Đêm 11-1, khi nốt nhạc cuối cùng của ba chương trong bản Concerto viết cho piano của Franz Joseph Haydn vừa dứt, cũng là lúc tiếng vỗ tay vang lên khắp khán phòng Nhà hát lớn, Hà Nội.
|
Nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Thế Vinh (12 tuổi) vừa kết thúc 20 phút biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia. Nhận bó hoa đầu tiên của khán giả, Vinh mang tặng lại nhạc trưởng Honna Tetsuji và các nhạc công như một lời cảm ơn sâu nặng. Để “đến” được đây, cậu đã đi một chặng đường rất dài... Và không chỉ cậu biết điều đó...
Cậu bé đặc biệt
"Đây là pianist trẻ tuổi nhất mà tôi mời hợp tác trong một chương trình biểu diễn với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam"
Nhạc trưởng Honna Tetsuji
Những ngày Vinh còn bé xíu, để ru Vinh ngủ bố mẹ thường mở đĩa nhạc cổ điển. Để gọi Vinh dậy cũng lại mở đĩa nhạc cổ điển. Lớn lên một chút, bố mua các đĩa ca nhạc thiếu nhi về cho con nghe. 2 tuổi Vinh đã biết hát theo đĩa. Vậy mà 3 tuổi bỗng dưng Vinh im bặt.
Ngoài việc im bặt không thèm nói, cu cậu có biểu hiện như người... điếc, không tiếp nhận tình cảm, không lắng nghe mà chỉ thích chơi một mình, không vừa ý thì đánh đấm, la hét. Gia đình lo lắng, mang Vinh chữa chạy khắp nơi: khoa thần kinh, khoa tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), Viện Y học cổ truyền quân đội... Vậy mà chẳng tiến triển gì. “Đã có những lúc tôi rất thất vọng bởi không biết điểm bắt đầu và kết thúc ở đâu. Bất kể ai có phương án gì thích hợp tôi đều áp dụng, mời không biết bao nhiêu người để dạy dỗ cháu”, ông Nguyễn Thế Quang - bố của Nguyễn Thế Vinh - kể về những ngày đầu khó khăn của pianist “nhí”.
Buồn chán, mệt mỏi nhưng chưa bao giờ ông nguôi hi vọng vào bất kỳ một phương pháp chữa trị nào. 5 tuổi, Vinh vẫn không thèm nói. Bác sĩ khuyên nên để Vinh chơi nhiều với bạn bè, ông Quang dành thời gian đưa con đi siêu thị, vào vườn thú, công viên... Có lần hai bố con đang dạo chơi trong vườn Bách thảo thì bất ngờ Vinh nhảy ùm xuống hồ. Vớt được con lên, bố cởi quần áo ngoài bọc cho con rồi ôm con vừa đi về vừa khóc...
m nhạc: chiếc phao cứu sinh
Nhưng trong rất nhiều biểu hiện bất thường mang hướng tiêu cực của Vinh lại có những dấu hiệu tích cực. Mỗi khi chị gái Vinh đánh đàn organ, cậu bé lại sán đến. Thấy chị bấm nút nào thì tay Vinh cũng bấm theo nút ấy. Bốn tuổi, Vinh có thể đánh thành thạo một bản nhạc bằng cả hai tay với niềm hứng thú khôn tả. Tất cả những gì bố, bác sĩ dạy đều không khiến cậu tập trung nhưng những âm thanh phát ra từ cây đàn organ lại khiến cậu bé chú ý.
Gia đình không ai hoạt động nghệ thuật, để kiểm chứng những gì con đang biểu hiện, nhờ một người quen giới thiệu, hai vợ chồng đưa con đến gặp nhạc sĩ Phú Quang. “Lúc ấy tôi thấy Vinh kỳ lạ lắm” - nhạc sĩ Phú Quang chia sẻ khi phần biểu diễn của Vinh kết thúc. Và vị nhạc sĩ này còn nhớ như in khi ông đưa hai cha con cậu bé về nhà, ông ngồi vào đàn và bảo: “Nếu bác bấm vào nốt nào thì cháu đọc lại nhé”. Nói rồi ông bấm la sol la. Vinh đọc theo la sol la. Ông muốn thử lại nên nói: “La lá la chứ”, Vinh cãi: “Sol”. Đặt cậu bé ngồi lên ghế đàn, nhạc sĩ hướng dẫn thông qua những bản nhạc cụ thể. “Điều tôi ngạc nhiên nhất là việc xử lý hợp âm ở bàn tay trái của cậu bé rất tốt, rất nhiều nhạc sĩ cũng không làm được điều ấy” - nhạc sĩ Phú Quang nhận xét. Sau buổi thử, ông bảo với bố của Vinh: “Con anh là một đứa trẻ đặc biệt, nên cho cháu học nhạc!”. Chỉ với một câu nói ấy thôi, hai người làm cha làm mẹ như người đang chơi vơi giữa biển vớ được chiếc phao cứu sinh!
Đúng lúc ấy, con gái của nhạc sĩ Phú Quang là Trinh Hương vừa trở về Việt Nam. Nhạc sĩ nói với con gái: “Con hãy nhận dạy cậu bé này”. Cũng từ lời nói ấy mà Trinh Hương gắn bó với Thế Vinh suốt sáu năm qua.
Cô giáo, chiếc máy quay và bố
Trong khi Vinh đang ngập tràn trong hoa và nụ cười của bao bạn bè và người thân ở ngay sau cánh gà sân khấu thì ông Quang kiểm tra lại chiếc máy quay phim cầm tay nhỏ xíu - vật dụng đồng hành cùng ông và Vinh trong suốt quãng đường học nhạc. “Cả tôi và mẹ cháu đều không biết một nốt nhạc, để học chung với cháu tôi sắm một chiếc máy quay phim. Tất cả những buổi học đều được ghi lại, mang về nhà học tiếp”.
Cái máy quay phim của bố cùng những video thu được thật sự hấp dẫn đối với Vinh. Những lúc rảnh rỗi cậu bé mở kho lưu trữ này ra để xem, rồi tự mày mò, cắt dán, sắp xếp để có được những sản phẩm âm nhạc, rồi lập trang web đưa lên mạng. Cũng từ những clip này mà ông Honna Tetsuji - nhạc trưởng người Nhật - đã tìm và nghe một đĩa của Vinh rồi mời em chơi trong chương trình đầu năm mới của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam tối 11-1-2012 mang tên Chào xuân. Nhạc trưởng Honna Tetsuji chia sẻ: “Tôi thấy cậu bé rất có năng khiếu về âm nhạc và tôi rất vui bởi chương trình đầu tiên của năm 2012 có một pianist trẻ như vậy mở đầu”.
Niềm vui của người cha lại rất âm thầm. Không dám nói trước là thành công, cũng không biểu hiện những điều hạnh phúc trên gương mặt, bố của Vinh chỉ nói: “Rất may tôi đã tìm ra con đường cho cháu đi”. Ông nói “may” bởi trong quãng thời gian hàng ngàn ngày rong ruổi khắp các bệnh viện, phòng khám, gặp không biết bao nhiêu thầy thuốc, chưa ai nói với ông về một dấu hiệu khả quan cho Vinh. “Để có một đứa con bình thường đã là hạnh phúc, tìm được một con đường cho con đi còn hạnh phúc gấp bội. Nhưng tôi vẫn xác định chặng đường ấy còn rất dài. Tương lai của con là thứ quan trọng nhất đối với tôi” - ông Quang nói một cách giản dị.
Mười lăm phút giải lao giữa chương trình đã kết thúc, nhưng những bó hoa vẫn tới tấp được chuyển vào sau cánh gà. Nhạc trưởng Honna Tetsuji rất xúc động trước tình cảm của khán giả và hẳn ông rất hài lòng vì phần biểu diễn thành công ngoài mong đợi của pianist trẻ tuổi, nhưng ông sẽ không thể hiểu tại sao lại có nhiều nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc đến thế!
|
* Nguyễn Thế Vinh (hiện là học viên hệ sơ cấp Học viện m nhạc quốc gia VN) từng đoạt huy chương vàng tại cuộc thi piano ở Cheonan - Hàn Quốc (2010), giải khuyến khích bảng A cuộc thi piano quốc tế VN lần 1 (2010). * Pianist Trinh Hương (giảng viên Học viện m nhạc quốc gia Việt Nam): “Tôi có thể thở phào vì Vinh dù đã biểu diễn rất nhiều nơi, nhiều cuộc thi trong nước và quốc tế nhưng mỗi lần biểu diễn thường chỉ từ 5-10 phút. Hôm nay là buổi Vinh biểu diễn lâu nhất (20 phút) gồm ba chương của một bản concerto. Vinh có một trí nhớ siêu việt. Nếu với những trẻ khác khi dạy tôi phải dành rất nhiều thời gian để hướng dẫn đánh đàn tay phải, rồi tay trái, sau đó là ghép hai tay. Nhưng Vinh chỉ cần xem cô đánh rồi đánh theo và ghép được, thậm chí có những đoạn rất khó. Tôi không khẳng định cháu là thần đồng, nhưng tôi chưa từng gặp một đứa trẻ nào có khả năng đặc biệt như Vinh”. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)