Thích nhất hai bài Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao và Dư âm của Nguyễn Văn Tý, mình bắt mấy cô hát đi hát lại hoài. Anh Nhượng (Nguyễn Khắc Nhượng, nguyên TTK tòa soạn Báo Thanh Niên) ngồi cạnh mình, ghé tai mình nói cụ Tý bây giờ sống khổ lắm, nghe biết vậy chứ cũng chẳng hỏi gì thêm.
Mình không quen Nguyễn Văn Tý, duy nhất một lần thấy cụ ở Đồng Hới, hình như năm 1970 thì phải. Lúc đó cụ hơn 45 tuổi rồi mà vẫn rất phong độ, đẹp trai cực, miệng rộng môi tươi, cười có lúm đồng tiền sâu hoắm. Hồi này cụ đã nổi tiếng lắm rồi, dân Quảng Bình quên ai thì quên chứ Hoàng Vân và Nguyễn Văn Tý thì không bao giờ quên.
Khi cụ từ hội trường tỉnh ủy đi ra, bao nhiêu cô nhìn cụ với những cái nhìn ngưỡng mộ thèm khát bốc cháy như muốn ăn tươi nuốt sống cụ, bảo đảm chỉ cần cụ vẫy khẽ cái là có cả chục cô chạy theo liền. Cụ nổi tiếng đào hoa, nhạc sĩ chuyên trị phụ nữ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, những bài hát về phụ nữ của cụ đều hay, tất nhiên vô thiên lủng phụ nữ say mê cụ, khỏi phải nói.
Bài Dư âm là kết quả của cuộc tán gái bất thành của Nguyễn Văn Tý, hi hi. Năm 1950 khi cụ là đoàn trưởng đoàn văn công sư đoàn 304, cụ đến tán cô chị 21 tuổi nhưng cô em 16 tuổi lại mê luôn cụ. Cụ cũng chết mê chết mệt cô em, thả luôn cô chị. Gia đình tức lắm, cấm cung cô em, cấm cửa không cho cụ được đến nhà. Cái gì bí tất sẽ phát, bài Dư âm đã ra đời trong một đêm điên cuồng vì yêu của cụ. Chuyện này mình nghe qua radio trong taxi cách đây mấy năm rồi.
Sinh nhật mình, Đỗ Trung Quân mang đến cho chai rượu, anh ngồi thừ, nói cụ Tý vừa gọi điện cho tôi, buồn quá. Mình hỏi sao, Quân nói từ ngày bị tai biến liệt nửa người, cụ sống một mình khổ nghèo buồn tủi, tội lắm. Cụ gọi điện cho tôi, nói Quân ơi mai ba mươi tháng tư có chương trình văn nghệ nào vui cho mình đi xem với. Cụ có cả một Hội nhạc sĩ, một tấn bạn bè nhạc sĩ ca sĩ lại đi hỏi mình, nghĩ cái sự đời mà chán.
Té ra Nguyễn Văn Tý ở rất gần chỗ mình, đi bộ chừng chục phút là đến nhà cụ. Mình gõ cửa, từ chỗ cụ nằm ra cửa không đầy bốn mét mà cụ phải đi chừng năm phút, đúng hơn cụ lết chứ không phải đi, toàn thân run lẩy bẩy, lúc nào cũng có cảm tưởng cụ sắp đổ xuống sàn. Duy nhất gương mặt đẹp lão vẫn còn tươi tỉnh, còn tất cả đều tàn tạ, cả thân xác lẫn căn hộ ám khói nơi cụ sống.
Cụ chẳng biết mình là ai, có lẽ cụ chẳng đọc một chữ nào của mình, nhắc tên Nguyễn Quang Lập hai ba lần cụ chỉ nhăn răng cười trừ, nhưng mà cụ vui, vui lắm. Cụ lập cà lập cập đòi pha trà uống nước, mình ngăn mãi không được. Cụ nhìn quanh quất chép miệng, nói có lon bia mình uống mất rồi, không có mời Lập. Chỉ chừng ấy thôi mình biết cụ thèm khách đến nhường nào.
Mình hỏi bạn bè có hay đến thăm anh không (giới văn nghệ ai lớn tuổi hơn mình đều gọi bằng anh, không chú bác gì hết), cụ cười nhẹ khẽ lắc đầu, nói chỉ còn một thằng thôi, thằng này tháng nào nó cũng đến thăm, cho hai trăm ngàn, tháng nào nó bận không đến thì tháng sau nó cho bù bốn trăm.
Mình ngước lên bức tường thấy bức ảnh cụ chụp chung với nhạc sĩ đại ca được phóng to treo rất trang trọng. Mình biết nhạc sĩ đại ca là bạn chí thiết của cụ từ hồi chống Pháp, hơn nửa thế kỷ chia ly nay cả hai đã gặp nhau, sống cùng thành phố. Trong khi cụ đã tàn tạ, đếm ngày xuống lỗ thì nhạc sĩ đại ca vẫn rất hoành tráng, tiền nhiều như quân Nguyên.
Mình chỉ tấm ảnh cười cười, nói Đại ca không đến thăm anh à? Cụ cười hiền lành, nói thằng đó thì tính làm gì. Thời kháng Pháp nó ốm nặng, nằm ở nhà mình cả tháng. Mẹ mình có đàn gà 12 con, lần lượt thịt từng con một nấu cháo cho nó ăn, ăn đến con thứ 12 nó ngước lên hỏi mẹ mình một câu lạnh tanh, nói đây là con cuối cùng à. Thế thôi.
Tưởng đến chết nó cũng không thể quên chuyện đó, chẳng ngờ anh em gặp nhau, nhắc đến chuyện cũ nó không hề nhớ gì, ngơ ngác hỏi gà nào nhỉ gà nào nhỉ? Đỗ Trung Quân ngồi cạnh, nói chú có biết Đại ca viết hồi ký nhắc đến chú thế nào không? Cụ lắc đầu nói không, Quân nói Đại ca viết nguyên xi thế này nhé: “Tôi nhớ ngày đó trong văn công có một anh cán bộ tên là Tý, có làm nhạc...”. Chú lừng danh với bài Dư âm trước cả khi gặp Đại ca, đúng không. Bạn bè thân thiết mà nói vậy là không có được.
Cụ cười khì khì, nói nó còn nhắc tên Tý là may lắm rồi. Rồi cụ ngước nhìn ra cửa sổ khẽ thở dài, nói bạn bè mỗi đứa một nết, trách nhau thì trách cả ngày. Mình nhìn cụ thấy thương thương, chợt nhớ chuyện Quân kể năm ngoái chương trình âm nhạc của Đại ca được làm rất hoành tráng, vé bán hai triệu đồng một cặp, không được Đại ca cho vào danh sách khách mời nhưng cụ vẫn đến. Có người nói người ta đã không mời, anh đến làm gì. Cụ nói chương trình âm nhạc của bạn tôi tại sao tôi không đến.
Cụ đứng rúm ró ở cửa nhà hát không biết làm sao có được cái vé, may gặp Đỗ Trung Quân, anh kéo cụ vào, nói em cũng không có vé nhưng em xin vào được. Quân xin bảo vệ cho vào, bố trí cụ ngồi một ghế trống, nói chú cứ ngồi đây, nếu có ai đến đòi ghế chú cứ giơ tay lên là cháu vọt tới liền. Cụ ngồi thắc thỏm không yên, hễ có ai tới gần là cụ nhỏm dậy lúng ta lúng túng. Trong khi Đại ca bận rộn bắt tay bắt chân quan khách thì cụ ngồi lo bị đuổi ra khỏi ghế.
Một cặp vợ chồng trẻ đến, nói chú ngồi lộn ghế tụi cháu rồi. Mặt cụ tái nhợt, nói vâng vâng rồi ngồi đực mặt không biết làm gì. Đỗ Trung Quân vọt đến, nói đây là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, cụ không có vé. Cặp vợ chồng trẻ mắt trố miệng há, nói vậy mời chú ngồi, vợ chồng cháu ra sau đứng cũng được, nước mắt cụ giàn giụa, nói may quá may quá…
Quân nhắc lại chuyện này, nói đó, chú thấy chưa, đời vẫn yêu chú lắm. Cụ mỉm cười lặng lẽ, cất giọng run run hát bài Ru người trăm năm, lời thơ của Trần Mạnh Hảo - Ngủ đi người của anh ơi. Xin nhờ làn gió về nơi em nằm. Anh ngồi thức với xa xăm. Ðến em phải vượt hàng trăm tinh cầu... Cách xa như đất với trời. Ðêm đêm anh lặng ru người trăm năm.
Đang hát cụ chợt dừng lại ngồi yên, nước mắt rân rấn. Mình nói sao thế anh, cụ lặng lẽ nhìn mình, nói tự nhiên nhớ bạn, bạn bè mình nhiều lắm.
Nguyễn Quang Lập
Bình luận (0)