Cầu phát thanh-truyền hình 50 năm di chúc Bác Hồ: 'Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/08/2019 09:54 GMT+7

Bác Hồ suy nghĩ nửa năm mới thêm vào di chúc câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Điều đó được tiết lộ trong cầu Phát thanh truyền hình Muôn vàn tình thương yêu .

Những câu chuyện về Bác Hồ được kể trong cầu Phát thanh - truyền hình Muôn vàn tình thương yêu nhỏ nhắn và đa dạng. Chương trình chính luận - nghệ thuật do Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức, được thực hiện tại 3 điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội), Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An), và Bến Nhà Rồng (TP.HCM).
Đầu cầu Hà Nội có sự tham dự của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh… cùng nhiều ủy viên T.Ư, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Những bài ca đã quen từ rất lâu như: Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Ca ngợi Hồ Chủ tịch… xen trong suốt chiều dài chương trình. Khi ca nhạc đã là thế mạnh của VOV từ rất lâu, người xem không chỉ được nghe, được xem những tiết mục hấp dẫn, mà còn được nghe lại những bản phối rất xưa cũ.
Chẳng hạn, với bài Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng phiên bản từ khi Bác còn sống, giọng ca của cô bé 5 tuổi Thu Trang đã mang lại cảm giác lùi về quá khứ rõ rệt.
Nhưng quá khứ không chỉ hiện lên qua những bản thu âm xưa cũ, trong suốt chương trình, nhiều dấu mốc lịch sử đã được nhắc lại qua các phóng sự và các tiểu phẩm. Điều đó có nghĩa, có cả nhân chứng lịch sử lên tiếng và cả những câu chuyện đã trở thành biểu tượng nghệ thuật. Chính vì thế, nếu người xem xúc động với câu chuyện của GS Lê Thi - người kéo lá cờ độc lập năm 1945, khoảnh khắc Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, thì họ cũng rưng rưng không kém khi thấy Bác đến thăm các gia đình nghèo trong vở kịch nhỏ về Người.
Trong cầu truyền hình Muôn vàn tình thương yêu, những câu chuyện sân khấu “đắt” về Bác đã được tái hiện cẩn trọng và giàu cảm xúc. Bác cùng thư ký Vũ Kỳ đến thăm gia đình chị Tín - một người phụ nữ góa chồng nghèo nhất Thủ đô. Trở về nhà với gánh nước trĩu vai, chị Tín sững người khi thấy Bác đến tận nhà thăm.
Hoàn cảnh của chị Tín tạo đối lập rõ rệt với tội tham ô tài sản của Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu. Lời thoại: “Đảng cầm quyền mà để người dân nghèo hết chỗ để nghèo, thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân” mang trong mình những bài học không chỉ cho những năm đã xa đó.
Những câu chuyện tái hiện, đan xen về Bác Hồ trong Muôn vàn tình thương yêu luôn ẩn chứa những câu chuyện như vậy. Ở một câu chuyện kịch khác, Bác nói về việc phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Ở đó, bác nói về phê bình, rồi xa hơn là việc yêu thương lẫn nhau chân thành.
Cái gốc là chú phải tôn trọng thương yêu anh em, khi đó sẽ tự biết cách phê bình đúng lúc và đúng cách”, lời thoại ngắn mà thấm. Và sau đó, chúng ta thấy thêm một tư liệu lịch sử nữa, đó là câu “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” trong di chúc được Người thêm vào, sau khi đã suy nghĩ nửa năm. Đấy cũng là một bài học về chỉnh đốn Đảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.