Viện KSND tối cao mới đây ban hành cáo trạng truy tố 13 bị can trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn, xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty CP Tiến bộ quốc tế (gọi tắt là Công ty AIC).
Trong số trên, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố tội đưa hối lộ. 4 cựu quan chức tỉnh Bắc Ninh cùng bị truy tố tội nhận hối lộ, gồm: Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hạnh Chung, cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh và Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh.
Cả dàn cựu lãnh đạo tỉnh nhận hối lộ
Theo cáo buộc, từ năm 2006 - 2008, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định dự án cải tạo, xây dựng mới 6 bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên địa bàn. Đến năm 2013, 6 bệnh viện trên cơ bản thực hiện xong đầu tư hạng mục xây dựng, tiếp tục triển khai thực hiện mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế.
Nắm bắt được thông tin này, Công ty CP Sông Hồng và Công ty AIC cùng đến gặp, trao đổi với bị can Trần Văn Tuynh về việc sẽ hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh xin vốn T.Ư để bổ sung cho các dự án đang xây dựng. Đổi lại, 2 doanh nghiệp cần được tạo điều kiện để trúng các gói thầu mua sắm thiết bị y tế.
Sau khi được báo cáo và thống nhất, dàn cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh quyết định "cưa đôi" 6 gói thầu tại 6 bệnh viện, để Công ty CP Sông Hồng và Công ty AIC mỗi bên trúng 3 gói. Hành vi này dẫn tới thiệt hại cho ngân sách hơn 48 tỉ đồng.
Đại án AIC: Chia chác các gói thầu tại Bắc Ninh
Đáng chú ý, quá trình thực hiện các gói thầu, bị can Tuynh có thỏa thuận về việc 2 nhà thầu sẽ chi phần trăm hoa hồng cho mình và các lãnh đạo tỉnh.
Phía Công ty CP Sông Hồng sau đó đã chi 6 tỉ đồng cho bị can Tuynh. Bị can sau đó đưa cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh mỗi người 1 tỉ đồng, đưa cho cựu Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hạnh Chung 500 triệu đồng và cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Nhường 300 triệu đồng. Số tiền 3,2 tỉ đồng còn lại, bị can chi tiêu cá nhân.
Về phía mình, ngoài 1 tỉ đồng nhận của Công ty CP Sông Hồng thông qua bị can Tuynh, bị can Chiến còn trực tiếp nhận 3 tỉ đồng từ cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Tổng số tiền nhận hối lộ là 4 tỉ đồng.
Chưa dừng lại, ông Chiến còn khai vào các dịp lễ, tết, được bị can Nhàn nhiều lần đưa tiền với tổng số 10 tỉ đồng. Tuy vậy, khoản tiền này không liên quan đến các gói thầu.
Tương tự, ngoài 1 tỉ đồng của Công ty CP Sông Hồng, bị can Nguyễn Tử Quỳnh cũng trực tiếp nhận 1 tỉ đồng từ bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn; tổng số tiền nhận hối lộ là 2 tỉ đồng.
Vào các dịp lễ, tết, ông Quỳnh còn được bà Nhàn nhiều lần đến phòng làm việc biếu tổng số tiền 8,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, khoản tiền này không liên quan đến các gói thầu.
Bị can còn lại là Nguyễn Hạnh Chung, ngoài 500 triệu đồng nhận từ Công ty CP Sông Hồng thông qua bị can Tuynh, còn trực tiếp nhận 100 triệu đồng từ lãnh đạo Công ty AIC. Tổng số tiền nhận hối lộ là 600 triệu đồng.
Đang bỏ trốn, vì sao vẫn có thể chứng minh phạm tội?
Có một tình tiết khiến nhiều người thắc mắc trong vụ án này, đó là việc cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn, nhưng vì sao cơ quan tố tụng vẫn có thể chứng minh hành vi phạm tội của các bị can. Đặc biệt là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Hồ sơ vụ án cho thấy, do bị can Nhàn bỏ trốn ra nước ngoài trước khi vụ án khởi tố và đến nay chưa truy bắt được, nên quá trình điều tra không lấy được lời khai của người này.
Tuy vậy, căn cứ vào lời khai của các cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh là những người đã nhận tiền (gồm: Nguyễn Nhân Chiến, Nguyễn Tử Quỳnh, Nguyễn Hạnh Chung, Nguyễn Tiến Nhường, Trần Văn Tuynh), Viện KSND tối cao xác định có đủ căn cứ kết luận bà Nhàn đã trực tiếp hoặc thông qua cấp dưới đưa tiền hối lộ cho nhóm này.
Không chỉ vậy, cơ quan tố tụng còn dựa vào lời khai của các bị can hoặc người liên quan là nhân viên của Công ty AIC. Những lời khai này đều cho thấy bị can Nhàn là người ra chủ trương, chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm.
Một căn cứ quan trọng khác được Viện KSND tối cao viện dẫn, đó là kết quả từ việc cho nhận dạng và thực nghiệm điều tra. Kết hợp với các căn cứ đã nêu ở trên, cơ quan công tố đi đến kết luận rằng, để được tạo điều kiện trúng 3 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế và hưởng lợi bất chính, bị can Nhàn đã chi tổng số tiền hối lộ cho các cựu quan chức tỉnh Bắc Ninh là 4,1 tỉ đồng.
Không chỉ vụ án xảy ra tại Bắc Ninh, bị can Nhàn còn bị truy cứu trong nhiều vụ án hình sự khác và đều được xác định là đang bỏ trốn. Dù vậy, ở tất cả các vụ án đã được đưa ra xét xử, dẫu không có mặt và không có lời khai của bị cáo, cơ quan tiến hành tố tụng xác định vẫn có đủ căn cứ để kết tội.
Điều này chứng minh cho quyết tâm xử lý tội phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của pháp luật.
Bình luận (0)