Giá trị nổi bật của Hoàng thành Thăng Long sau 20 năm

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
09/09/2022 06:56 GMT+7

20 năm Hoàng thành Thăng Long được khai quật, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này càng rõ ràng.

Di sản thế giới với diễn trình lâu dài

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, đã có một báo cáo tổng quan về 20 năm nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long (HTTL) tại Hội thảo quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản HTTL Hà Nội” (ngày 8 - 9.9 tại Hà Nội). Ông Tín là người đã ở bên những hố khai quật từ ngày di sản này lần đầu phát lộ. Các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ hàng đầu đất nước đã nghiên cứu di sản này từ khi tìm thấy nó đến khi họ ra đi như GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê… Tất cả những nghiên cứu đó được ông Tín tổng kết lại.

PGS-TS Tống Trung Tín đánh giá: “Qua 20 năm nghiên cứu khảo cổ học Thăng Long, càng ngày chúng ta càng hiểu sâu sắc hơn giá trị lịch sử - văn hóa của kinh đô Thăng Long. Trong tổng thể, khu Di sản Trung tâm HTTL tiêu biểu toàn bộ di sản kinh đô Thăng Long - Hà Nội đáp ứng các tiêu chí nổi bật toàn cầu của di sản thế giới với diễn trình lâu dài, liên tục, phản ánh những đặc trưng nổi bật của nền văn hiến độc đáo có lịch sử lâu dài hàng nghìn năm của vùng đất đế đô trên cơ tầng văn hóa - văn minh bản địa…”.

Hoàng thành Thăng Long có nhiều chương trình hoạt động thu hút người dân đến với di sản

Chí Bình

Ông Tín cũng liệt kê những điều đã được giải mã sau 20 năm. Chẳng hạn, giờ đây vị trí HTTL thời Lý đã được xác định tương đối chính xác ở vào khoảng khu vực 18 Hoàng Diệu và khu vực Chính điện Kính Thiên. Trong khi trước năm 2002, nhìn chung các ý kiến về vị trí chính xác của HTTL và Cấm thành Thăng Long thời Lý chỉ là phỏng đoán. Các kiến trúc, hệ thống di vật của các thời đều được tìm thấy, xác định rõ ràng hơn năm 2002 rất nhiều. Hoặc hiện nay về cơ bản chúng ta đã xác định được cấu trúc không gian Chính điện Kính Thiên và có được những hiểu biết khá cơ bản ban đầu về kiến trúc của nó. Kết cấu cơ bản của không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê chính là Đoan Môn - Đan Trì - điện Kính Thiên. Sân Đan Trì của Thăng Long ngày nay chính là sân Đại Triều…

Nghiên cứu về HTTL cũng có sự góp sức của nhiều nhà khoa học quốc tế từ Nhật Bản, Pháp… Một trong số các nghiên cứu đó được công bố tại hội thảo lần này. Theo đó, TS Olivier Tessier (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại TP.HCM) công bố “Tổng quan về lịch sử Kinh thành Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 19 thuật lại từ nguồn tư liệu VN và phương Tây”. Với sự lên ngôi của Hoàng đế Gia Long năm 1802 và việc chuyển thủ đô của đất nước thống nhất vào Huế, Thăng Long - Hà Nội mất vị thế của một trung tâm chính trị và không còn được sở hữu hoàng thành hay cấm thành nữa. Thay vào đó, một tòa thành mới lấy cảm hứng từ nguyên tắc công sự của Vauban được xây lên. Sự can thiệp của thực dân đã đẩy nhanh quá trình giải thiêng này. Các tòa nhà dành cho các quan và các tòa nhà chức năng cho việc sinh hoạt nội thành (cửa hàng, khu trại lính...) đã được thay thế bằng các tòa nhà mang mục đích quân sự và trần tục…

Một mô hình nhà mới phát hiện tại HTTL, được giới thiệu trong trưng bày Báu vật Hoàng cung Thăng Long

Việt Phương

Tầm nhìn quản lý

TS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, đề nghị các nhà khoa học tập trung thảo luận theo hướng bổ sung, làm rõ về các cơ sở tư liệu khoa học và đề xuất các phương án phù hợp nhằm khôi phục một cách hữu hiệu khu Trung tâm HTTL - Hà Nội, bảo tồn một công viên lịch sử, nơi giáo dục truyền thống, tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học. Ông cũng đề nghị các nhà nghiên cứu đề xuất các giải pháp triển khai kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2022 - 2027, tầm nhìn 2035 và các giải pháp quản lý, phát huy giá trị di sản HTTL - Hà Nội trong giai đoạn tới.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại VN, đánh giá HTTL là khu di sản duy nhất ở VN có hội đồng tư vấn khoa học cụ thể. Cá nhân ông ngưỡng mộ sự cống hiến của các thành viên hội đồng. Ông cũng cho rằng: “Điều quan trọng là phải xem xét các tài liệu hiện có và tư vấn các giải pháp khoa học về cách thức khai quật, bảo quản và trùng tu những gì còn lại của điện Kính Thiên và Chính điện, đồng thời bảo tồn tòa nhà Cục Tác chiến”.

PGS-TS Tống Trung Tín đề xuất: “Từ giá trị to lớn của khu di sản, tại hội nghị quan trọng này, giới khảo cổ học VN trân trọng kiến nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền tiếp tục cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đẩy mạnh việc thực hiện các khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Chính phủ VN và UBND TP.Hà Nội. Kiến nghị UNESCO, ICOMOS cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đẩy mạnh việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, chỉnh trang toàn bộ khu di sản, nhất là tại khu vực trung tâm (không gian Chính điện Kính Thiên) để làm tăng thêm các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới Trung tâm HTTL”.

Tối 8.9, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long” tại HTTL. Bằng phương pháp diễn giải hiện đại, sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ trình chiếu 3D mapping, kết hợp phương pháp tĩnh và động, trưng bày giới thiệu tới công chúng các hiện vật đặc sắc, chủ yếu là các đồ dùng, vật dụng trong đời sống hoàng cung, trong đó có nhiều đồ gốm cao cấp dành cho nhà vua và hoàng hậu. Đây là nhóm hiện vật tiêu biểu, đại diện sáng giá cho các vương triều từ Lý, Trần, Lê sơ, Mạc đến Lê Trung hưng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.