Chung kết nội dung 1.500 m nữ giải điền kinh vô địch châu Á 2023, Nguyễn Thị Oanh có 10 đối thủ cạnh tranh gồm Lodkeo (Lào), Phulmati (Nepal), Kaur Savinder (Malaysia), Layla (Palestin), Shuangshuang Xu (Trung Quốc), Artigala (Sri Lanka), Chui Ling Goh (Singapore), Goto Yume (Nhật Bản), Das Lili (Ấn Độ), Tanaka Nozomi (Nhật Bản).
Trong số các đối thủ này, tuyển thủ sinh năm 1999 Tanaka Nozomi rất đáng gờm khi sở hữu thông số thành tích tốt nhất trong năm 2023 là 4 phút 08 giây 30. Artigala cũng có thông số ấn tượng 4 phút 12 giây 50. Das Lili, Goto Yume đều có thành tích trên dưới 4 phút 14 giây.
Trong danh sách góp mặt tranh tài, Nguyễn Thị Oanh chạm trán nhiều đối thủ có chuyên môn rất tốt. Trong số này có nhà vô địch điền kinh Nhật Bản Goto Yume. Nữ tuyển thủ này từng vô địch 1.500 m giải điền kinh vô địch Nhật Bản năm 2023 với kết quả 4 phút 17 giây 35 tuy nhiên thành tích tốt nhất của chân chạy này ở năm 2023 tính tới lúc này là 4 phút 13 giây 95 (lập tháng 5.2023 tại giải điền kinh ở Mỹ). Cùng với Goto Yme, điền kinh nữ Nhật Bản có Tanaka Nozomi dự 1.500 m tại giải vô địch châu Á năm nay và gương mặt này có chỉ số chuyên môn tốt nhất ở năm 2023 là 4 phút 08 giây 30.
Trong khi đó, thông số gần nhất mà Nguyễn Thị Oanh đạt được là 4 phút 16 giây 85 ở SEA Games 32 hồi tháng 5.2023. Chân chạy quê Bắc Giang cũng từng đạt thông số thành tích tốt nhất ở cự ly 1.500 m là 4 phút 13 giây 88 trong năm 2020.
Là chủ nhân của tấm HCV nội dung 1.500 m ở giải điền kinh trong nhà châu Á nhưng trong sự nghiệp Nguyễn Thị Oanh chưa từng đoạt được huy chương ở giải vô địch châu Á (thi đấu ngoài trời), vì thế cô gái vàng điền kinh Việt Nam khát khao tìm kiếm danh hiệu đầu tiên.
Chân chạy người Nhật Bản Tanaka Nozomi cho thấy sức mạnh vượt trội khi thường xuyên dẫn đầu sau đó tăng tốc ở vòng cuối để một mình về đích, đoạt HCV. Nguyễn Thị Oanh thi đấu đầy nỗ lực. Cô đeo bám được tốp dẫn đầu nhưng không thể vượt qua các đối thủ mạnh và chấp nhận về thứ 5 chung cuộc với thành tích 4 phút 18 giây 84. Điều đáng lưu ý, cô cùng đạt thông số kỹ thuật với VĐV người Trung Quốc (đứng thứ 4) nhưng đành đưng sau VĐV này vì chỉ thua 1 phần nghìn giây (bảng điện tử không hiện điều này).
Ngày 14.7, Nguyễn Thị Oanh sẽ tranh chung kết nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật là nội dung mà cô từng đoạt HCĐ tại ASIAD 18 (năm 2018) tại Indonesia.
Bình luận (0)