Vẽ lại mặt bằng Hoàng thành Thăng Long

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
18/12/2021 07:00 GMT+7

Hội thảo Kinh đô Thăng Long - Hà Nội từ tư liệu lịch sử đến những kết quả nghiên cứu mới cho thấy mặt bằng Hoàng thành Thăng Long đang rõ dần lên. Hội thảo do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức ngày 17.12 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, TS Phạm Lê Huy (Trường ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã công bố nghiên cứu mới của mình. Nghiên cứu này dựa vào những ghi chép liên quan đến “rồng vàng”, vốn được coi là biểu tượng thiên tử. Theo đó, tác giả chỉ ra dưới thời Lý tồn tại xu hướng: khi vua mới lên ngôi sẽ tổ chức xây dựng một kiến trúc mới làm Tẩm điện. TS Huy cho rằng: “Với việc xây dựng Tẩm điện mới trong khi vẫn duy trì kiến trúc Tẩm điện cũ, đã hình thành nên quần thể kiến trúc Tẩm cung, bao gồm nhiều tòa điện khác nhau. Khu vực Tẩm cung này được ngăn cách với không gian nghi lễ của triều đình phía trước (phía nam) bằng 1 lần cửa gọi là Ngự tẩm môn”.

Mô hình nhà thời Lê được tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long

Hội Khảo cổ học Việt Nam cung cấp

TS Phạm Văn Triệu, Viện Khảo cổ học, phân tích và kết nối kết quả khai quật, đặc biệt ở 18 Hoàng Diệu, gần đây và cho rằng các di tích kiến trúc thời Lý góp phần vào nhận diện rõ hơn trục trung tâm của tổng thể cấm thành thời Lý. Theo đó, không gian trục trung tâm được kéo dài hơn về phía nam, với điểm đầu là kiến trúc tâm linh, đặc biệt của các hoàng đế đầu thời Lý. Một hệ thống di tích thời Lý đã được xuất lộ, một trục trung tâm của các kiến trúc thời Lý tại khu C đã được xác định.

Đường tới điện Kính Thiên

Tại hội thảo, “từ khóa” được nhắc tới nhiều nhất có lẽ là điện Kính Thiên. “Việc xây dựng điện Kính Thiên là điều quan trọng nhất của kinh thành Thăng Long, là sự mong đợi của toàn dân và là sự kiện phục hưng văn hóa Đại Việt lớn nhất trong những năm đầu thế kỷ 21”, TS Nguyễn Văn Sơn, Hội Sử học Hà Nội, nói. Theo ông Sơn, vị trí của chính điện Kính Thiên không hề thay đổi sau 388 năm, cho dù trải qua 4 lần đổi ngôi, và cho rằng việc này chỉ có thể giải thích: Chính điện Kính Thiên là điện trung tâm trong tổng thể Cấm thành, Hoàng thành của thành Thăng Long với vị trí tạo ra một chỉnh thể thống nhất giữa trời - đất và người, khiến cho vạn vật giao hòa, quốc thái dân an, quốc gia trường thịnh, dân tộc vĩnh cửu.

Cũng theo ông Sơn, từ kết quả khai quật khảo cổ học, khu vực trung tâm đã cho biết phần nào quy mô khu chính tâm của chính điện Kính Thiên. Nhiều di vật cho thấy cấu trúc mái lợp, trang trí mái của điện này. “Đây là những tư liệu rất quý, sẽ là cơ sở cho việc phục dựng điện Kính Thiên trong tương lai”, ông Sơn nói.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, phân tích mô hình nhà mới tìm thấy năm 2021 tại Hoàng thành. Ông cho rằng mô hình này kết hợp tư liệu di vật gỗ, gạch ngói và móng nền kiến trúc có thể giúp khôi phục đôi nét một kiểu thức kiến trúc Lê sơ. “Qua đó sẽ góp phần phục vụ đắc lực cho việc nghiên cứu chính điện Kính Thiên”, PGS-TS Tín nói.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, lại gợi ý việc số hóa các “mảnh vụn di sản rời rạc vào một hệ thống tái lập và phỏng dựng”. Ông Dương gọi đây là đối thoại giữa các giả thuyết để đến với công chúng. Bản thân ông Dương cũng đã tham dự dựng chùa Diên Hựu. Bản dựng này giúp người xem có thể ngược dòng thời gian 800 năm để bước đi trong không gian chùa tháp hoàng gia thời Lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.