Nguyễn Ngọc Tiến "nặng lòng" với Hà Nội

31/08/2012 13:50 GMT+7

(TNO) Ngay sau khi nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì một tình yêu Hà Nội hạng mục Tác phẩm với hai cuốn sách: Đi ngang Hà Nội và Đi dọc Hà Nội (được trao lúc 10 giờ 30 phút sáng 31.8), nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã chia sẻ niềm vui với Thanh Niên Online.

(TNO) Ngay sau khi nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì một tình yêu Hà Nội hạng mục Tác phẩm với hai cuốn sách: Đi ngang Hà Nội Đi dọc Hà Nội (được trao lúc 10 giờ 30 phút sáng 31.8), nhà văn - nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến đã chia sẻ niềm vui với Thanh Niên Online.

* Cảm giác của anh hiện ra sao?

- Rất vui vì không ngờ những gì mình quan tâm lại nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người đến vậy. Thì ra vẫn còn nhiều người yêu Hà Nội và quan tâm tới Hà Nội lắm.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến-người luôn nặng lòng về Hà Nội
Bìa cuốn Đi dọc Hà Nội (được trao tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì một tình yêu Hà Nội)

* Anh mất thời gian bao lâu để có được Đi ngang và Đi dọc Hà Nội?

- Thực ra thời gian bắt tay vào viết không lâu, chừng vài tháng, nhưng thời gian tìm tòi tài liệu, kiểm chứng lại mất khá nhiều. Nhiều khi để có được một chi tiết khảo cứu thú vị, tôi phải đọc hàng chục, hàng ngàn tư liệu khác, thậm chí phải mày mò, hỏi han những người thế hệ trước để kiểm chứng…

* Vậy hai cuốn sách này có nội dung gì thực sự khác biệt với hàng ngàn cuốn sách khác về Hà Nội?

- Đã có rất nhiều người nghiên cứu về Hà Nội, vì vậy mình phải chọn cách viết nào, đề tài nào, và cách thể hiện ra sao để người đọc thấy vẫn mới mẻ. Có những chi tiết đắt giá, thú vị đòi hỏi tôi phải nghiền ngẫm nhiều.

“Đi ngang Hà Nội” không hẳn là sách lịch sử mà là cuộc sống nhìn ở góc độ xã hội. Ví dụ như chuyện về kem chẳng hạn, đúng là tôi có viết về sự ra đời của kem nhưng xung quanh cây kem là bao nhiêu chuyện khác. Thế nên “Đi ngang Hà Nội” ngoài cung thức, nó còn thể hiện thái độ của tôi về chuyện đó.

Còn “Đi dọc Hà Nội” cũng vẫn là những chuyện về Hà Nội, chỉ có điều những chuyện này là những đề tài rất ít tư liệu, song chính vì thế nó lại gây cảm hứng cho tôi. Một thời, thanh niên hay nói “Một chọi một lên cột đồng hồ” vậy cột đồng hồ đó ở đầu phố Hàng Đậu hay ở chỗ khác và tại sao họ lại thách đố nhau ở đó? Hay “Kẻ cắp chợ Đồng Xuân” đó là câu cửa miệng hay có hẳn tích về chuyện đó? Rồi tiếng rao trên phố Hà Nội và nhiều chuyện khác nữa…

* Rất nhiều người thắc mắc tại sao hai cuốn sách lại có tên khá đơn giản đến vậy?

- Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, tôi sinh ra thì Hà Nội đã có rồi và hết cả cuộc đời tôi cũng chỉ là một lần đi qua Hà Nội mà thôi, vì thế những cuốn sách có tên Đi dọc Hà Nội hay Đi Ngang Hà Nội như vậy.

* Thế liệu sau này anh còn tiếp tục xuất bản những cuốn như Đi xéo hay đi vòng Hà Nội nữa không?

- Cũng có thể chứ. Tôi sẽ tiếp tục viết về Hà Nội với nhiều câu chuyện mà tôi quan tâm. Tất nhiên công việc viết sách sẽ được tiếp tục tiến hành vào năm tới. Bởi từ giờ tới cuối năm, tôi còn bận chuẩn bị triển lãm.

* Anh có thể chia sẻ về triển lãm này không?

- Đó là triển lãm cá nhân đầu tiên có tên Hóa kiếp chiến tranh, sẽ trưng bày các đồ dùng sinh hoạt làm từ các loại vũ khí giết người để gửi thông điệp ra thế giới là người Việt Nam yêu hòa bình và mong muốn hòa bình. Triển lãm cũng đồng thời nhằm kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Ngọc Bi
(thực hiện)

>> Nguyễn Ngọc Tiến gác bút làm triển lãm
>> Nguyễn Ngọc Tiến vẫn yêu Hà Nội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.