Nhà 107 Trần Hưng Đạo từng gắn với một tổ chức nổi tiếng

25/09/2015 15:48 GMT+7

(TNO) Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ngôi nhà bị sập 107 Trần Hưng Đạo từng là trụ sở của hội Tam Điểm, một trong những tổ chức có thế lực thời Pháp thuộc.

(TNO) Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ngôi nhà bị sập 107 Trần Hưng Đạo từng là trụ sở của hội Tam Điểm, một trong những tổ chức có thế lực thời Pháp thuộc.

107-tran-hung-daoẢnh chụp từ FB bà Trần Thu Dung - Tư liệu ảnh về ngôi nhà vừa bị sập
“Ngôi nhà 107 Trần Hưng Đạo là trụ sở của hội Tam Điểm, một tổ chức có thế lực hồi Pháp thuộc. Trong số những người tham gia hội còn có cả Toàn quyền Đông Dương”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết. Theo ông Quốc, hội này ra đời cùng thời với Cách mạng Pháp. Nó mang ý nghĩa tập hợp những người chống lại chế độ quân chủ.
Một tiến sĩ hiện đang sinh sống tại Pháp, bà Trần Thu Dung có nhiều thông tin về ngôi nhà này. Liên hệ qua facebook, bà Dung đồng ý chia sẻ với độc giả Thanh Niên Online những thông tin của mình.
Theo đó, hè năm 2014 bà Dung đã nhận được xác nhận đây là tòa nhà chi nhánh hội Tam Điểm ở Hà Nội. Người xác nhận chính là ông Nguyễn Lân Bình, cháu nội nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. “Anh Bình biết ngôi nhà này rất rõ vì ông cụ thân sinh ra anh đã chỉ cho anh nơi làm tang lễ cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ngôi nhà nằm ở số 107 đường Trần Hưng Đạo, ngay gần ga Hà Nội”, bà Dung chia sẻ.
Bà Dung cũng cho biết, tang lễ của ông Nguyễn Văn Vĩnh, một thành viên của Hội Tam Điểm - được tổ chức ở trụ sở của Hội, tức là ngôi nhà số 107 đường Trần Hưng Đạo vừa sập. Thời đó, những người của hội Tam Điểm không muốn người bản xứ tham gia vì phân biệt chủng tộc. Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh là người bản xứ đầu tiên được kết nạp một cách đặc biệt vì tài năng xuất chúng.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, ngôi nhà có kiến trúc rất đẹp. Sau đó nó bị chia năm xẻ bảy, sai chức năng. “Rất đáng tiếc. Một ngôi nhà gắn với một tổ chức rất nổi tiếng ngày xưa ở Hà Nội”, ông Quốc tiếc nuối.
“Bây giờ ngồi quy trách nhiệm là rất khó”, ông Quốc nói, và cho rằng, “lâu nay chúng ta rất coi thường việc quản lý di sản. Chúng ta sử dụng rất vô trách nhiệm, trao cho một cơ quan là xong. Trong khi đó người Pháp rất có trách nhiệm bằng lưu trữ. Nhất là những công trình lớn, họ có thông báo khi công trình hết niên hạn. Phải có sự đầu tư hoặc phá bỏ tôn tạo”.
Cũng theo ông Quốc, có thể lấy ví dụ về sự nghiêm túc trong quản lý, bảo tồn nhà Pháp là trường Albert Sarault ở Nguyễn Cảnh Chân. Toàn bộ khu đó là một trường trung học nổi tiếng của Pháp. Trường có quy mô lớn, có cả sân vận động. Bể bơi Ba Đình ngày xưa là của trường này.
“Mới đây nó đã được sửa lại và giữ nguyên kiến trúc mà vẫn tạo thêm cái cần thiết để hoạt động. Đấy là một ví dụ tốt trong việc bảo vệ công sở cũ mà người Pháp để lại. Vừa giữ được cảnh quan phong cách, vừa phát huy được công năng của nó an toàn”, ông Quốc đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.