Những nữ chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân 8.1945

Nguyễn Thị Bích Ngọc - 'Ấu Triệu' của Việt Bắc

21/10/2023 07:15 GMT+7

"Tôi đã đặt cho chị bí danh là Ấu Triệu và chị đã được kết nạp vào Việt Minh xã". Đó là bút tích viết tay trong giấy chứng nhận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về bà Bế Thị Mượt, bí danh Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Ấu Triệu - bà Triệu nhỏ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế thừa từ nhà chí sĩ Phan Bội Châu lấy tấm gương bất khuất của Triệu Thị Trinh - người nữ anh hùng chống quân xâm lược nhà Ngô thế kỷ thứ 3.

  Nguyễn Thị Bích Ngọc - 'Ấu Triệu' của Việt Bắc - Ảnh 1.

Vợ chồng thượng tướng Vũ Lập - Nguyễn Thị Bích Ngọc tại Sơn La năm 1949

Tư liệu gia đình

Mỗi lần nhắc đến người mẹ của mình, ông Vũ Minh Trực đều không khỏi xúc động trào nước mắt. Ngày mẹ tiễn ông lên đường đi học tròn 70 năm về trước (1953) cả hai mẹ con đâu có ngờ lại là ngày biệt ly mãi mãi. Trong ký ức của ông Vũ Minh Trực vẫn hiển hiện hình ảnh của mẹ đứng trên cây cầu treo Cốc Lếu (Lào Cai) vẫy tay chào đứa con trai đầu lòng theo bè mảng xuôi dòng sang Trung Quốc học Trường thiếu nhi Lư Sơn (Quế Lâm): "Trực ơi, con đi học mạnh giỏi nhé!". Bè mảng xuôi theo dòng nước đưa cậu bé Vũ Minh Trực lên 7 tuổi trôi dần, trôi dần khi không còn thấy bóng mẹ nữa. Suốt 5 năm học tập ở Trường thiếu nhi Lư Sơn, cậu học trò Vũ Minh Trực vẫn nhận được thư của mẹ kể chuyện gia đình, chuyện đất nước… Mấy năm sau, cậu mới biết, đó là thư của bố Vũ Lập đều đặn viết gửi thay mẹ.

Bà Bích Ngọc qua đời khi mới ngoài 30 tuổi, tuy nhiên, tên tuổi của bà vẫn luôn được những đồng chí đồng đội nhắc nhớ, được lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam ghi danh. Trong một văn bản xác nhận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chứng thực: Được Bác Hồ cử về công tác ở Hòa An (sau về Nguyên Bình và Bắc Kạn), đồng chí Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn hoạt động bí mật) mở lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên tại xã Nam Tuấn, huyện Hòa An. Tham gia lớp huấn luyện ấy có ông Bằng Giang (sau này trở thành trung tướng, Phó tổng thanh tra Quân đội) và một số cán bộ địa phương, trong đó có nữ cán bộ Bế Thị Mượt, đã tham gia cách mạng từ khoảng cuối năm 1941.

"Về sau, chị đã thoát ly gia đình, tham gia đội vũ trang, rồi đội giải phóng quân ở Cao Bằng; đã kết hôn với tướng Vũ Lập - trung đội trưởng Việt Nam giải phóng quân… (Trung đoàn trưởng 148 rồi Tư lệnh Quân khu 2) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết - Chị đã trở thành chiến sĩ của trung đoàn, làm hộ sĩ cấp trung đội trưởng, bị bệnh sốt rét tại mặt trận Điện Biên Phủ và mất tại bệnh viện tuyến sau (có thể Viện Quân y 9). Từ khi tham gia cách mạng cho đến trong suốt quá trình là chiến sĩ đội quân giải phóng, trung đội trưởng của Trung đoàn 148, đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và đã hết lòng giúp đỡ đồng chí Lập làm nhiệm vụ".

Tìm về mẹ qua ký ức của đồng đội cha mẹ mình, ông Vũ Minh Trực được ông Trịnh Cộng Sản - nguyên Chủ nhiệm Quân y Bộ Tư lệnh Đặc công, nguyên Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 148 (Quân khu Tây Bắc) xác nhận: "Tôi đã cùng công tác với chị Ngọc (vợ đồng chí Vũ Lập - Trung đoàn trưởng 148) từ chiến dịch Tây Bắc 1952 đến chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 thì chị Ngọc bị ốm nặng do kiệt sức phải chuyển về tuyến sau… Sau này nghe tin chị Ngọc mất, chúng tôi vô cùng thương tiếc, công lao của một nữ chiến sĩ giải phóng quân đầu tiên mà mất sớm quá".

Còn bà Đàm Thị Loan (phu nhân Đại tướng Hoàng Văn Thái) cho biết thêm: Ngày 5.9.1945, trung đội nữ tự vệ Hoàng Diệu (Hà Nội) được thành lập. Đây là trung đội nữ tự vệ đầu tiên của thủ đô sau khi cách mạng thành công. Trung đội nữ rất hăng hái, nhanh chóng bỏ mọi sinh hoạt đô thành làm quen với nếp sống nhà binh. Các bà đã mang những đồ trang sức quý giá nhất của mình tự đi mua sắm trang phục, vũ khí cho mình và cho đơn vị. Trung đội tự vệ Minh Khai - tên người nữ chiến sĩ cách mạng tiền bối nổi danh - do bà Đàm Thị Loan làm trung đội trưởng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc làm trung đội phó. Hai bà đều được phân công phụ trách quân sự. Các ông Đỗ Đức Kiên, Đặng Quốc Bảo, Lê Trung Toản, và Hoàng Phương ở Thành đội rất quan tâm đến trung đội nữ tự vệ. Cuộc họp nào cũng mời chỉ huy của trung đội nữ tự vệ đến Thành đội họp để bàn bạc công tác. Theo thời gian, các đội nữ tự vệ trong thành phố phát triển ngày càng nhiều. Công tác huấn luyện trở nên cấp bách. Bà Đàm Thị Loan và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc bàn nhau tổ chức thành lớp huấn luyện tập trung từng khóa. Mỗi khóa huấn luyện một trung đội khoảng 40 cán bộ nữ, ăn, ở tập trung. Tiền gạo do Thành đội lo liệu.

Qua đời năm 1954 khi mới ngoài 30 tuổi, mộ phần hiện nay nằm tại nghĩa trang liệt sĩ H.Hạ Hòa, Phú Thọ, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến thắng hạng ba (1958). 

"Chị Ngọc đã cùng với tôi công tác ở Cao Bằng, trong đội Nam tiến rồi Đội Tuyên truyền Nước Nam mới, cùng giải phóng quân tham gia tổng khởi nghĩa từ Tân Trào đến Hà Nội" (Hồi ký của bà Đàm Thị Loan).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.