Anh là nhà văn miền Bắc đầu tiên mà tôi được gặp. Lúc ấy anh là nhà thơ và nhà báo, từ miền Bắc vào chiến trường Khu 5. Cuộc gặp đầu tiên đó đã để lại trong tôi những ấn tượng không phai mờ. Bài thơ Đà Nẵng - thành phố rốc két, thành phố những tâm hồn du kích của anh được chúng tôi chuyền tay nhau xuống thành phố, ai đọc cũng thấy hào sảng. Sau này anh nổi tiếng với tiểu thuyết, với kịch bản phim, với tranh, với việc dàn dựng các lễ hội hoành tráng, nhưng với tôi, anh vẫn là Nguyễn Khắc Phục năm xưa: nụ cười tươi với mấy cái răng cửa bám đầy khói thuốc lá, đôi mắt sáng, giọng nói hào sảng và tâm hồn trong veo. Tôi há mồm nghe anh kể về miền Bắc, những câu chuyện cảm động khiến cho tôi tin tưởng hơn vào kháng chiến, vào cách mạng, nhưng không hề có chút tuyên truyền giáo điều nào.
Anh là một trong số không nhiều những nhà văn không cần “sám hối”, không cần phủ nhận những gì mình đã viết. Sau hòa bình, anh không đi theo con đường thi ca mà lấy sự lao động cực nhọc nhất của nghề viết làm sự nghiệp. Tiểu thuyết và kịch bản phim không phải là công việc nhẹ nhàng dành cho những nghệ sĩ tùy hứng.
Có lần tôi cùng anh đến chơi nhà một người bạn ở Đà Nẵng, anh đã ngồi đánh cờ với một người mới quen, sau đó ngồi nghe người ấy đọc thơ, nghe chăm chú. Trên đường về, tôi hỏi anh nhận xét gì về thơ của người ấy. Anh khoát tay bảo: “Anh không quan tâm, thơ thì đến thơ Đường là hết rồi. Anh đánh cờ với anh ta để biết anh ta là ai, anh nghe thơ của anh ta cũng để biết anh ta là ai thôi em”. Anh hoàn toàn không coi thường thi ca, và tôi hiểu vì sao anh không chọn thi ca làm sự nghiệp, mặc dù thơ anh không hề thua kém thơ của các nhà thơ tài danh khác.
Cuối năm ngoái, anh có gửi tặng tôi cuốn tiểu thuyết Hỗn Độn và hỏi tôi anh có nên tặng cuốn sách đó cho thiền sư Lê Mạnh Thát không. Tôi trả lời, nên tặng và ghi địa chỉ thầy Thát cho anh. Thầy Thát nhận được sách và gọi điện cám ơn. Anh lại nhắn tin hỏi tôi thầy Thát nhận xét gì về cuốn sách đó. Tôi gọi điện cho thầy nhưng thầy bảo vừa nhận được sách thì thầy có việc phải đi Mỹ, khi về chắc chắn thầy sẽ đọc.
Hôm qua, tôi hỏi thầy Lê Mạnh Thát về cuốn Hỗn Độn, thầy nói “Viết rất hay”. Thầy bảo sắp tới ra Hà Nội thầy sẽ đến thăm anh. Tôi chưa kịp báo cho anh thì vợ anh, chị Trang Thanh nhắn tin: “Anh Phục rất mệt, phải thở ô xy”. Và sáng nay, nhà báo Lê Đức Hùng nhắn tin cho biết anh đã từ trần lúc 3 giờ 40 ngày 20.5.2016.
Trong những ngày tháng cuối cùng của đời mình, anh đã đánh vật với bệnh tật để viết bộ tiểu thuyết này. Tập 1 đã ra mắt công chúng, anh cố viết cho xong tập 2 nhưng không còn kịp nữa. Dù không có tập 2 thì Hỗn Độn là một cuốn tiểu thuyết lạ lùng độc đáo trong sự toàn vẹn của nó.
Những người có đầu óc “trật tự” khi đọc Hỗn Độn sẽ cảm thấy mất phương hướng. Đã gọi là “Hỗn Độn” thì làm gì có phương hướng kia chứ. Đọc nó cũng như bước vào một khu rừng hoang dã, nếu có phương hướng, nếu có đường đi lối lại thì đâu còn là khu rừng hoang dã nữa. Người ta có thể nhận ra bóng dáng của các thủ pháp nghệ thuật “pha trộn” lẫn nhau trong tác phẩm, nhưng tôi nghĩ Nguyễn Khắc Phục không có ý định sử dụng một thủ pháp nào hoặc theo một trường phái nghệ thuật nào. Anh đã buông bỏ hết, thả lỏng hết để viết một cách tự nhiên tất cả những gì mà cuộc sống tích tụ trong máu huyết của anh. Mọi thứ như được dồn nén, như căng ra, như thúc giục và anh đã dồn hết tinh lực cuối cùng cho tác phẩm.
Thiên nhiên và cuộc sống vốn không có trật tự giống như trật tự mà con người nghĩ ra và áp đặt. Trật tự của nó chính là “Hỗn Độn”, đó là thứ trật tự còn lâu con người mới tiếp cận được. Áp đặt trật tự trong đầu óc con người cho Hỗn Độn thì Hỗn Độn sẽ “lăn ra chết”, Trang Tử từng cảnh báo điều đó.
Đọc Hỗn Độn, nếu không bị chi phối bởi những “trật tự” định sẵn trong đầu óc, bạn sẽ thấy rất thú vị, đó là sự thú vị tự thấm vào người, không kể lại được, không bình phẩm được. Có lẽ đó là lý do anh Phục muốn có lời nhận xét của một vị cao tăng là thiền sư Lê Mạnh Thát. Thầy Thát không phải là người kiệm lời, mỗi lần nói chuyện điện thoại với tôi thầy thường nói cả tiếng đồng hồ về một nhân vật hay một sự kiện lịch sử, nhưng nhận xét về Hỗn Độn thầy chỉ nói một câu là đủ.
Nguyễn Khắc Phục ra đi thanh thản. Anh đã để lại một di sản văn chương hiếm có nhà văn nào làm nổi. Anh không có gì phải ân hận, phải hối tiếc. Anh đã sống hết mình với cuộc đời “Hỗn Độn” này.
Bây giờ tôi ngồi lật từng trang Hỗn Độn để viết những dòng vĩnh biệt anh, nhưng hình ảnh của anh lại hiện về trong nụ cười tươi với mấy cái răng cửa bám đầy khói thuốc lá...
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục qua đời
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục vừa qua đời sáng 20.5 tại Viện Quân y 103, Hà Nội sau một năm chiến đấu với bệnh ung thư phổi, thọ 69 tuổi.
Nhà văn quê gốc Nam Định này từng vào chiến trường Khu 5, làm báo và tuyên huấn từ năm 1971 - 1975. Được chọn đi học đạo diễn điện ảnh ở Liên Xô, tuy nhiên ông xin về nước sớm, rồi đi chiến trường Campuchia. Sau đó, ông làm việc tại Hãng phim truyện VN cho tới lúc nghỉ hưu.
Sớm bộc lộ năng khiếu viết văn, Nguyễn Khắc Phục đã được biết đến từ khi mới 20 tuổi. Tác phẩm Người từ giã cuối cùng của ông khi đó đã được đạo diễn Đặng Nhật Minh chọn để làm phim đầu tay Những ngôi sao biển.
Ông cũng là người có nhiều duyên nợ với sân khấu, điện ảnh. Kịch bản phim nhựa của ông đa dạng đề tài. Chiến trường chia nửa vầng trăng nói về tình yêu trong chiến tranh. Sơn ca trong thành phố, Học trò thủy thần là phim thiếu nhi... Một số kịch bản điện ảnh khác của ông cũng nổi tiếng như: Nhiệm vụ hoa hồng, Tự thú trước bình minh, Bọn trẻ (đoạt huy chương vàng cho kịch bản văn học tại Liên hoan phim quốc tế Á - Phi năm 1994). Với phim truyền hình, ông có Những nẻo đường phù sa, Bình minh châu thổ, Những đứa con thành phố... Cuối đời, ông Phục viết nhiều kịch bản lễ hội đến mức được gọi là “Vua kịch bản lễ hội”.
Văn học là mảng ông ghi dấu ấn nhiều nhất với những tiểu thuyết Học phí trả bằng máu, Kinh đô rồng, Hỗn Độn...
Ngữ Yên
|
Bình luận (0)