Nguyên nhân khiến Phú Yên vẫn còn hiện tượng học sinh 'ngồi nhầm lớp' 16 năm qua

Đức Huy
Đức Huy
09/12/2022 16:57 GMT+7

Trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh khẳng định việc học sinh 'ngồi nhầm lớp' là có cơ sở.

Tại kỳ họp của HĐND tỉnh Phú Yên khóa 8 sáng 9.12, đại biểu Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa, chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên về thực trạng hiện nay có nhiều học sinh yếu, học kém nhưng cuối năm vẫn được lên lớp.

Theo ông Nay Y Blung, điều này thể hiện chất lượng dạy và học chưa tốt, chưa thực chất và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các học sinh nản học, bỏ học giữa chừng, nhất là học sinh vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Nay Y Blung chất vấn Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên về tình trạng học sinh "ngồi nhầm lớp"

ĐỨC HUY

“Đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết có hay không việc học sinh “ngồi nhầm lớp”? Đây có phải là bệnh thành tích trong ngành giáo dục không? Trong thời gian tới khắc phục tình trạng này như thế nào?”, ông Nay Y Blung chất vấn.

Trả lời câu hỏi trên, ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết qua khảo sát thực tế, Sở nhận thấy nội dung đại biểu HĐND phản ánh hiện tượng học sinh “ngồi nhầm lớp”-một biểu hiện của “bệnh thành tích trong giáo dục”-là có cơ sở, mặc dù đây không phải là hiện tượng phổ biến. Nguyên nhân tồn tại tình trạng này là do một số cơ sở giáo dục vì muốn hoàn thành và giữ vững mục tiêu phổ cập giáo dục các cấp, hoặc để đạt được 100% chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp theo quy định.

Theo ông Lễ, đây không phải là hiện tượng phổ biến nhưng đã tồn tại trong ngành nhiều năm qua (ít nhất từ năm 2006, khi Bộ GD-ĐT triển khai cuộc vận động “2 không”: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm là trách nhiệm thuộc về người đứng đầu ngành giáo dục các địa phương và cấp tỉnh.

Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên về học sinh "ngồi nhầm lớp"

ĐỨC HUY

Để khắc phục tình trạng trên, ông Lễ, đã đưa ra các giải pháp, như chỉ đạo Phòng GD-ĐT, các đơn vị trực thuộc và các cơ sở giáo dục thường xuyên tiến hành rà soát và tổ chức khảo sát chất lượng giáo dục đối với tất cả các cấp học: Tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên ngay cuối học kỳ 1 của năm học này.

Thông qua khảo sát, đánh giá để phân hóa các đối tượng học sinh có học lực yếu kém, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch ôn tập, phụ đạo tích cực những học sinh có học lực yếu kém.

Trong quá trình thực hiện, nhà trường tránh tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh; quán triệt từ cán bộ quản lý đến giáo viên phải thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, cho điểm học sinh một cách thực chất; đem hết trách nhiệm và lương tâm nhà giáo để ôn tập và củng cố kiến thức cho các em học sinh, theo ông Lễ.

Cũng theo ông Lễ, sau khi nhà trường thực hiện hết trách nhiệm mà học sinh không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về chất lượng giáo dục thì kiên quyết không xét điều kiện lên lớp hoặc điều kiện để dự thi tốt nghiệp. Ngành giáo dục đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” tại cơ sở của mình.

“Đề nghị các cấp, ngành, lãnh đạo địa phương luôn quan tâm và hỗ trợ ngành giáo dục. Đặc biệt là các bậc cha mẹ học sinh hãy cùng chung sức, đồng lòng cùng với nhà trường, thầy cô giáo chăm lo và quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh”, ông Lễ kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.