những thứ mình thích, cho một vài đối tượng; còn nhiều đối tượng khác vẫn có nhu cầu nghe sao mình không mở rộng ra, để đáp ứng trong khi mình có thể làm được. Nên tôi sẽ tìm kiếm khán giả, sẽ thể nghiệm nhiều hơn và có một vài sản phẩm khác. Rất khó tìm một người viết nhạc có thể giải trí được mà hợp gu với tôi, nên tôi sẽ tập sáng tác để có những ca khúc hát dễ chịu hơn, để người trẻ vẫn có thể tiếp cận với âm nhạc của tôi.
* Nhưng ranh giới giữa dễ nghe và dễ dãi sẽ rất dễ khiến bạn đi lệch, lúc đó bạn có còn là chính mình hay không, hơi mạo hiểm đấy?
Cái này không mạo hiểm, một khi là người chọn bài hát để nghe, họ có đủ kinh nghiệm để biết đâu là dễ dãi và dễ nghe. Với bản thân tôi khi chọn một bài để hát, khi cất lên với ca từ, giai điệu đó, nếu có vấn đề, tôi sẽ khựng lại liền, nên tôi tự tin vào sự lựa chọn của mình để dễ nghe mà không dễ dãi. Chắc chắn là tôi không bao giờ hát được những gì dễ dãi đâu. Trong cuộc thi TĐTT, nhiều ý kiến giám khảo, khán giả mong chờ tôi hát lại những bài hát thảm họa xem sẽ như thế nào nhưng tôi không làm được vì đó không phải tôi và có cảm giác mình đang làm trò gì đó... cho người khác xem, tôi cảm thấy khó chịu.
* Vậy cuộc thi này là bước đầu tiên để bạn thay đổi phong cách của mình?
Thật ra cũng không phải là bước đầu tiên vì sau Cánh diều lạc phố nặng về dân gian, tôi cũng có nhiều sản phẩm, bài hát hát về tuổi học trò, những điều thoải mái trong cuộc sống... Tôi vẫn là một người bình thường, cũng cần chia sẻ những gì nhẹ nhàng hơn là vòng vo. Mọi người đón nhận Chạy mưa của tôi hay Nghe ta hồi sinh cũng là ca khúc dance được nhiều người thích. Nên TĐTT cũng là hồi chuông để thức tỉnh lại và để tôi quyết tâm làm điều đó hơn nữa. Chẳng hạn Người đàn bà hóa đá trong liveshow rock vừa rồi có sự dàn dựng của nhà biên kịch đàng hoàng, trang phục cũng có nhà thiết kế... nhưng khi tôi xuất hiện ở dưới khán giả không hiểu tôi đang làm gì. Vì vậy tôi nghĩ tại sao mình tự “làm khó” mình bằng cách đưa quá nhiều thứ vào trong bài hát khi họ chỉ cần sự giải trí mà thôi. Nên tôi sẽ không bỏ bên nào mà nghĩ sẽ cân bằng với những chương trình nào, không gian nào cần cái gì tôi sẽ làm điều đó chứ không phải mang quá nhiều thứ vào một tiết mục.
* Bạn được xem là “bản sao” của Tùng Dương từ dòng nhạc đến phong cách, đó có là áp lực và trở ngại cho bạn?
Tôi sẽ không cố gắng chứng tỏ mình khác anh Tùng Dương vì điều này khó khăn lắm và đôi khi thuộc về cảm tính của khán giả nghe chứ không phải là sự cố gắng của bản thân nghệ sĩ. Bởi vì khi đã mặc định người này là bản sao của người kia thì những cái mình làm họ sẽ không sẵn sàng chấp nhận mình khác. Tôi không cố gắng thuyết phục họ nói mình khác. Với những người có gu nghe nhạc và hiểu về dân gian đương đại họ nghe sẽ nhận ra sự khác nhau, và đó là đối tượng tôi muốn chinh phục để họ thấy cái hay, cái lạ của mình.
Nhận “đá” nhiều hơn lời khen
* Trên con đường bạn muốn thay đổi sắp tới, nếu vẫn độc lập làm việc, bạn có thấy đuối không?
Hiện giờ tôi vẫn đang đầu tư vào những sản phẩm một cách nghiêm túc, tới nơi tới chốn, còn để bài bản hơn như chuyện PR cho sản phẩm, làm thế nào để hợp thị hiếu... thì phải được tính trước và điều này bất cứ ai cũng muốn làm. Nhưng lúc này tôi nghĩ chưa phải là thời điểm thích hợp để có thể chọn một ê kíp vì tôi mới 3 năm trong nghề thôi và cần phải khám phá, hiểu mình muốn gì, phải làm gì là tốt nhất, đến khi nào tôi đủ hiểu bản thân mình thì lúc đó mới tính.
* Hình ảnh tất nhiên phải gắn liền với âm nhạc của bạn nhưng đôi khi nó quái và ấn tượng quá, lại không phù hợp với nhãn quan của nhiều người, cảm giác nó xa vời và ít được chấp nhận? Bạn có suy nghĩ mình sẽ thay đổi?
Những hình ảnh tôi đầu tư để cho ra những bộ hình mang nhiều tính nghệ thuật vì khi bỏ tiền, tâm sức ra thì phải mang dấu ấn gì đó và có giá trị nhất định. Nhưng khi tôi hát phòng trà, chương trình cho sinh viên, tôi vẫn mặc vest, sơ mi bình thường. Còn hình ảnh trên mạng thì hơi quái quái, nhận “đá” nhiều hơn lời khen nhưng phải chấp nhận thôi (cười).
* Âm nhạc và hình ảnh thì “quái” mà dường như nó quá khác với con người thật của Nguyễn Đình Thanh Tâm đơn giản ở ngoài đời nhỉ?
Tôi ở trên mạng bị ném đá như vậy thì ngoài đời cũng vậy chắc không ổn. Tôi phân biệt rất rõ là nguồn năng lượng ở trong mỗi người được tận dụng khi nào nên tôi sẽ sử dụng để bung ra khi đó. Sân khấu là để diễn còn ngoài đời thì cần sự nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Nếu tôi bắt gặp một đứa như mình trên mạng mà xuất hiện ở ngoài đời chắc cũng sẽ bị dị ứng (cười). Khả năng dự trữ của mỗi người, họ sẽ biết khi nào khả năng đó cần dùng và dùng đúng chỗ.
* Nghe nói bạn giải phẫu thẩm mỹ vì không tự tin với gương mặt của mình?
Sắc vóc người ca sĩ không ảnh hưởng suốt quá trình làm nghề nhưng sẽ ảnh hưởng bước đầu tiếp cận khán giả. Ngoại hình đẹp sẽ tạo ra giá trị tức thời hiệu quả nên tôi nghĩ rất quan trọng. Việc tôi giải phẫu thẩm mỹ là để làm nghề. Sau Sao Mai điểm hẹn tôi có đi hát phòng trà, một số bầu sô cũng nói rằng: Em ơi khán giả nghe thì cũng cần nhìn nữa... nên tôi nghĩ mình phải thay đổi. Không phải là tôi tự ti hay khó chịu với những lời đó mà tôi nghĩ rằng có những giá trị mặc định rồi thì khó thay đổi, tôi phải gạt nó qua, chỉ bằng một số tiền, một thời gian nghỉ dưỡng nào đó mà mình sẽ gạt được những rắc rối không cần thiết thì tại sao lại không làm. Tất nhiên cũng có nhiều người nói là thích gương mặt cũ hơn nhưng tôi nghĩ giờ gương mặt tôi có thiện cảm hơn xưa.
* Ngoài đi hát, bạn còn là một kiến trúc sư, công việc này có giúp bạn thêm thu nhập để nuôi đam mê ca hát?
Làm nghệ thuật đôi khi cũng chỉ là một ngành dịch vụ, đầu tư cho nó cũng có những nỗi khổ riêng. Ra sản phẩm nhiều khi cũng phải chấp nhận sự rủi ro, có sản phẩm được đón nhận nhưng có những sản phẩm bị “ghẻ lạnh”. Công việc kiến trúc sư tôi vẫn làm nhưng không thường xuyên đến công ty. Nhiều khi, tôi muốn tìm cảm hứng cho mình, hát hoài cũng chán thì lại chạy lên công ty làm việc, thật ra cũng không bỏ được vì đó là nghề truyền thống của gia đình. Công việc này cũng hỗ trợ rất nhiều để tôi có thể đầu tư cho âm nhạc, nếu không cũng hơi đuối.
* Cảm ơn sự chia sẻ của bạn và chúc bạn thành công!
Bình luận (0)