Tuy nhiên, nhiều trường công lập hẳn hoi, nhất là những trường trực thuộc tỉnh, đã dở khóc dở mếu khi phải hạ điểm "sát đất" rồi mà "nhân tài" thì vẫn mịt mờ như nhìn chốn bể khơi!
Vì vậy, tình trạng âm thầm "xé rào" và vận dụng tối đa các quy định của Bộ GD-ĐT để tuyển cho đủ thí sinh cũng đã và đang xuất hiện khiến bộ chủ quản đã phải nắn gân các trường. Tâm lý phải vào đại học bằng mọi giá đã khiến không ít phụ huynh quyết ăn thua đủ, còn với các trường đại học, việc khép-mở các cánh cổng sẽ phụ thuộc vào độ "co giãn" của các quy định luôn được cập nhật từ Bộ GD-ĐT.
Vài hôm nữa, nguyện vọng 2 sẽ khép lại, kể cả nguyện vọng 3 rồi cũng không còn cơ hội dành cho những thí sinh "lỡ vận" nữa. Ấy là lúc “nguyện vọng 4” bắt đầu lên tiếng. Đó là các trường dạy nghề, từ hệ trung cấp đến hệ cao đẳng, sẽ mở toang cửa để đón những thí sinh nào không còn ôm mộng đại học mà bắt đầu làm quen với khái niệm "thợ" trong một tương lai gần. Tâm lý "sính" đại học, không biết từ bao giờ đã nhiễm vào máu của nhiều người, trở thành cố tật rất khó chữa. Đến nỗi, có thời điểm, nhiều nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài tại các khu công nghiệp thông báo tuyển "thợ" với mức lương khá hấp dẫn nhưng không tìm đâu ra người, trong khi số "thầy" (sinh viên tốt nghiệp đại học) thì đùn lên như tổ mối sau mưa mà không có cách chi các nhà máy ấy tuyển dụng cho hết!
Thống kê cho thấy, kỳ thi đại học vừa rồi, cả nước có 1,5 triệu thí sinh dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó có khoảng trên 500 ngàn học sinh không có cơ hội để đạt được các nguyện vọng - trừ "nguyện vọng 4" như đã nói trên. Tổng cục Dạy nghề thông báo, năm 2011 này sẽ có 1,8 triệu suất được tuyển dụng để đào tạo thành "thợ", trong đó có 460.000 suất thuộc hệ trung cấp và cao đẳng nghề. Như vậy, cơ hội để những thí sinh "lỡ vận" đại học vẫn có thể tránh một suất cày ruộng trong tương lai, dù cày ruộng bây giờ, nếu biết cách thì cũng chả thua gì cái anh tốt nghiệp đại học ở dạng làng nhàng!
Nguyện vọng còn lại của các bậc phụ huynh và cả những em học sinh bây giờ không phải là 2 hoặc 3 hay 4 nữa mà là, những trường đại học hoặc những trung tâm dạy nghề phải làm đúng chức phận của mình: Đào tạo thầy thì cho ra thầy, huấn luyện thợ thì cũng cho ra thợ. Là bởi, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành mà vẫn lúng túng với ngành mình từng "chuyên học"; trong khi nhiều người thợ chịu khó học tập và rèn luyện đã trở thành những công nhân giỏi nghề, mang lại hiệu quả cao trong từng công việc mà mình đảm trách. "Nguyện vọng 4" mà như thế, ai dám coi thường nào?
Trà Sơn
Bình luận (0)