Dữ liệu nhân khẩu học do Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) công bố hôm 19.4 ước tính dân số Ấn Độ là 1,4286 tỉ so với 1,4257 tỉ người Trung Quốc.
Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, vượt qua Trung Quốc với gần 3 triệu người vào giữa năm 2023, dữ liệu do UNFPA công bố, theo Aljazeera.
Tác động của khí hậu
Ấn Độ có diện tích đứng thứ 7 thế giới (3,28 triệu km2), gồm 28 bang và 8 lãnh thổ liên bang. Tuy nhiên khoảng cách về dân số giữa các bang ở Ấn Độ là rất lớn.
Uttar Pradesh là bang đông dân nhất với 232 triệu người, trong khi Sikkim ở đông bắc là bang ít dân nhất (0,7 triệu người).
Để dễ so sánh bang Uttar Pradesh có dân số tương đương Brazil và Ecuador gộp lại. Bang Bihar bằng dân số của Mexico (130 triệu người) hay Maharashtra có cùng dân số với Nhật Bản (125 triệu người), Tây Bengal bằng số dân của Ai Cập (107 triệu người), theo visualcapitalist.com.
Hơn 700 triệu người Ấn sinh sống trên chưa tới 1/3 diện tích lãnh thổ ở phía bắc (phần trên đường chéo), trong khi 700 triệu còn lại sống rải rác hơn 2/3 còn lại ở phía nam.
Các bang như Uttar Pradesh, Bihar, Jharkhand, Punjab, Manipur… ở phía bắc Ấn Độ, nơi tập trung dân số lớn và mức gia tăng dân số thuộc hàng cao ở Ấn Độ. Và vì sao người Ấn lại chọn sống ở những nơi này thay vì ở ven biển phía nam như nhiều quốc gia khác?
Ngược dòng lịch sử, các thành phố Ấn Độ được các nước phương Tây biết đến thuộc phía nam như Mumbai, Bengaluru hay Chennai. Tuy nhiên phía bắc mới là nơi có mật độ dân số dày đặc nhất.
Lời giải thích trước nhất chính là tác động của khí hậu. Phía bắc Ấn có vòng cung núi khổng lồ từ hai dãy Hindu Kush và Himalaya, nơi có những ngọn núi thuộc hàng cao và khắc nghiệt nhất thế giới như Everest (8.849 m).
Dãy Himalaya còn có hàng trăm ngọn núi cao hơn 7.000 m so với mực nước biển. Và dĩ nhiên chúng là những rào cản quan trọng trên đất liền, chắn giữ gần như toàn bộ luồng gió lạnh và khô từ phía bắc. Ngược lại phần lục địa thuộc Ấn Độ ở phía nam hai dãy núi được giữ ấm và ẩm ướt quanh năm khiến thảm thực vật nơi đây phát triển mạnh, đất đai màu mỡ.
Dãy Himalaya còn mang lại cho phía bắc Ấn Độ lượng mưa nhiều từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Các con sông lớn bắt nguồn từ 2 dãy núi lớn mang lại nguồn nước ngọt dồi dào cho cư dân do tích trữ lượng băng chỉ sau Bắc cực và Nam cực. Riêng dãy Himalaya có đến 15.000 con sông băng, lưu trữ khoảng 12.000 km3 nước ngọt. Khi các con sông này chảy qua đồng bằng luôn để lại nguồn phù sa lớn, thuận lợi để canh tác.
Ngược lại ở phía nam không có lợi thế về nông nghiệp nên mức tăng trưởng dân số không đáng kể. Phía nam chịu ảnh hưởng của cao nguyên Deccan – vùng đất cực rộng đầy đá và đồi núi. Mặt khác dãy Tây Ghats với những ngọn núi cao trung bình 2.000 m ngăn luồng không khí lạnh mang theo mưa từ Ấn Độ Dương đổ vào khiến cao nguyên Deccan trở nên khô cằn.
Ba con sông ở phía nam là Godavari, Krishna và Kaveri đều bắt nguồn từ dãy Tây Ghats chảy qua cao nguyên Deccan trước khi đổ ra vịnh Bengal chỉ chứa nước mưa mà không có băng tan như ở dãy Himalaya nên lượng nước ngọt kém hẵn, ảnh hưởng đến tưới tiêu cho nông nghiệp. Đó cũng là nguyên nhân dân số phía nam phân bổ rải rác hơn, không tập trung thành cụm lớn như đồng bằng bắc Ấn Độ.
Bình luận (0)