Cựu Phó chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn sai phạm gì?

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
18/03/2019 11:18 GMT+7

Năm 2003, ông Nguyễn Bá Thanh đã từng cảnh cáo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, khi đó còn đang là Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn có nhiều 'ưu ái' với Vũ 'nhôm'

[VIDEO] Vì sao Phó chủ tịch Đà Nẵng liên quan đến Vũ “nhôm” bị khám xét nhà?
Theo tài liệu PV Thanh Niên có được, trong 31 dự án nhà công sản đang bị Bộ Công an điều tra trong giai đoạn từ năm 2014 trở về trước, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Giám đốc Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng giai đoạn 2002 - 2012) đã có nhiều sai phạm trong việc bán các lô nhà, đất công sản gây thất thoát ngân sách. Điển hình là khu nhà, đất địa chỉ 2 Hải Phòng, có vị trí 2 mặt tiền, diện tích 155,8 m2.
Nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn Ảnh: Hoàng Sơn
Ngày 15.2.2009, Công ty TNHH Minh Hưng Phát (của Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”) có tờ trình xin thuê ngôi nhà này để làm văn phòng vông ty và được giải quyết với cam kết sử dụng đúng công năng. 8 tháng sau đó, công ty này xin mua ngôi nhà trên theo diện nhà đang thuê của nhà nước và được Công ty Quản lý nhà lập tờ trình xin phép UBND TP.
Sau đó, UBND TP.Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng họp hội đồng bán đấu giá nhà công sản xác định giá bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất. Sở Xây dựng phối hợp các ngành tiến hành kiểm định, xác định chất lượng nhà, vị trí đất tại 2 Hải Phòng, UBND TP đồng ý áp dụng hệ số sinh lợi về đất tại nhà đất là 1,4. Tháng 1.2010, UBND TP phê duyệt giá bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất là hơn 3,3 tỉ đồng cho Cty TNHH Minh Hưng Phát. Công ty này nộp đủ tiền trong thời hạn 30 ngày nên được giảm 10% trên tổng số tiền sử dụng đất nên mua với giá “hời” là hơn 3 tỉ đồng.
Với việc mua bán này, công ty đã không sử dụng đúng như cam kết về công năng. Nhà, đất 2 Hải Phòng sau khi thu hồi của HTX Dịch vụ Vận tải Xích lô Đà Nẵng từ năm 2004 đã bỏ trống. Tương tự, nhà, đất 45 Nguyễn Thái Học sau khi thu hồi của Công ty CP Phát triển công nghệ và tư vấn đầu tư Đà Nẵng và nhà, đất 47 Nguyễn Thái Học sau khi thu hồi của Công ty Dược – Thiết bị y tế Đà Nẵng từ năm 2008 do không có nhu cầu thuê cũng sử dụng không hiệu quả. Hai ngôi nhà này đều bán cho công ty của Vũ “nhôm” với giá lần lượt là hơn 2,6 tỉ đồng và hơn 4,2 tỉ đồng.
Cả 3 ngôi nhà trên là tài sản thuộc sở hữu nhà ở và thuộc trường hợp được bán theo quy định theo hình thức bán đấu giá. Sở Xây dựng TP đã hợp thức hóa nhà đất công sản này thông qua hình thức bán chỉ định, gây thất thu lớn cho ngân sách TP, tác động xấu đến các giao dịch trên thị trường bất động sản.
Ngay sau khi thành lập, mặc dù không có nhu cầu sử dụng làm văn phòng nhưng Công ty Minh Hưng Phát vẫn lập thủ tục xin thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước.
Tiếp sau đó, trong thời gian ngắn (5 tháng đối với nhà 47 Nguyễn Thái Học và 8 tháng đối với nhà 2 Hải Phòng), Công ty Minh Hưng Phát đã lập thủ tục xin mua trực tiếp theo diện “nhà đang thuê của Nhà nước” mà không qua đấu giá.
Việc lách quy định nêu trên làm cơ sở cho việc xác định giá khởi điểm theo đơn giá đất do UBND TP ban hành hàng năm thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường trong cùng thời điểm chuyển nhượng. Nếu không có sự giúp sức của Văn phòng UBND TP (bộ phận Quản lý đô thị), Công ty Quản lý Nhà Đà Nẵng và đặc biệt là sự tham mưu của Sở Xây dựng TP, công ty Vũ “nhôm” khó mà trục lợi.

Phiên đấu giá bất thường 

Với cách thức thuê đất công sản và “tiến đến” mua không qua đấu giá, nhiều lô đất đã lọt vào tay Vũ “nhôm” dưới sự tham mưu của Công ty Quản lý Đà Nẵng và Sở Xây dựng TP do ông Nguyễn Ngọc Tuấn làm giám đốc, trong đó có thể kể đến là thương vụ “ma quỷ” đối với lô đất “khủng” 57 Lê Duẩn.
Lô đất này được, UBND TP cho Công ty CP Công Nghệ phẩm Đà Nẵng được thuê theo hiện trạng sử dụng vào năm 2004. Năm 2009, công ty này xin chuyển quyền sử dụng đất tại các mặt bằng do công ty quản lý, theo đó, ngày 9.7.2009, UBND TP giao cho Sở Xây dựng - chủ tịch hội đồng bán đấu giá nhà công sản TP chủ trì họp hội đồng, báo cáo đề xuất TP xem xét quyết định. Công ty Quản lý nhà tính toán giá trị đất là hơn 62,7 tỉ đồng và được UBND TP đồng ý.
Tuy nhiên, vào năm 2011, Công ty CP công nghệ phẩm Đà Nẵng gửi công văn “yêu sách” xem xét, giải quyết giảm hệ số sinh lợi khu đất 57 Lê Duẩn từ 1,4 xuống 1,3; cho Công ty được mua lại khu đất 10.000 m2 mặt tiền đường quốc lộ 1A Hòa Châu, Hòa Phước; hỗ trợ cho công ty một số tiền để giải quyết khó khăn cho đơn vị khi thu hồi 2 lô đất số 2 Đống Đa và 242 Hùng Vương.
Tiếp đó, ngày 29.3.2011, Công ty Quản lý nhà trình Sở Xây dựng xét trình UBND TP xét quyết định cho phép Công ty CP Công Nghệ phẩm Đà Nẵng mua nhà đất được giảm 10% tiền sử dụng đất. Dưới sự tham mưu này của Sở Xây dựng TP, công ty mua lại lô đất này chỉ với giá hơn 54,4 tỉ đồng. Trên thực tế, Vũ “nhôm” đứng sau toàn bộ quá trình bán nhà và chuyển sử dụng đất này.
Về khu nhà, đất tại 9 (7 cũ) Bạch Đằng (Café - Bar Memory - Nhà hàng HaNa Kim Đình (cũ) mặc dù được đem đấu giá “có vẻ” công khai nhưng thực ra là một “chiêu trò” dưới sự định giá của Sở Xây dựng để chuyển cho Vũ “nhôm”.
Cụ thể, ngày 16.7.2009, tổ kiểm định do Sở Xây dựng chủ trì đã xác định tổng giá trị nhà, đất là hơn 10,1 tỉ đồng cho khu đất hơn 543 m2 làm giá khởi điểm để tổ chức đấu giá công khai. Ngày 10.9.2009, Hội đồng bán đấu giá nhà công sản nhà nước TP tổ chức phiên đấu giá nhà, đất nêu trên.
Theo đó, tổng cộng có 18 đơn vị đăng ký tham gia đấu giá nhưng đến ngày chỉ có 10 đơn đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền đặt trước phí đấu giá theo quy định. Về hình thức đấu giá là đấu giá miệng và mức chênh lệch tối thiểu mỗi lần hô là 300 triệu đồng.
Diễn biến tại buổi đấu giá chỉ có 1 lần hô duy nhất của ông Phan Văn Anh Vũ là hơn 10,7 tỉ đồng, giá trị này vẫn thấp hơn nhiều so với thực tế. Các thành viên trong đó có Sở Xây dựng dĩ nhiên là không có ý kiến gì khác…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.