Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng tôi xin được nhắc lại sự tận tâm, tận lực và tận hiến cho nền độc lập nước nhà của một nữ tướng thời đại Hồ Chí Minh…
Giao con theo cách mạng
Ngày 15-3-1920 là ngày định mệnh đối với gia đình một nông dân trên bờ sông Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Trong căn buồng tối dành cho sản phụ ở nông thôn Nam bộ, người mẹ oằn oại cơn đau đẻ, nếu như hôm đó người chồng nghe theo lời bà mụ móc đầu đứa bé lôi ra để cứu sống vợ thì sau này Cách mạng miền Nam không có ngôi sao Nguyễn Thị Định chói sáng. Ông đã động viên, thuyết phục bà mụ kiên trì chờ đứa bé ra đời. May sao, mẹ tròn con vuông. Vì lẽ đó, trong gia đình 10 đứa con, cô út Nguyễn Thị Định được cưng nhứt nhà.
Lớn lên, cô út Định trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, được gia đình nhắm gả cho một nơi giàu có nhưng cô kiên quyết chọn ông Bích- một trong số đồng chí cùng hoạt động với anh cô.
Họ sống bên nhau những ngày trăng mật ngắn ngủi. Rồi ông Bích lại đi hoạt động. Cô cũng ở lại bám cơ sở. Sau này, cô mới biết ông là Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, ở bộ phận hoạt động công khai.
Nhưng hạnh phúc chưa kịp cảm nhận thì giông tố ập đến. Mới sinh con 3 ngày, mật thám đến nhà vây bắt ông Bích. Ông bị kết án 5 năm tù và 5 năm đày biệt xứ. Ngày 19-7-1940, Út Định và đứa con trai 7 tháng tuổi bị mật thám vây bắt. Chúng đưa hai mẹ con cô về Khám Lá Bến Tre và buộc cô gửi con về nhà trước khi đi đày đến Bà Rá.
Cô biết dấn thân vào con đường cách mạng là chấp nhận thương đau, tù đày, cái chết nhưng cảnh đứa bé mới 7 tháng tuổi mà sớm bị bứt lìa khỏi cha mẹ thì cô chưa bao giờ nghĩ đến.
Bà Rá thời đó là nơi hoang sơ không chỉ có vắt, voi, cọp mà còn có “cọp người”. Nguyễn Thị Định được xếp vào khu nhà B- nơi dành riêng cho tù chính trị nữ. Ở đây, mọi người gọi chị bằng cái tên thân mật: Ba Bích- tên người chồng đã bị đày ra Côn Đảo của chị. Tin tức ông Bích ngoài Côn Đảo vẫn biền biệt. Nỗi nhớ thương con đốt cháy lòng người mẹ. Năm 1943, chị Ba Bích (Nguyễn Thị Định) được bọn Pháp đưa về quản thúc tại địa phương.
Vết thương những ngày bị đày đến nhà tù đế quốc chưa lành thì chị nhận được hung tin: ông Bích đã hy sinh ngoài Côn Đảo. Đó là vết thương đau đớn nhất đời chị. Nhớ lời chồng căn dặn “dấn thân vào con đường cách mạng là phải chịu tù đày, cái chết”, nhớ đến bao đồng chí còn đang bị tù tội, đã hy sinh, chị cứng rắn hẳn lên.
Vì là người phụ nữ có nhan sắc, chị bị vây bủa, o ép của bọn tề làng. Chị vừa mềm dẻo, mạnh mẽ chống lại chúng vừa tự nhủ mình phải tỉnh táo trước phong trào thân Nhật.
Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng Nguyễn Thị Định gặp lại các nữ chiến sĩ tóc dài. |
Cuối năm 1946, Nguyễn Thị Định được bầu làm ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh Bến Tre. Một sáng, Tỉnh ủy gọi chị về và giao chị một nhiệm vụ mà chị không bao giờ nghĩ tới: Ra Bắc, gặp Bác Hồ và Chính phủ báo cáo tình hình miền Nam sau Hiệp định Sơ bộ 6-3 và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Năm ấy, Nguyễn Thị Định mới vừa 26 tuổi.
Chuyến đi ấy không chỉ cung cấp cho Chính phủ, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tình hình thực tế của chiến trường Nam bộ mà còn đặt cơ sở cho cho công tác tổ chức chi viện miền Nam về sau này. Hiệp định Genève được ký kết, chị Ba Định quyết định ở lại miền Nam chiến đấu, chỉ gửi đứa con trai ra Bắc học tập. Người mẹ đứng trên bờ tiễn con, lòng tràn trề niềm tin và hy vọng.
Đồng khởi và đội quân tóc dài
Cuối năm 1959, Mỹ Diệm cho xây khu trù mật ở Bến Tre và cho thực hiện Luật 10-59 gieo bao đau thương tang tóc cho người dân ở đây. Máy chém lê đi khắp nơi, nhà tù mọc lên khắp miền Nam.
Những quần chúng ở Mỏ Cày vừa khóc, vừa căm phẫn nói với bà Định: “Chị Ba ơi, phải võ trang mới sống, không thì anh em chết hết. Lúc này có võ trang, chị gọi một tiếng là bà con đi ngay, chớ sống như vầy thế nào nó cũng đốt nhà, giết mình. Mình không có gì chống đỡ, chịu sao nổi?”.
Điều mong mỏi tha thiết của bà con cũng là nỗi mong đợi tha thiết của Tỉnh ủy. May sao trong tình thế “dầu sôi lửa bỏng” ấy, Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời. Từ hội nghị Khu ủy, bà ước mình mọc cánh bay ngay về Bến Tre để phát động võ trang. Về đến nơi, bà mới biết Tỉnh ủy đã dời đi.Vô cùng vất vả, bà mới tìm được một số thành viên trong Tỉnh ủy, lại không liên lạc được Bí thư.
Bà trình bày nội dung Nghị quyết, bức xúc hỏi: “Đợi tìm được đầy đủ Tỉnh ủy thì lỡ mất thời cơ, mà thi hành thì chúng ta chỉ là thiểu số. Vậy chúng ta có gan làm và cùng chịu trách nhiệm không?”. Mọi người nghiến răng im lặng, suy nghĩ dữ dội. Cuối cùng, đồng chí Bảy Hiền- Tỉnh ủy viên nêu ý kiến: “Dứt khoát phải làm ngay mới kịp. Ta cứ nổi dậy, tức khắc sẽ bắt được liên lạc. Mọi người cùng có gan làm và cùng chịu trách nhiệm”.
Trong hoàn cảnh “Cộng sản bị đặt ngoài vòng pháp luật”, tìm một cuộc họp an toàn cho 7 người thật không dễ. Và, không ai ngờ 7 người họp trong gian buồng bé nhỏ, được soi sáng bởi ngọn đèn khi mờ khi tỏ năm ấy đã thắp lên ngọn lửa Đồng khởi, đi vào lịch sử cách mạng miền Nam, trong đó có cô Ba Định.
Ngày 17-1-1960, trận đánh diệt Tổng đoàn dân vệ ở xã Định Thủy, Mỏ Cày đã báo hiệu giờ đồng loạt nổi dậy cuộc Đồng khởi. Lực lượng vũ trang được sự phối hợp nổi dậy mạnh mẽ của đồng bào, lấy gọn bót Định Thủy.
Ngày 27-2-1960, hàng ngàn đồng bào Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy ngồi trên mấy trăm chiếc xuồng kín mặt sông, chở quần áo, mùng màn, giẻ rách, bồng con cái nối đuôi nhau ra thị trấn. Các xã khác cũng ùn ùn kéo theo. Đám đông càng đông hơn.
Nòng cốt của lực lượng ấy phần lớn là phụ nữ. Dưới sự chỉ huy của Út Định, họ tổ chức thành đội ngũ hẳn hoi, tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với địch, đòi chấm dứt càn quét, bắn giết, bom pháo, đòi bồi thường nhân mạng…
Sau 12 ngày đêm, địch đành chấp nhận yêu sách của đoàn quân áo vải và cuộc đấu tranh chính trị thắng lợi rực rỡ của lực lượng phụ nữ Mỏ Cày đã khẳng định sức mạnh đội quân mới, rất hùng hậu, rất lợi hại mà bọn Mỹ Diệm gọi là “đội quân đầu tóc”.
Sau này, Bác Hồ gọi đội quân này là “đội quân tóc dài”. Tên tuổi Nguyễn Thị Định gắn liền với cuộc đồng khởi như sóng triều vang dậy, lan khắp miền Nam. Tên tuổi của bà cũng gắn liền đội quân tóc dài- người chị cả đã sáng tạo nên chiến pháp ba mũi giáp công.
Đội quân tóc dài hàng ngàn người ở Bến Tre nhân rộng hàng triệu người, không có tấc sắt trong tay nhưng có sức mạnh phi thường, phá vỡ nhiều thủ đoạn thâm độc, nhiều cuộc càn quét lớn của địch, góp phần đáng kể làm sụp đổ thành trì chế độ Mỹ ngụy.
Niềm vui khi ngọn lửa Đồng khởi nhen lên khắp các tỉnh Nam bộ chưa tắt thì bà nhận được tin con trai mất ngoài Bắc. Bàng hoàng, sửng sốt, trời đất quay cuồng nhưng tấm lòng của nhân dân đã động viên bà vượt qua nỗi đau đớn ấy. Người chỉ huy lau nước mắt, nén lại nỗi đau, tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt giành độc lập cho quê hương…
Tháng 5-1961, bà được bầu vào Khu ủy viên khu 8, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ khu 8. Năm 1965, bà là Hội trưởng Hội LHPN Giải phóng miền Nam. Cũng trong năm 1965, giữa lúc đang công tác ở cơ quan Hội phụ nữ, bà được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mời sang gặp Bộ tư lệnh miền, giao nhiệm vụ: “Bác Hồ và Bộ Chính trị quyết định rút chị lên làm Phó tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ngoài công tác chung, Bộ Chỉ huy phân công chị theo dõi chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích, đấu tranh chính trị”. Bà ngỡ ngàng trước trọng trách được giao, vừa thấy tự hào, vừa lo lắng.
Và bà đã khẳng định tài năng của mình trong vai trò nữ tướng. Bà đã chỉ huy các đơn vị văn công, tuyên huấn, du kích các cơ quan, đoàn thể tham gia đánh địch, đẩy trận càn Giônxơn City - trận càn lớn nhất của Mỹ ngụy vào tháng 2-1967. Những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt ấy, rừng miền Đông vẫn thấy nữ tướng không mặc quân phục, không đeo quân hàm khi ra trận nhưng tài chỉ huy, lòng trách nhiệm, sự dũng cảm, sự thấu đáo của bà đã góp phần xoay chuyển tình hình từ bị động chuyển sang phòng ngự và chủ động tấn công.
Mùa xuân 1975, trong 5 cánh quân rầm rập tiến về thành phố, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, nhân dân thành phố và cả nước vẫn nhận ra lẫn trong đoàn quân tóc dài có nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng. Cách mạng miền Nam có Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là bà Nguyễn Thị Định vừa là định mệnh vừa là niềm tự hào to lớn của dân tộc Việt Nam.
Theo Trầm Hương / Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)