* Là người trẻ chịu khó tiếp cận cái mới, đặc biệt kiến thức mỹ thuật quốc tế, theo chị, giới họa sĩ trẻ Việt hiện có thế mạnh gì và cần những gì để có thể khẳng định được khả năng, tìm được chỗ đứng, tiếng nói của mình ở trong và ngoài nước?
- Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan: Giới họa sĩ trẻ Việt Nam hiện nay rất chịu khó làm việc, họ hoàn toàn tập trung cho việc làm nghề. Một số họa sĩ trẻ phía Bắc hoàn toàn sống được bằng nghề. Thị trường Mỹ thuật Việt Nam khá khởi sắc so với những năm trước. Các nhà sưu tập đủ mọi lứa tuổi và đủ mọi thị hiếu xuất hiện nhiều hơn là một điều tốt cho giới hoạt động nghệ thuật Việt. Nhưng để khẳng định được khả năng của mình, tìm được chỗ đứng, tiếng nói không phải là việc dễ dàng.
Các họa sĩ thành danh đều có một quá trình dịch chuyển, thay đổi môi trường sống, họ đều có những trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời họa sĩ. Việc di chuyển, tiếp xúc với những vùng đất mới, những con người và nền văn hóa xa lạ khiến họ tích lũy được nhiều kiến thức và tạo nên sự phong phú cho cảm quan nghệ thuật của mình. Các họa sĩ trẻ hiện nay đang thiếu vốn sống và trải nghiệm, vì thế con đường nghệ thuật của họ khó mà tiến sâu, tiến xa được.
|
* Giới mỹ thuật nước ngoài có nhận xét gì về phong cách nghệ thuật của các họa sĩ trẻ Việt Nam qua những thực tế mà chị đã trải qua?
- Giới mỹ thuật nước ngoài đánh giá cao về sự đa dạng trong phong cách của các họa sĩ trẻ Việt Nam, sự đa dạng về chất liệu hội họa như sơn dầu, lụa, sơn mài cũng là một điểm mạnh khiến ta ghi điểm trong mắt họ.
* Định hình phong cách với các họa sĩ trẻ là điều vô cùng quan trọng, tuy nhiên với nhiều họa sĩ trẻ Việt, điều này không hề dễ dàng, thậm chí còn xảy ra nhiều trường hợp có phong cách na ná nhau, tệ hơn là sao chép nhau. Vậy làm sao để một họa sĩ trẻ tìm ra được phong cách của mình và giữ được nó?
- Họa sĩ phải có vốn sống thu thập từ thực tế, phải tự tìm tòi, trải nghiệm. Trong quá trình di chuyển, ngắm nhìn, suy ngẫm, ghi chép, ký họa về phong cảnh, sự vật, con người, tự bản thân người họa sĩ sẽ chắt lọc và tạo ra những mảng hình, những đặc điểm mang đậm cách nhìn, cách tư duy chủ quan của chính người nghệ sĩ đó. Đó chính là sự khác biệt khi cùng vẽ một sự vật, một đề tài nhưng người nghệ sĩ sẽ tạo hình theo cách nhìn của riêng mình, không giống ai cả.
Theo tôi, phong cách trong nghệ thuật có thể hiểu rất đa dạng. Phong cách ở đây chỉ cần một cách nhìn sự vật khác, một sự chú trọng, nhấn mạnh về một điểm đặc biệt khiến mình yêu thích, sẽ dẫn đến một cách thể hiện của riêng mình, một góc nhìn chỉ riêng người họa sĩ đó mới có mà thôi. Khi những sự vật tưởng chừng đơn giản đó nhưng dưới cách nhìn và cách thể hiện của một người họa sĩ, nó trở nên khác biệt với các thế hệ trước đã làm, thì đó là sáng tạo và rõ ràng sáng tạo đó khởi nguồn từ tư duy và tạo nên phong cách riêng.
* Nhiều họa sĩ trẻ từng thừa nhận phải cố gắng đảm bảo cuộc sống bằng việc chép tranh rồi mới có thể tính tới việc sáng tác cá nhân, nhưng theo chị, liệu việc chuyên chép tranh của nhiều người khác có ảnh hưởng đến phong cách sáng tác cá nhân của họa sĩ trẻ không?
- Chắc chắn việc chép tranh sẽ ảnh hưởng đến bút pháp và khiến người họa sĩ loay hoay đi vào lối mòn hoặc quẩn quanh không tìm được con đường đi riêng của mình.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan
Học Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc Học viện hàn lâm Quốc gia Mỹ thuật Surikov, Moscow, Nga năm 2005.
Triển lãm cá nhân: Desolation (Borobudur, Magelang, Indonesia, tháng 2.2015), Sự sống mong manh (Eight Gallery, 8 Phùng Khắc Khoan, Q.1, TP.HCM, tháng 5.2016), Triển lãm trong Dự án múa đương đại, trình diễn và trưng bày tác phẩm nghệ thuật Wintercearig Project (Trung tâm Mỹ thuật đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM, tháng 9.2017).
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan từng nhiều lần kết nối, tạo điều kiện cho nhiều họa sĩ khác có cơ hội tham gia các triển lãm tranh và trại sáng tác quốc tế. Cô cũng được coi là “thủ lĩnh” nhiều lần dẫn đoàn họa sĩ trẻ đi tham dự triển lãm nhóm họa sĩ nữ Việt Nam - Ấn Độ, triển lãm nhóm Việt Nam - Indonesia…
|
Bình luận (0)