Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ca khúc Kiếp hoa của nhạc sĩ (NS) Nguyễn Văn Tuyên (phổ thơ Nguyễn Văn Cổn) sáng tác năm 1938 là bản nhạc đầu tiên đặt nền móng cho tân nhạc Việt Nam, thì cũng chính năm đó (1938) NS Nguyễn Thiện Tơ đã cho ra đời một ca khúc bất hủ: Giáo đường im bóng - bản nhạc được coi là “bản thánh ca lồng trong tình ca” mà cho đến nay - 84 năm sau, vẫn là một ca khúc kinh điển và “độc nhất vô nhị” bởi lồng trong Giáo đường im bóng là một chuyện tình thật đẹp, thật nên thơ…
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ thời còn trẻ |
tư liệu |
Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ
Chuyện tình ấy bắt đầu vào một đêm tháng 5.1938 tại TP.Nam Định. Lúc ấy chàng trai Hà Nội tên Nguyễn Thiện Tơ mới 17 tuổi được phong trào Hướng đạo sinh mời về thành Nam biểu diễn trong một đêm văn nghệ từ thiện quyên tiền giúp người nghèo.
Đến đây xin được giải thích tại sao một thanh niên mới 17 tuổi mà đã được mời biểu diễn âm nhạc: Nguyễn Thiện Tơ sinh năm 1921 tại số 22 Rue Charron, Hà Nội (nay là số 22 Mai Hắc Đế, và gia đình NS Nguyễn Thiện Tơ hiện vẫn cư ngụ ở đó). 12 tuổi, cậu bé Nguyễn Thiện Tơ theo học guitar Hawaine (Hạ uy cầm) với thầy Trần Đình Khuê, học 3 tháng đã được vinh dự biểu diễn cùng thầy trên Đài phát thanh Péninière của Pháp, đặt gần trường Bưởi. Ít lâu sau, cậu chuyển sang học guitar với ông thầy người Pháp tên là Benito, cùng học đàn với cậu còn có Bạch Thái Chín (con của nhà tư bản Bạch Thái Bưởi). Do học phí của thầy Benito quá cao nên đã cùng bạn bè lập nhóm nhạc Myosotis cùng với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh... Có thể nói, Nguyễn Thiện Tơ là thế hệ NS đầu tiên của Việt Nam sử dụng điêu luyện cả guitar gỗ lẫn guitar Hawaien. Chính vì khả năng đó nên dù tuổi đời còn rất trẻ, Nguyễn Thiện Tơ vẫn được nhiều người tìm đến học đàn. Trong số những học trò thành danh sau này có các NS Dzoãn Mẫn, Nguyễn Văn Quỳ và đặc biệt là NS tài hoa Đoàn Chuẩn…
Trở lại với đêm văn nghệ từ thiện kể trên, như một “định mệnh” gắn liền với cuộc đời của Nguyễn Thiện Tơ khi có một người con gái thỏ thẻ nhờ anh lên hộ dây đàn. Tim chàng trai 17 tuổi như ngừng đập trước vẻ đẹp thanh thoát và ánh mắt “như có sóng” của nàng. Đêm đó, nàng ôm đàn banjo hát nhạc Pháp còn chàng thì độc tấu Hạ uy cầm và Tây ban cầm… Dọ hỏi, chàng biết nàng tên là Vũ Hà Tiên, hoa khôi của một xứ đạo thành Nam. Từ đó thỉnh thoảng họ gặp nhau vài lần hoặc viết thư thăm hỏi. Nguyễn Thiện Tơ yêu thầm mà không dám nói bởi sự khác biệt tôn giáo và cả xa cách về địa lý (Hà Nội - Nam Định). Tuy vậy, mỗi lần có dịp về Nam Định thì chàng lại đưa nàng đi lễ chiều và đứng bên cửa sổ nhà thờ nghe hát thánh ca. Chính những điều tưởng như vụn vặt ấy đã đem tình yêu đến với hai tâm hồn thơ trẻ…
Nhưng rồi “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, cha mẹ nàng cương quyết không gả con cho một người ngoại đạo. Trong những ngày tháng tuyệt vọng, Nguyễn Thiện Tơ đã trút tâm sự với người bạn thân là nhà thơ Phi Tâm Yến và nhà thơ này đã viết bài thơ Giáo đường im bóng để chính chàng NS 17 tuổi dùng những nốt nhạc trải nỗi lòng qua bản nhạc đầu tay. Ở Giáo đường im bóng có một không gian u uẩn và “đôi mắt huyền” của Vũ Hà Tiên luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi: “…Thánh giá xa vời lắm với tiếng chuông chiều ngân. Hồn thánh thót mưa dầm buồn tới âm thầm. Nơi giáo đường im bóng tôi thầm mong ngóng. Đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ… Tới chốn xưa nàng vắng bóng. Tôi mơ mắt huyền nhung trông…”.
Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ |
Ngôi nhà hạnh phúc
Cô tiểu thư xứ đạo thành Nam nhận được bản nhạc và cảm được cái tình sâu nặng của chàng nên trở nên cương quyết: “Mẹ bảo lấy anh thì không cho vàng bạc, nữ trang. Em trả lời rằng con có thể sống mà không có vàng bạc nhưng không thể sống thiếu anh ấy”. Và rồi họ đã cùng nhau vượt qua những nghịch cảnh khắc nghiệt để có một đám cưới vào năm 1944 (chàng trở lại đạo). Có một chi tiết khá thú vị, theo NS Phạm Duy thì hồi ấy NS Lê Thương cũng đã yêu thầm cô gái xứ đạo thành Nam này và đã sáng tác truyện ca Nàng Hà Tiên.
Bên cạnh Giáo đường im bóng, NS Nguyễn Thiện Tơ còn có các ca khúc được người nghe yêu thích: Nhắn gió chiều, Trên đường về, Đêm trăng xưa, Chiều quê, Cung đàn xuân xưa, Tiếng trúc bên sông, Vườn hồng dưới trăng, Ngày vui đã qua...
Lúc sinh thời, ông bà Nguyễn Thiện Tơ vẫn luôn sống ở căn nhà số 22 Mai Hắc Đế, Hà Nội (căn nhà được xây dựng từ năm 1930, và Giáo đường im bóng đã ra đời trong căn nhà này). Cả hai ông bà, khi đã qua ngưỡng “cửu thập thượng thọ” (trên 90 tuổi, bà kém ông một tuổi) nhưng vẫn xưng hô “anh, em” ngọt ngào. Ông bà có tới 8 người con và cháu chắt đầy nhà (trong số này có 3 nàng dâu và 2 con trai là Nguyễn Thiện Tâm, Nguyễn Thiện Thắng được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú). Bà Vũ Hà Tiên mất ngày 4.10.2013, thọ 91 tuổi.
Như vậy, tính từ năm 1938 đến tháng 8.2022, những vì sao được cho là đã xuất hiện đầu tiên trên vòm trời âm nhạc Việt Nam như: Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Thẩm Oánh, Văn Cao… đã lần lượt ra đi. Giờ đây, một NS tiền chiến hiếm hoi còn sót lại là Nguyễn Thiện Tơ cũng vừa nhắm mắt lìa trần lúc 19 giờ 35 ngày 18.8.2022, trong vòng tay của con cháu và trong chính ngôi nhà ông đã được sinh ra, đã sáng tác ca khúc đầu tiên viết cho người mình yêu dấu - người bạn đời đã cùng ông đi trọn đường trần...
Linh cữu NS Nguyễn Thiện Tơ được quàn tại Nhà tang lễ Phùng Hưng (số 125 Phùng Hưng, Hà Nội). Lễ di quan vào ngày 21.8.2022, an táng tại nghĩa trang Bất Bạt (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) - nơi đó con cháu của ông đã xây sẵn kim tĩnh để ông được an giấc ngàn thu bên cạnh ngôi mộ của người yêu dấu: Vũ Hà Tiên.
Bình luận (0)