>> Tuyên phạt 'bầu' Kiên tổng cộng 30 năm tù
>> Xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm: ‘Bầu’ Kiên nói lời sau cùng
>> ‘Bầu’ Kiên: Trời đất như sụp đổ khi bị bắt về tội kinh doanh trái phép
|
[11 giờ 30] Trong phần thủ tục sáng nay, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) cho triệu tập Bộ Tư pháp và một cơ quan đơn vị và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để đảm bảo quyền lợi của mình.
Trước đó, các luật sư bào chữa cho bầu Kiên đề nghị tòa triệu tập một số nhân viên của Vietinbank, nhóm khách hàng cho vay và vay vốn của Vietinbank để làm rõ về hành vi phạm tội mà bị cáo bị đã bị cáo buộc.
Audio: Bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị HĐXX cho triệu tập đại diện Bộ Tư pháp và các cá nhân đơn vị liên quan đến vụ án |
Do phòng xử chật nên luật sư đề nghị nhóm các luật sư bào chữa cho 1 bị cáo có thể ngồi chung với nhau: “ Bị cáo Nguyễn Đức Kiên có 3 luật sư bào chữa nhưng ngồi ở 3 góc rất bất tiện”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói và mong tòa cân nhắc tạo điều kiện cho bị cáo Kiên được ngồi trả lời vì bị cáo đang mắc bệnh cao huyết áp.
Về phần mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị HĐXX xem xét thay đổi tư cách tham dự phiên tòa của ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát và ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc công ty Thép Hòa Phát: “Tòa triệu tập họ với tư cách là nhân chứng nhưng đây là những người tham gia thỏa thuận, thực hiện hợp đồng do đó tôi đề nghị chuyển họ thành người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, bầu Kiên nói và đề nghị triệu tập ông Trần Mộng Hùng, một trong hai cổ đông lớn nhất của ngân hàng ACB.
Đồng thời bầu Kiên đề nghị triệu tập thêm đại diện của một số cơ quan chức năng như đại diện Bộ Tư pháp, đại diện phòng đăng ký kinh doanh một số tỉnh, thành.
“Tại phiên tòa sơ thẩm, khi thẩm vấn tôi bị cách ly do đó không nắm được diễn biến phiên tòa. Đề nghị tòa phúc thẩm không cách ly tôi nếu không thấy thực sự cần thiết”, bầu Kiên đề nghị thêm.
Trước các đề nghị này, đại diện Viện KSND Tối cao cho rằng, một số trường hợp trong vụ án đã triệu tập nhưng đang mắc bệnh nặng như mổ tim, ung thư và đã có đơn xử vắng mặt, nếu áp dụng biện pháp khác để triệu thì cũng rất khó. Ngoài ra, do vụ án xét xử kéo dài nên HĐXX sẽ cân thắc để triệu tập thêm một số trường hợp.
Đối với yêu cầu của người bào chữa và đề nghị của các bị cáo, HĐXX quyết định: không chấp nhận bố trí cho luật sư ngồi gần nhau do điều kiện của phòng xét xử; Không chấp nhận triệu tập thêm nhân viên Vietinbank, đối với những trường hợp còn lại sẽ triệu tập sau; Không chấp nhận thay đổi tư cách tố tụng của ông Trần Đình Long và ông Trần Tuấn Dương;
Chấp thuận cho luật sư tiếp xúc bị cáo vào những thời điểm thích hợp; chấp thuận cho luật sư mang máy tính, điện thoại vào phòng xét xử để khai thác tài liệu. Đối với yêu cầu mời đại diện của Cơ quan chức năng như Bộ Tư pháp để làm rõ một số nội dung trong vụ án, HĐXX sẽ xem xét quyết định sau.
Tòa tạm nghỉ, 13 giờ 30 chiều nay sẽ tiếp tục.
|
[9 giờ]: Do số lượng người triệu tập đến tòa đông nên 9h sáng nay phiên xét xử vụ bầu Kiên và các đồng phạm mới bắt đầu khai mạc.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên xuất hiện tại tòa trong trang phục áo trắng, quần đen, nổi bật so với các bị cáo còn lại. Đây cũng là bị cáo đầu tiên được HĐXX gọi lên xác nhận về lý lịch. Trước tòa, bầu Kiên giữ được vẻ bình tĩnh cố hữu, trả lời ngắn gọn nhất những câu hỏi của chủ tọa. Trong lúc chờ HĐXX thẩm tra lý lịch những người có liên quan, bầu Kiên tranh thủ đọc các tài liệu liên quan về vụ án. Được biết, bị cáo này đã làm đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm
Các bị cáo khác gồm Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB; Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB; Trịnh Kim Quang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB; Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB và Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên HĐQTngân hàng ACB đều có mặt đầy đủ tại tọa.
Dù không chống án nhưng các bị bị án Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên là Giám đốc và kế toán trưởng Công ty Cổ phần đầu tư ACB Hà Nội cũng có mặt tại phiên phúc thẩm để làm rõ một số tình tiết liên quan.
Tại phiên tòa hôm nay có đại diện của nhiều cơ quan chuyên môn như: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch đầu tư; Tổng cục thuế, Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội, TP. HCM, Ủy ban chứng khoán Nhà nước;
Ngoài ra, tại tòa còn có sự xuất hiện của nhiều “đại gia”, trong đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát, là người làm chứng; Bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam; Ngân hàng thương mại cổ phần Techcombank; Công ty rượu bia nước giải khát Sài Gòn; Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Á; Ngân hàng thương mại cổ phần Eximbank; Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long; Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam thương tín; NGân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam chi nhánh TP.HCM và chi nhánh Nhà Bè…
Tại tòa còn có bị án Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
[7 giờ]: Phóng viên báo chí không được tiếp cận ghi hình, chụp ảnh "bầu Kiên" từ trên xe xuống.
Dọc tuyến phố Liễu Giai, Đội Cấn đều có bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông túc trực. Trước cửa Tòa án nhân dân Tối cao luôn có hàng chục cảnh sát bảo vệ nghiêm ngặt. Ở vòng ngoài, lực lượng công an phường Cống Vị cũng được huy động tham gia bảo vệ phiên tòa.
Từ sớm, vợ "bầu Kiên" cũng đã có mặt trước cổng tòa án để làm các thủ tục vào phiên tòa xét xử chồng mình.
Dưới đây là những hình ảnh Thanh Niên Online ghi nhận trước phiên xét xử "bầu" Kiên.
|
Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và các đồng phạm bị xét xử về tội “Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái…”. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 7 ngày do thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh làm chủ tọa. Trước đó, đầu tháng 6.2014, tại phiên sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Đức Kiên bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù giam; đồng thời bị áp dụng hình phạt bổ sung 75 tỉ đồng và cấm đảm nhiệm các chức vụ trong ngân hàng trong thời hạn 5 năm. Các bị cáo đồng phạm trong vụ án gồm: Trần Ngọc Thanh, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội bị tuyên phạt mỗi người 5 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 5 bị cáo đồng phạm tội cố ý làm trái gồm: Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB; Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lê Vũ Kỳ (đều là nguyên Phó chủ tịch HĐQT) và Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên HĐQT bị tuyên phạt từ 2 - 8 năm tù. Riêng ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB, bị bệnh hiểm nghèo nên được tạm đình chỉ vụ án. |
Lê Quân - Thái Sơn
Bình luận (0)