Ý kiến của Tổng bí thư là chỉ đạo của Đảng, đồng thời cũng là nguyện vọng của nhân dân.
Sử sách ghi lại rằng khi chuẩn thuận ban hành bộ luật Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông đã nhắc nhở quần thần cùng dân chúng: “Pháp luật là phép tắc chung của nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo cho nghiêm chỉnh”.
Vị vua anh minh đã chỉ rõ trước pháp luật tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, không phân biệt trên dưới, sang hèn; và phải thực hiện nghiêm để đảm bảo sự thượng tôn pháp luật.
Phải nói rằng đã có quá nhiều vụ xử án nhưng án phạt do tòa tuyên đã không thể hiện được công lý, trừng phạt kẻ có tội, gây sự mất niềm tin vào pháp luật. Điều đó thể hiện rõ ở những án treo, án nhẹ dành cho cán bộ, quan chức. Tòa có cái lý của tòa, bởi án cũng nhằm giáo dục, cải tạo. Mới nghe qua có vẻ có lý, mà lại nhân tình, rằng mở đường cho người sai phạm có cơ hội sửa chữa.
Xét lý thuyết thì đúng như thế, nhưng dưới góc độ thực thi pháp luật, chính sự không nghiêm minh ấy đã tạo căn bệnh khó chữa: nhờn luật, xem thường pháp luật. Thực tế cho thấy, chả thiếu gì kẻ đã cười khẩy trước các “án phạt” từ nhà thực thi pháp luật để rồi sai phạm ngày càng nặng, càng tăng, càng nghiêm trọng. Nếu nghiêm túc ngay từ đầu, pháp luật vừa được tôn trọng, mà xã hội cũng không phải đau đầu với những vụ “lằng nhằng” phức tạp về sau.
Trong tất cả mọi lĩnh vực của xã hội đều có những bộ luật cụ thể để điều chỉnh hành vi con người. Tuy nhiên ta vẫn thấy chả hiếm vụ việc luật một đằng, thực tế một nẻo. Trong xây dựng thì nhan nhản vụ “chấp nhận phạt (nhẹ) để tồn tại”, xử lý không nghiêm dẫn đến phải tiến hành cưỡng chế phá bỏ nhà xây không phép, sai phạm rất lãng phí. Cán bộ mắc sai phạm có hệ thống nhưng tổ chức xử lý dây dưa thiếu kiên quyết đến nỗi “một trưởng phòng giáo dục huyện ở tỉnh Bình Phước bị cảnh cáo đến lần thứ 4 mà vẫn tại vị”…
Đã luật là phải nghiêm. Và phải chính xác. Nhất là với tội tham nhũng. Đừng để với người này người khác, hình phạt chỉ là gió thoảng qua, chả răn đe được gì.
Nguyễn Thông
Bình luận (0)