Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - quốc bảo cũng là pháp bảo

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
15/08/2019 08:00 GMT+7

Theo GS Hoàng Chí Bảo, bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một bảo vật quốc gia mà còn mang tư tưởng lớn và định hướng về phương pháp, cách làm trong thực tiễn - vừa là quốc bảo, vừa là pháp bảo.

Viết trong nhiều năm, sửa vào mỗi dịp sinh nhật

Ngày 14.8, hội thảo khoa học Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn (1969 - 2019) do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hội Di sản văn hóa, Hội Khoa học lịch sử VN, Học viện Báo chí - Tuyên truyền phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Tại hội thảo, tư liệu của ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, được công bố và cho biết, Bác bắt đầu viết di chúc vào ngày 10.5.1965. Liên tiếp 3 ngày sau đó, mỗi ngày Bác viết tiếp khoảng 1 tiếng vào buổi sáng. Tới ngày 14, Bác viết tiếp và hoàn thành. Bác cho di chúc vào phong bì, đưa cho ông Vũ Kỳ và dặn giữ cẩn thận, đến dịp này sang năm lại đưa cho Bác.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch, cứ đến sinh nhật Bác hằng năm, ông Vũ Kỳ lại mang bản di chúc ra để Bác bổ sung rồi lại giao lại. Có nhiều thay đổi trong di chúc tùy theo thời sự: năm 1966, Bác thêm phần tự phê bình và phê bình trong Đảng và nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1967, Bác xem lại di chúc nhưng không sửa gì. Năm 1968, Bác viết thêm 6 trang, gồm một số việc riêng và một số công việc cần làm sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi. Năm 1969, Bác xem và viết lại toàn bộ phần mở đầu gồm 1 trang viết tay. Ngày 19.5.1969, Bác sửa di chúc lần cuối.
TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết đêm 2.9.1969, ông Vũ Kỳ mang nộp Thủ tướng Phạm Văn Đồng bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng khi đó nói: Đây là việc hệ trọng, một mình tôi không thể nhận. 6 giờ sáng mai, Bộ Chính trị họp, đồng chí đi cùng tôi sang đó và tự tay nộp Bộ Chính trị. Cũng theo ông Tính: “Đối chiếu với toàn văn Di chúc mà Đảng ta công bố năm 1989, thấy bản công bố năm 1969 gồm trang mở đầu Bác mới viết năm 1969, các đoạn còn lại lấy trên cơ sở bản viết năm 1965, trừ đoạn nói về hỏa táng”.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ (Văn phòng T.Ư Đảng), cũng cho biết hiện trạng bản di chúc. Di chúc viết trên 8 tờ giấy kích thước khác nhau. Trong đó, 3 tờ viết 15.5.1965 đánh máy chữ mực xanh, trên giấy thường, có chữ ký của Bác cuối trang 3, bên cạnh là chữ ký người làm chứng là ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành T.Ư. 4 tờ viết tháng 5.1968 bằng mực xanh, xen kẽ mực đỏ ở mặt sau của tờ tin Thời đại. Tờ viết ngày 10.5.1969 bằng mực xanh ở mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã VN.
Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh - quốc bảo cũng là pháp bảo1

Các bác sĩ thuộc Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng luôn nỗ lực từ những ngày đầu tiên để gìn giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trạng thái tốt nhất

Ảnh: TL

Đổi mới, chỉnh đốn Đảng

Theo GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư, toàn bộ phác thảo kế hoạch xây dựng lại đất nước đàng hoàng mà Bác đề cập trong Di chúc là rất toàn diện. Dù không trực tiếp sử dụng khái niệm “đổi mới” nhưng trong Di chúc, đổi mới được thể hiện rất rõ ràng, đậm nét: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”.
TS Lê Thị Thảo, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, phân tích tư tưởng về đoàn kết và đồng thuận xã hội trong Di chúc. Theo đó, Bác chủ trương phát huy yếu tố tương đồng, khắc phục khác biệt. Đây là tư tưởng khoan dung. “Tấm lòng khoan dung độ lượng được Người gửi lại trong Di chúc có chỗ cho tất cả mọi người, mọi đối tượng, bất kể họ là ai, ngành nghề nào, giới nào… Bố trí, sắp xếp cho họ vào những vị trí xứng đáng để phát huy tối đa giá trị của họ. Người viết ta phải biết làm phần tốt trong mỗi con người này nở như hoa mùa xuân và phần xấu mất dần đi”, TS Lê Thị Thảo viết. Bà Thảo cũng phân tích việc Bác cho rằng tự phê bình và phê bình là phương pháp tốt để có được đoàn kết và đồng thuận xã hội. Bà trích dẫn “tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình… mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ”.
Theo TS Đinh Quang Hà, Học viện Cảnh sát nhân dân: “Trong bề bộn công việc phải dự liệu, trù tính và tổ chức thực hiện, Người đặc biệt quan tâm tới công việc có tính chất quyết định. Người viết việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng. Rõ ràng, trong quan niệm của Người, công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa cốt tử trong việc bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Theo GS Hoàng Chí Bảo, Di chúc của Bác Hồ đã trở thành quốc bảo. Nhưng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng còn là pháp bảo của Đảng và dân tộc, do mang tư tưởng lớn cũng như chỉ dẫn phương pháp, cách làm trong thực tiễn, hướng dẫn hành động để thúc đẩy quyền tự do, làm chủ của nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.