Có lẽ, điều đặc biệt của Nguyễn Liên Phương ở chỗ, ông luôn hết mình với cộng đồng doanh nhân, đặc biệt thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp trẻ, mà theo ông là thế hệ đang “máu lửa”, không sợ khó, không sợ thất bại, dám đối mặt với thách thức, vượt qua khó khăn. Đó cũng là yếu tố tạo nên thành công của ông trong suốt những năm qua.
Nguyễn Liên Phương tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ông làm cán bộ giảng dạy tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội và là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng của trường. Năm 1998, ông ra nước ngoài, đi nhiều nước để nghiên cứu về design và thị trường thế giới. Cũng thời gian này, ông thành lập Công ty LP Design tại Sydney, Úc. Năm 2008, ông thành lập Công ty cổ phần LP Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm mỹ thuật trang trí thương hiệu LP tới trên 60 quốc gia. Năm 2010, ông thành lập Công ty LP Việt Nam tại Dubai, UAE. Cùng năm này, ông mở Học viện Doanh nhân LP Việt Nam.
|
Học thuyết Kinh tế hình ảnh
Tháng 12.2010, ông cùng nhóm nghiên cứu của Học viện LP công bố học thuyết Kinh tế hình ảnh, báo hiệu một sự thay đổi sâu sắc trong cạnh tranh toàn cầu của thế kỷ 21.
Lý thuyết Kinh tế hình ảnh và Mô hình kinh tế hình ảnh được Công ty LP Việt Nam nghiên cứu trong 10 năm, từ thực tiễn về các xu hướng mới của thị trường thế giới và các mô hình kinh doanh trên toàn cầu. Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận rất nhiều “hiện tượng lạ”, như Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế thứ 2 thế giới bằng việc xuất khẩu hàng tiêu dùng tràn ngập thị trường toàn cầu. Singapore đang từ bỏ các ngành công nghiệp chế tạo để phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo với mục tiêu biến quốc gia này thành hòn đảo nghệ thuật.
|
Ông lý giải những hiện tượng lạ đó là "vũ khí bí mật" của từng quốc gia và nó gắn với một khái niệm mới: Kinh tế hình ảnh. Ông nhìn nhận, một sản phẩm đưa ra thị trường, chất lượng được coi là đương nhiên, song yếu tố quan trọng thu hút người tiêu dùng ngay lập tức là mẫu mã, hình ảnh đẹp.
“Một chai nước dù chất lượng tốt đến đâu nhưng nếu nhãn mác, hình thức bên ngoài xộc xệch, người tiêu dùng sẽ lập tức có tâm lý chối bỏ, vì bản thân hình ảnh bên ngoài sẽ tự tố cáo chất lượng của chai nước đó”, ông chia sẻ.
Nguyễn Liên Phương kể, ông may mắn là người hằng ngày tiếp xúc với doanh nhân, sống giữa một cộng đồng doanh nhân có đủ ngành nghề, lứa tuổi, với các trình độ phát triển khác nhau, nên ông nhận thấy ở họ đều có một nhận thức chung, chỉ muốn làm khi đã nhìn thấy hiệu quả ngay trước mắt, chứ không muốn nghe những lời hô hào, kêu gọi và lý tưởng quá xa xôi. Ông tạm đúc kết thói quen và cách suy nghĩ này của các doanh nhân là “hiệu ứng đàn cừu”.
Ông cho rằng, hiệu ứng tâm lý này không chỉ có ở Việt Nam mà là một hiện tượng phổ biến trên thế giới. Kể cả cơn sốt của điệu nhảy ngựa Gangnam Style, cơn lốc dòng sản phẩm công nghệ iPhone, iPad… của Apple, theo ông, nó không nằm ngoài hiệu ứng đàn cừu hoặc những ông chủ muốn chủ tâm khai thác hiệu ứng đó. Việt Nam với đặc trưng văn hóa làng xã, tư duy theo cái gì nhìn thấy được, nên doanh nhân Việt khó thoát ra khỏi hiệu ứng này. Bởi vậy, ông luôn suy nghĩ, muốn làm một điều gì đó với các doanh nhân Việt phải rất cụ thể, thiết thực, không tô vẽ, bóng gió xa vời.
“Xuất khẩu ông chủ”
Điều này lý giải vì sao ông thành lập Học viện Doanh nhân LP Việt Nam cùng với những chương trình thiết thực cho cộng đồng doanh nhân - doanh nghiệp. Chương trình quy tụ và kết nối các doanh nhân - doanh nghiệp Việt, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo thành một tập hợp lực lượng có sức mạnh theo mô hình “đàn chim bay”, để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, xây dựng thương hiệu Việt, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ Việt Nam ra thị trường thế giới qua cửa ngõ marketing nổi tiếng Dubai.
Trong “đàn chim” ông đang cùng các doanh nhân gây dựng có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa ai biết đến, nhưng theo ông, cái quan trọng là bản thân mỗi doanh nhân phải thay đổi và dám đi ra biển lớn, hội nhập vào sân chơi của thế giới. Nếu không mở rộng tầm nhìn, thì không thể có sáng tạo và thương hiệu Việt không thể vươn ra thị trường toàn cầu.
Sau một năm khảo sát, tham quan tại Dubai, dự án đã hội tụ được gần 200 doanh nhân. Các doanh nhân đã thay đổi và mở rộng tư duy về kinh doanh toàn cầu. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoang mang và mất tự tin ngay trên chính sân nhà thì nhiều doanh nhân đã sẵn sàng cho một cuộc chơi mới với dự án “Bán buôn sản phẩm thương hiệu Việt Nam” tại Dubai. “Chứng kiến cuộc trao đổi của các doanh nhân tham gia dự án mới thấy hết sự hứng khởi và quyết tâm của họ khi đứng trước cơ hội đưa sản phẩm ra thế giới và đua tranh trong cuộc chơi hội nhập thực sự”, Nguyễn Liên Phương chia sẻ.
Ông tự tin cho rằng, khác với cách làm xuất khẩu đơn lẻ của nhiều doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một công ty do các doanh nhân Việt sáng lập và làm chủ trực tiếp kinh doanh trên thị trường thế giới. Và như ông nói, đây cũng là lần đầu tiên có một dự án “xuất khẩu ông chủ”, đi ngược lại thực tế “nhập khẩu ông chủ và chuyên gia” tồn tại ở Việt Nam mấy chục năm qua.
Rõ ràng, cách nghĩ và cách làm sáng tạo của Nguyễn Liên Phương cùng cộng đồng doanh nhân LP Việt Nam đã mở ra một vận hội mới để các doanh nghiệp Việt Nam có thể ghi dấu ấn trên trường quốc tế bằng những sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh. |
Anh Vũ
Bình luận (0)