50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
20/08/2019 06:03 GMT+7

Đất nước đã qua mấy chặng đường lớn trong suốt 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bắc - Nam đã sum họp một nhà, đã Đổi mới, và giờ đây, cả nước vẫn đang tiếp tục thực hiện Di chúc của Người.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố lần đầu trong lễ tang của Người vào tháng 9.1969. Khi đó, bản Di chúc công bố chủ yếu dựa trên bản Di chúc viết năm 1965. Tới 1989, Bộ Chính trị mới quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người được viết và sửa qua nhiều năm. Di chúc sau đó trở thành câu chuyện lịch sử đi qua nhiều chặng đường phát triển của đất nước. Đó cũng chính là nội dung của trưng bày Hành trình vươn tới những ước mơ - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), diễn ra từ 19.8, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trưng bày gồm 5 chủ đề: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Xây dựng lại đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Đổi mới và phát triển; Hội nhập và cất cánh; Hướng tới tương lai.
Nhiều quyết tâm thư xung phong chiến đấu, quyết tâm thư hoàn thành vượt mức kế hoạch... được trưng bày trong triển lãm. Cộng với các văn bản như chỉ thị, công văn, bài nói chuyện của lãnh đạo, điện tín, thông tri, những văn bản được trưng bày cho thấy việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lan tỏa trong cả nước. Những hình ảnh từ TTXVN càng cho thấy rõ hơn bức tranh này: từ Đọc tin Bác mất ngoài mặt trận ở Thừa Thiên-Huế (1969), đến Sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” (Hà Nam, 1969). Với nền tảng tinh thần như vậy, không khó để hiểu được cách người dân đã đi qua, đã chiến thắng trong những trận Điện Biên Phủ trên không, trên bàn đàm phán Hội nghị Paris để tới ngày thống nhất. Cuốn sách Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhà du hành Phạm Tuân mang theo lên vũ trụ như một biểu tượng cũng được giới thiệu.
Nếu như những tư liệu kháng chiến hào hùng thì những tư liệu thời xây dựng đất nước sau giải phóng, tư liệu thời Đổi mới lại cho thấy cả gian khó và khát vọng dựng xây của từng người dân.
Trong triển lãm, người xem được thấy lại việc khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam hồi 1976 ở Huế để tàu Thống Nhất đầu tiên chạy vào năm 1977. Sự kiện tiền ngân hàng phát hành mới trong cả nước vào tháng 5.1978 cũng xuất hiện trong trưng bày. Cả những hình ảnh về chiến tranh biên giới cũng xuất hiện. Ở đó, người xem thấy lại những đoàn xe hành quân bảo vệ biên giới phía bắc 1979 cũng như hình ảnh trên những điểm cao.
Bên cạnh khó khăn của trận mạc, còn có khó khăn kinh tế khi người dân chen lấn xếp hàng mua đồ tem phiếu trước năm 1985. Cuộc Đổi mới 1986 như một dấu mốc đáng kể của việc thực hiện Di chúc, làm sao để nhân dân ai cũng hạnh phúc. Những chiếc bàn đổi tiền ở các khu phố, biểu đồ lạm phát, bộ tiền giấy, văn kiện để đổi mới cho thấy sự ngột ngạt, cũng như sự cởi trói cho sức sáng tạo, dựng xây của người dân, đặc biệt từ góc độ kinh tế. Từ đó, chúng ta mới có bước tiến ngoại giao như bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ vào năm 1995, trở thành thành viên 160 của WTO năm 2006...
Câu chuyện đương đại trong triển lãm tuy quen thuộc hơn do gần gũi hơn, song không vì thế mà bớt nóng. Nếu như việc chỉnh đốn Đảng đã được Bác Hồ nhắc đến trong Di chúc, thì nó cũng được nhắc tới trong trưng bày với những hình ảnh chống tham nhũng. Trong đó, có hình ảnh Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng ngày 26.7.2019. Theo tư liệu triển lãm, chỉ tính từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 1.2016) đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện T.Ư quản lý đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí, 1 Ủy viên Bộ Chính trị đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và lĩnh án 30 năm tù.
Triển lãm diễn ra đến hết tháng 12.2019. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.