Nguyên Tổng giám đốc Navibank Lê Quang Trí nhận mức án 13 năm tù

Phan Thương
Phan Thương
19/03/2018 19:47 GMT+7

HĐXX tuyên buộc Navibank nộp lại hơn 24,3 tỉ đồng lãi suất ngoài để sung công quỹ Nhà nước vì đây là nguồn tiền thu lợi bất chính.

Chiều 19.3, TAND TP.HCM tuyên án đối với 10 bị cáo nguyên lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank phạm tội “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thiệt hại cho ngân hàng này 200 tỉ đồng.

Các bị cáo bị truy tố về hành vi lấy tiền của Navibank gửi tại VietinBank chi nhánh TP.HCM với lãi suất cao, vượt quá lãi suất trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt của Navibank 200 tỉ đồng.
Dựa vào tài liệu, chứng cứ và thẩm vấn công khai tại tòa, HĐXX nhận định việc các bị cáo cho rằng bị ép cung là không có căn cứ. Các bị cáo đều được tại ngoại ngay từ đầu, trước khi khởi tố vụ án, các bị cáo đều có bản tường trình, biên bản ghi lời khai với các tư cách tham gia tố tụng khác chứ chưa phải tư cách tham tố tụng là bị can. Đồng thời, những lời khai này đều phù hợp với lời khai sau khi có quyết định khởi tố bị can.
Việc các cơ quan tố tụng không đưa tài liệu bản sao kê 4 tài khoản liên quan đến 200 tỉ đồng; bản án sơ thẩm, phúc thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 1 đã dẫn đến những tranh luận khác nhau tại tòa.
Theo HĐXX, các tài liệu này căn bản không ảnh hưởng đến bản chất vụ án, vì thiệt hại 200 tỉ đồng đã được xác định trong bản án Huyền Như giai đoạn 1 có hiệu lực pháp luật.
Từ đó, HĐXX cũng đề nghị cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao cần rút kinh nghiệm trong việc thu thập tài liệu, hồ sơ cho vụ án.
Về vấn đề chủ thể tội danh của tội "cố ý làm trái...", tại tòa, các bị cáo và các luật sư - LS bào chữa đặt ra Navibank là ngân hàng tư nhân, không có vốn nhà nước nên hành vi của các bị cáo nếu có sai phạm thì cũng không phải là chủ thể của tội danh này.
Theo HĐXX, quan điểm này không có căn cứ, bởi Điều 165 BLHS 1999 không nằm trong chương các tội phạm về chức vụ mà nằm trong chương của tội phạm trật tự quản lý kinh tế, nên chủ thể của hành vi phạm tội không đòi hỏi là chủ thể đặc biệt.
Các bị cáo trong vụ án đều là người có chức vụ, quyền hạn nên đủ yếu tố thoả mãn cấu thành cơ bản của tội "cố ý làm trái; hậu quả thực tế là 200 tỉ đồng nên đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội...
Với những lập luận phân tích trên, HĐXX không chấp nhận quan điểm bào chữa "không phạm tội " của LS các bị cáo. 
Theo đó, HĐXX tuyên phạt nguyên Tổng giám đốc Lê Quang Trí 13 năm tù.
3 nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn, Cao Kim Sơn Cương cùng mức án 12 năm tù,
Nguyên Trưởng phòng Nguồn vốn Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng Kế toán Huỳnh Vĩnh Phát cùng nhận mức án 11 năm tù
Nguyên Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp Trần Thanh Bình bị tuyên phạt 10 năm tù.
Nguyên Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng Đinh Thị Đoan Trang, nguyên Trưởng phòng Quản lý rủi ro Nguyễn Ngọc Oanh, nguyên Trưởng phòng pháp chế Phạm Thị Thu Hiền cùng mức án 7 năm tù.
Về biện pháp tư pháp, đối với số tiền lãi ngoài hơn 24,3 tỉ đồng, HĐXX cũng đề nghị Navibank nộp lại để sung công quỹ nhà nước vì đây là số tiền thu lợi bất chính từ hành vi hoạch toán vào lợi nhuận của Navibank.
Kiến nghị điều tra trách nhiệm của VietinBank
Trong nội dung tuyên án, HĐXX đã kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện KSND tối cao tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, nhân viên Ngân hàng VietinBank có hay không hành vi giúp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt của Navibank 200 tỉ đồng. Nếu đủ căn cứ thì xử lý theo quy định pháp luật. 
Kiến nghị Cục thi hành án dân sự TP.HCM xác minh làm rõ số tiền thể hiện trên các tài khoản mang tên Huỳnh Linh Chi, Nguyễn Cao Thuỳ Anh, Lê Thị Thu Hương, Lương Thị Thủy Tiên tại VietinBank để kê biên, thu giữ đảm bảo thi hành án đối với vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.