Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc nhậu, thực khách sau khi đã ngà ngà men bia rượu lại hò nhau hát tập đoàn ca khúc này, và hát rất xúc cảm. Nhiều nữ ca sĩ của ta cũng đã thành công với ca khúc này, và đó cũng là một trong những ca khúc được hát nhiều nhất trong các cuộc thi âm nhạc lớn nhỏ trên khắp đất nước.
Nhưng nếu ai đã chơi với Nguyễn Trọng Tạo thì đều có một ngạc nhiên này: mỗi khi Tạo cao hứng ôm đàn ghi-ta để hát một ca khúc nào đó của mình, anh không vê các ngón tay vào dây đàn như các tay chơi ghi-ta bình thường khác, mà dùng cả bàn tay... vỗ vào mặt thùng đàn, tạo nên những nhịp “bùm bùm”. Thoạt trông rất phá cách, ai không biết cứ nghĩ nhạc sĩ Tạo chơi ghi-ta theo kiểu mô-đéc, nhưng ai đã biết anh thì không mấy ngạc nhiên. Chả là, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo không biết... chơi đàn. Anh chỉ vỗ vỗ vào thùng đàn lấy nhịp. Vậy thôi. “Cứ... bùm bụp thế mà làm nên... ca khúc”, mà toàn là những ca khúc hay, mới chết chứ!
Nếu ai hỏi vì sao nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo không biết chơi đàn mà vẫn sáng tác được những ca khúc hay, anh sẽ nói: Thì con chim có biết... chơi đàn đâu mà nó hót hay đến thế! Đúng là Nguyễn Trọng Tạo sáng tác ca khúc một cách hồn nhiên như... chim hót. Như người chỉ cần biết chữ là làm được thơ, thậm chí thơ hay. Trong sáng tạo nghệ thuật, sự học và rành các kỹ năng là cần thiết, nhưng không phải là tất cả. Một kỹ sư có thể không dám chạm tay vào bảng điều khiển điện tử nếu không học qua và nắm được nguyên tắc điều hành. Nhưng một nhà thơ hay một nhạc sĩ sáng tác ca khúc (dĩ nhiên chỉ trong lĩnh vực ca khúc thôi) thì chỉ cần biết... chữ, và biết nhạc lý ở mức sơ cấp thôi, là đã sáng tác được tác phẩm.
Nhiều lúc ngồi nhìn nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hào hứng vỗ vỗ vào thùng đàn, như vỗ cái chi chi đầy cảm giác và cảm xúc... cũng thấy buồn cười thế nào. Nhưng chả sao! Miễn là những tác phẩm được nhạc sĩ sáng tác đi vào lòng người, sống được với thời gian, thì những chuyện lẻ tẻ và “nhỏ như con thỏ” như chuyện... chơi đàn, sẽ lập tức được bỏ qua. Nhiều nhạc sĩ khác khi biết Nguyễn Trọng Tạo không biết chơi đàn, đã tỏ ý chê bai và... cười. Nhưng thực ra trong nghệ thuật, tác phẩm mới là cái sau cùng, là cái đáng giá nhất. Nguyễn Trọng Tạo đã có những ca khúc sau khi viết 30 năm vẫn được người ta hát một cách hào hứng, như “Làng quan họ quê tôi”, thì tôi nghĩ, anh cũng chẳng cần phải bỏ tiền ra học thêm vài khóa đàn ghi-ta làm gì cho nó... tốn. Cứ vỗ vỗ vào thùng đàn mà có ca khúc hay, vẫn hơn là chơi được nhiều nhạc cụ mà lại sáng tác ca khúc... dở.
Kể, lập luận như tôi cũng hơi bị... liều, nhưng một khi ta chấp nhận đời có những ngoại lệ, thì ta cũng chẳng nên lấy chuyện nhạc sĩ giỏi mà không biết chơi đàn làm điều bàn cãi!
Nhật Chung
Bình luận (0)