Nguyễn Ngọc Điệp: Cùng nhìn về một hướng sẽ làm được nhiều việc hơn

23/11/2012 05:35 GMT+7

Đáp lại tư vấn nên mua một con chuột, vị khách nhướng cao mày, hỏi lại con chuột bẩn thỉu thì làm được gì. “Một thị trường hiểu biết về internet đặc thù như thế thì eBay vào đây có thể làm gì? Chắc chắn là thua tôi”, Nguyễn Ngọc Điệp - CEO của vatgia.com nói.

Nguyễn Ngọc Điệp mở cửa phòng. Một người đưa hàng cúi đầu chào anh, đúng cách người Nhật vẫn đối đãi với khách. Đơn hàng điện tử bạn bè ở Việt Nam gửi anh mua giúp giờ chỉ việc xếp vào vali chờ ngày về nước. Thường xuyên đi công tác tại Nhật, Điệp hài lòng với trải nghiệm đó đến mức nghĩ ngay đến một website cung cấp thông tin về Việt Nam cho khách hàng Nhật.

“Bạn bè Nhật biết chuyện khuyên tôi nên tập trung làm thị trường Việt Nam. Gần 90 triệu dân, đây là một thị trường vô cùng tiềm năng cho thương mại điện tử. Nó lại đang bị bỏ ngỏ hoàn toàn, chưa có một công ty nào chiếm lĩnh”, cậu cháu ngoại của người sáng lập thương hiệu nhà may Phú Hưng nhớ lại.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp
Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Ảnh: nhân vật cung cấp

“Bị bỏ ngỏ” là một cách nói “sang trọng” về thị trường Việt Nam lúc Điệp bắt đầu làm trang vatgia.com. Giản dị hơn, thị trường đó sơ khai, còn cách nói bình dân nhất là “chuối” mà Điệp lại muốn mở một “sàn giao dịch” để tất cả mọi người tới đó bán hàng, mua hàng. Trang web làm theo xu hướng để thị trường đánh giá, kết hợp với tổng kết thông tin từ các hãng, các đơn vị kinh doanh.

“Nói đơn giản, chị có 5 triệu đồng trong túi và muốn mua điện thoại. Tất nhiên, hỏi Samsung họ sẽ nói Samsung là tốt nhất, Nokia cũng khuyên dùng hàng hãng mình. Chị có thể hỏi bạn, nhưng nếu không quen ai hiểu biết cực đỉnh về điện thoại thì tốt nhất là lên trang này. Tôi sẽ chỉ ra cho khách với giá 1 triệu thì nên mua loại nào tốt nhất. Với loại đó, mua ở đâu sẽ rẻ nhất, và trong số rẻ nhất điểm nào có dịch vụ hậu mãi tốt nhất”, Điệp nói về trang web của mình.

Định hướng “ngon” vậy, nhưng Điệp bắt tay làm đến đâu thì cái “bị bỏ ngỏ, sơ khai” kia cũng chặn tới đó. Có những khách hàng muốn đăng tin trên trang của Điệp nhưng về internet thì nửa chữ không biết. Bên Điệp là sàn cho người bán, nên phải hướng dẫn họ cách bán. Sang công ty của họ giảng một tràng, họ giữ lại 5 tiếng. Đến hôm sau, cũng chính công ty ấy hỏi lại những gì hôm trước vừa giảng. Nửa đêm khách điện thoại hỏi là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhân viên của Điệp sang đào tạo cứ đi đi lại lại liên tục, khách đề nghị sang ở hẳn đấy một thời gian cho tiện, có khi đến cả tháng.

“Người ta không biết chuột máy tính và chuột thường khác nhau như thế nào. Chúng tôi phải hướng dẫn từ lúc mua con chuột về, bật máy tính lên, bật Internet Explore ra, vào vatgia.com… Gian hàng điện tử ra sao càng phải hướng dẫn. Vì có khi ông mua, người bán đều trung tuổi, có người còn U.60. Một thị trường như thế thì eBay vào đây bán cho ai”, Điệp giải thích cho sự kiên nhẫn vô bờ của nhân viên vatgia.com. Đấy cũng là phong cách thương mại điện tử Nhật phục vụ anh ngày nào.

Từ sàn giao dịch “phong cách Nhật, điều kiện Việt” của Điệp, phố Huế có một “kỷ lục gia” phố. Khách đến dãy cửa hàng xe máy trên phố trung tâm này thường chỉ vào mỗi cửa hàng Thắng Lợi moto. Đơn giản vì ông chủ có tư vấn trên mạng. Bây giờ thị trường trầm lắng doanh số giảm, chứ thời hoàng kim trước kia ông bán khoảng 120 xe mỗi tuần. Phố Nguyễn Huy Tự lại có một doanh nghiệp “ngõ nhỏ, phố nhỏ” là ông Thắng “Nây”, đã ngoài năm mươi tuổi. Nhà ông sâu thẳm, nhưng hàng chất hàng chạm trần để bán online.

Giờ đây, vatgia.com là trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam theo bảng xếp hạng của Alexa. Mỗi ngày có 1,2 triệu người truy cập, gút 30.000 đơn hàng. Trong số đó 10% đơn hàng, trang thu phí. Ngày bắt đầu lập trang bán hàng, chính Điệp phải mời mọc doanh nghiệp đăng tin. Sau đó, hàng bán, phí không thu. Hiện tại anh đã phá được phần nào thói quen không trả tiền phí của người bán. Trong tương lai sẽ thu phí 100%. Vả lại, cũng chỉ có cách thu phí đăng thông tin, bán hàng mới khiến doanh nghiệp đưa thông tin chính xác hơn. Họ phải có trách nhiệm với những điều đó bởi nếu người mua thấy hàng không chuẩn, họ sẽ không mua nữa mà phí thì doanh nghiệp vẫn mất. Trang cũng bỏ xa người đứng thứ hai, mà thương mại điện tử có nghĩa là người đứng đầu đã “ngoạm” đến gần hết cái bánh.

Nhân viên của Điệp giờ cũng “hoành tráng” hơn trước chứ ngày đầu khởi nghiệp, Điệp có muốn cũng chẳng đào đâu ra tiền để tuyển người giỏi. Ngày gian khó ấy, đăng tin tuyển 10 thì chỉ có 6 người tới ứng thí. Cầm bằng đỗ chắn luôn. Nhưng đều là những người chịu khó, chịu khổ vô cùng. Phòng nóng 40 độ chả có điều hòa vẫn ngồi làm không một câu kêu ca. Những người từ thuở lập nghiệp ấy giờ đã có vị trí trong công ty.

“Một cậu lái xe cẩu bỏ nghề giờ thành người viết code chính của công ty, dạy những tốt nghiệp đại học”, Điệp nói giọng rộn ràng tự tin của người đã phát động được phong trào tự học trong doanh nghiệp. Tại đây, mỗi ngày mỗi người phải nghĩ ra một vài ý tưởng cải tiến công việc và đọc sách thường nhật. Bản thân Điệp cũng duy trì thói quen đó để làm gương. Không đọc cũng không được, bởi là người đi đầu trong nước, Điệp chỉ còn cách học những công ty nước ngoài tương tự.

Thấy rõ nhất việc học nước ngoài là khoảng không gian 150 m2 chiếm quá 1/3 diện tích mỗi tầng của công ty Điệp không dùng làm văn phòng. Khoảng không ấy, chan hòa nắng từ cửa sổ chiếu vào, xanh mướt những chậu vạn liên thanh rủ xuống từng dải yểu điệu. Những chiếc ghế dài bọc vải thô thả người xuống là nhẹ bẫng lưng. Máy pha cà phê bóng sáng chờ đợi. Đồ uống có ga lạnh tê lưỡi chờ sẵn trong tủ. Nhân viên giữa giờ thư giãn ở đó, trong giờ cũng tiếp khách tại đó. “Nhìn thấy khuôn mặt nhau, cười nhiều hơn nên năng lượng công ty cũng được cộng hưởng”, Điệp nói về những nụ cười thơm phức mùi bạc hà. Nhân viên công ty anh rất chịu tuân thủ “luật” đánh răng buổi trưa. Còn Điệp, anh có “luật” rõ ràng, chia nhanh nhất có thể lợi nhuận cho nhân viên của mình. Có dự án nhân viên được chia tới 40% lợi nhuận.

Nhân viên ở lại với Điệp vì lộ trình thăng tiến của họ được vạch rất rõ. Lúc đầu vào làm nhân viên, nhưng 6 tháng sau có thể làm trưởng nhóm. Một năm rưỡi làm việc tốt lên trưởng phòng, 2 năm nữa lên giám đốc dự án nào đó… Cứ như vậy lộ trình không giới hạn sẽ khuyến khích cống hiến. Vì thế, những tấm gương kiếm 100 triệu/tháng ở chỗ anh không hiếm gặp. “Tài sản lớn nhất của tôi chính là nhân viên. Cùng nhìn về một hướng và lao động cật lực, chắc chắn chúng tôi sẽ làm được nhiều việc”, Điệp nói về bí quyết thành công.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.