Nguyễn Văn Dị - Cây hài, cây guitar lạ: Kỳ 2

22/06/2009 15:40 GMT+7

Nguyễn Văn Dị mê guitar từ bé. Anh vẫn nhớ như in lần đầu tiên được nghe trên đài TNVN tiếng đàn guitar của nhạc sĩ Hải Thoại, với "bài ca hy vọng" của Văn Ký do ông biên soạn.

Nó làm anh thèm khát, mê mẩn, nhưng xa vời quá. Chẳng thể nào với tới, đành học đàn bầu.

Hồi học cấp 3, anh dự hội diễn nghệ thuật ở huyện với cây đàn bầu đấy chứ. Rồi học kịch, nhưng vẫn khoái guitar.

Vào bộ đội, ở những đơn vị bộ binh nên chế độ giờ giấc cũng không thể theo ý thích như ở nhà. Đến nỗi để được tự do luyện đàn, Dị phải nhiều phen xung phong đi canh lợn để được tập đàn sau giờ ngủ quy định.

...Bây giờ là người tự do, nghỉ không lương, chờ chế độ hưu; nhưng ngày nào cũng phải tập ba tiếng vào sáng, chiều, tối. Ôn bài cũ, tập bài mới, trước hết là dạy con.

Thằng bé 14 tuổi nặng gần 80 kg, cao 1,7m mà ngày ngày vẫn phải đưa đi đón về từ trường trung học cơ sở. Được bố dạy cẩn thận từ bé, lại rất tự tin sẽ đuổi kịp và vượt bố nên nó tiến bộ rất nhanh.

Hôm rồi VTV3 mời đến ghi hình cả hai cha con cho chương trình người của công chúng. Anh dự kiến năm nay sẽ làm một chương trình riêng cho bố con ở Nhà hát Lớn để mọi người biết thêm một nhà guitar, sắc sảo nhưng vẫn gọt được chuôi.

Hỏi sao không ghi đĩa, anh bảo chơi là chính, vui bạn bè là chính. Có thể cũng sẽ phải làm nhưng cứ từ từ đã. Một người bạn mời anh mang đàn đến chơi. Anh không bao giờ ôm đàn đi chơi kiểu ấy. Muốn nghe thì sắm đàn để đấy, Dị sẽ ký vào đàn, lúc nào đến sẽ chơi.

Nhà doanh nghiệp liền bỏ ra 1.200 USD mua đàn mời Dị đến. Anh chơi cho cả đám bạn lịm đi trong một thế giới âm thanh huyền ảo. Đôi bàn tay với những ngón thon dài múa trên mặt đàn làm sống lại cả không gian Tây Nguyên với ngọn lửa bập bùng, tiếng cồng chiêng, những cô gái đeo vòng nắm tay nhau thành vòng tròn nhún nhẩy, những chàng trai ngực trần, đóng khố, ngọn lao lăm lăm, tiếng chân voi thình thịch, tiếng rừng âm u, tiếng thác réo. Tất cả hiện lên trong bản độc tấu Giai điệu Tây Nguyên do anh sáng tác.

Dù biểu diễn trong nước, ở Nga hay Hungary, Thailand hay Singapore, trong các festival guitar châu u tổ chức ở Tiệp Khắc các năm 1988, 1990 và festiaval quốc tế ở Hungary mà Dị tham gia và đều đoạt giải thưởng quốc tế, sau những tác phẩm cổ điển châu u, một vài nhạc phẩm Việt Nam, anh vẫn kết thúc bằng Giai điệu Tây Nguyên của mình.

Ở đâu, bao giờ, đấy cũng là tiết mục được hoan nghênh nhiều nhất. Sự điêu luyện, tinh tế, sự tài hoa của tất cả các ngón đàn kỳ tài của Nguyễn Văn Dị dường như đều thể hiện trong nhạc phẩm ấy.

Chơi đàn không chỉ bằng tay

Để có tiếng đàn ấy, Dị chơi đàn không chỉ bằng tay mà còn bằng đầu. Đấy là cái đầu của một người cẩn thận, tỉ mẩn, đã định làm gì là làm bằng được. Đã thích gì là say sưa, mê mải.

Dị chép nhạc bằng mực tầu, đẹp tuyệt trần. Đột nhiên anh lấy một tờ giấy, viết cái gì đấy theo hàng dọc. Tôi xem, chẳng thể nào đọc nổi chữ gì, chữ Tầu không phải, chữ ta cũng không. Thấy tôi ngơ ngác, anh bảo, lật ngược lại, soi lên đèn. Tôi kêu lên. Hoá ra anh viết ngược.

Chỉ tại một lần, vô tình để một mảnh giấy thấm ra áo thành chữ ngược, nên tập viết chơi thôi. Như nhiều người, Dị cũng sưu tầm tem, sưu tầm tiền. Nhưng sưu tầm các bài viết về thuốc hay, các câu danh ngôn, những chuyện lạ thế giới được cắt dán, đóng thành tập thì chỉ mình anh làm.

Anh tặng tôi (và cũng tặng một số bạn thân khác) hai tập, một tập toàn chuyện về đàn ông, tập kia toàn chuyện đàn bà: Đàn bà là ai, họ có những đặc điểm sinh lí gì, tâm lí gì, thích gì, hay thế nào, dở thế nào... Đọc nhiều làm tâm hồn anh phong phú. Đọc được cái gì hay lại photo cho bạn bè. Chả bao giờ đố kỵ ghen ghét ai nên lúc nào cũng cười vui.

Ngồi với bạn bè thi vui xem ai đọc được 10 bài thơ. Anh làm được hơn thế. Xem ai hát nhiều bài nhất. Khó ai địch nổi. Cãi nhau về một sự tích trong Tam Quốc, Thủy Hử hay Tây Du kí, anh mà phân xử, mọi người chịu cứng. Bởi anh còn đọc làu làu cả mấy câu văn mở đầu và kết thúc hồi ấy cho thiên hạ lác mắt.

Anh không chỉ dạy kĩ thuật, nghệ thuật những ngón đàn cho học trò. Anh còn dạy cả kiến thức xã hội, cung cấp nó vốn sống, cách sống. Có thế mới vững vàng sống. Có vững vàng sống mới toàn tâm toàn ý khi chơi đàn, mới đủ bản lĩnh để không run khi lên sân khấu.

Có lần một học trò trả bài trong tâm trạng bất ổn. Anh nhận ra tiếng đàn có cái gì đó hơi rời rạc, hơi đứt đoạn, hơi chắp vá, thiếu hồn sống. Phải tinh lắm mới thấy được. Gạn hỏi mãi mới biết anh chàng này vì chuyện khó khăn gia đình nên muốn chết cho rồi.

Dị sẵng giọng, đại ý nhìn xung quanh xem, đây là kiếp chó, kia là kiếp mèo, kia nữa là kiếp gián, kiếp muỗi, kiếp ruồi, tao đập cái chết ngay đứ đừ. Sống kiếp người là vinh dự rồi. Trong kiếp người, lại có bao kiếp khác nhau, bao nhiêu người chui ra đã đui, què, mẻ, sứt, còn mình thì lành lặn, đẹp trai nữa.

Lại có trí khôn, không phải loại thiểu năng trí tuệ, có đôi tay dẻo, đôi tai nhạc cảm tốt, ôm đàn, con gái theo hàng đàn. Còn trở ngại khó khăn ấy à? Cách tốt nhất để khắc phục khó khăn là khắc phục khó khăn.

Ngôi nhà năm tầng của Dị phía sau nhạc viện Hà Nội là một không gian âm nhạc ấm cúng, sang trọng. Gia tài lớn, quý nhất của anh là hơn 2.000 chiếc đĩa (than) nhạc cổ điển mang từ Tiệp Khắc về. Bảy năm học, Dị kỳ công sưu tầm đến mức, ví dụ nhạc Bettoven có hai bộ đĩa của 2 dàn nhạc giao hưởng Tiệp và Hung chơi.

Anh có đủ các bộ đĩa của các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới. Tôi thử đòi được nghe giọng của thần đồng hát Robertino, lập tức tiếng hát trong như pha lê bài Mặt trời của tôi vang lên. Anh không nghe đĩa CD, DVD, toàn nghe đĩa than.

Dị có bốn máy quay đĩa than. Cái khá nhất hơn ngàn đô. Đã ăn thua gì, máy của Nguyễn Phương Đông bạn anh, một chủ doanh nghiệp thép những 20 ngàn đô (hàng cũ đặt mua ở Anh, nếu mới phải 50 ngàn). Máy của Đoàn Phan Tân (Tân đen), nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH Văn hoá Hà Nội những 35 ngàn đô kia. Thế giới người ta quay lại với đĩa than rồi.

Gian bếp nhà anh: một con cá quả gần hai cân nằm trong chậu nước mấy ngày nay. Đợi sau ngày thứ năm mới làm thịt, để nó thải ra hết thức ăn trong ruột, dạ dày, cho gầy bớt đi do bị bỏ đói, thế thịt nó mới chắc, săn, dai, bộ lòng mới ngon.

Hóa ra Dị còn rất sành ăn và nấu ăn là một thú vui nữa của anh. Hai quán bia anh góp cổ phần có hai sản phẩm có tên: cá trê om Văn Dị và miến Văn Dị. Hỏi ai đi chợ, Dị bảo, em đi, em nấu. Nhìn quanh nhà, không thấy dấu vết phụ nữ.

Hơn mười năm rồi bố con vẫn chăm nhau – Nguyễn Đức Bình, bây giờ là tài sản vô giá của anh. Hỏi vì sao, Dị bảo, sai lầm của mình còn có thể sửa được, sai lầm của người khác thì chịu. Tuy có hơi ngậm ngùi nhưng Dị vẫn cười rất tươi khi nói với tôi chuyện khó nói ấy.

Mười năm nay anh vẫn làm chủ nhiệm câu lạc bộ guitar cổ điển do mình sáng lập, vẫn biểu diễn tháng một lần ở sân khấu 16 Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm (Cục Văn hóa Thông tin Cơ sở). Cuối năm ngoái, địa điểm ấy bị đòi lại để làm việc khác. Dị chưa biết xoay xở tiếp thế nào. 

Theo Nguyễn Bắc Sơn / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.