Đây là một trong những ý kiến tại hội thảo Thân thế và sự nghiệp của Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 1.10, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông.
Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản |
gia đình cung cấp |
Có 16 bài viết của các nhà khoa học thuộc Viện Sử học, Viên Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Nội dung các bài viết tập trung vào các vấn đề: nguồn gốc, thân thế sự nghiệp của Nguyễn Tư Giản; những kế sách mà Nguyễn Tư Giản đóng góp cho triều đình nhà Nguyễn; chuyến đi sứ của Nguyễn Tư Giản năm 1868; sự nghiệp sáng tác thơ văn của ông…
TS Ngô Vũ Hải Hằng, Viện Sử học, cho biết Nguyễn Tư Giản cùng Bùi VIện đã bàn định một chương trình đưa thanh niên Việt Nam đi xuất dương. Kế hoạch đang thực hiện thì Bùi Viện ốm nặng và mất. Trong tình thế đó, khát vọng canh tân của Nguyễn Tư Giản không đạt nhiều kết quả là điều khó tránh khỏi.
TS Nguyễn Quang Hà, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, lại đề cao những trước tác học thuật của Nguyễn Tư Giản. Theo đó, ông để lại trước tác học thuật khá đồ sộ được tập hợp trong Thạch Nông Toàn tập gồm 36 tập, nhiều chủ đề: sáng tác thơ văn, văn bản hành chính công vụ qua sớ biểu dâng vua, tác phẩm kinh tế như đắp đê trị thủy và vấn đề ngoại giao. Tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 hiện lưu trữ 240 đầu tư liệu châu bản triều Nguyễn về Nguyễn Tư Giản. Trong tương lai, những tư liệu này cần được phiên dịch và công bố.
Văn bia tiến sĩ Hoàng giáp Nguyễn Văn Phú, tức Nguyễn Tư Giản, tại Huế |
ảnh tl gia đình cung cấp |
Trong số tác phẩm của Nguyễn Tư Giản, TS Hà đánh giá Yên Thiều bút lục là công trình có giá trị nổi bật nhất, đồng thời cũng là một trong những tập sách mang tính chất “nhật ký” cung cấp nhiều giá trị sử liệu nhất.
Chưa có một tác giả, sử giả đi sứ nào lại ghi chép một cách tỉ mỉ, chịu khó quan sát hết sức tinh tế như Nguyễn Tư Giản. Trong tương lai, nếu phục dựng lại những hoạt động đón tiếp sứ giả nước ngoài thì những tư liệu này có lẽ sẽ là nguồn tham khảo hữu ích.
Bình luận (0)