Nhà bác học vĩ đại Einstein vướng bẫy tình của nữ điệp viên Nga

Phạm Bá Thủy
Phạm Bá Thủy
30/01/2021 20:32 GMT+7

Tình yêu của Margarita dành cho Einstein là chân thành, trong sáng, nhưng đối với cơ quan tình báo Liên Xô lúc đó, đây quả là một cơ hội ngàn vàng.

Năm 1923, nhà điêu khắc nổi tiếng người Nga Sergei Konenkov cùng vợ là Margarita Konenkova đã đến Hoa Kỳ để tham dự triển lãm nghệ thuật Nga – Xô viết ở New York. Những tưởng họ sẽ chỉ ở lại Mỹ trong vài tháng, nhưng chuyến đi này đã kéo dài trong 22 năm. Thực chất, đây là một chuyến công tác mật của nữ điệp viên người Nga có mật danh Lukas.

Nhà điêu khắc nổi tiếng người Nga Sergei Konenkov cùng vợ là Margarita Konenkova

Ảnh tư liệu

Vợ chồng Konenkov đã nhanh chóng bén rễ cuộc sống New York. Margarita nói tiếng Anh lưu loát, rất hòa đồng, dễ dàng tìm được các đơn đặt hàng cho chồng và thường sắp xếp ổn thỏa những cuộc triển lãm cho ông. Nhà điêu khắc rất thích làm việc khi vợ ông ngồi trong xưởng và nói chuyện với nguyên mẫu vì nhờ vậy mà các tác phẩm điêu khắc của ông dường như sống động hơn, cảm xúc được thể hiện rõ trên khuôn mặt.

Gặp Einstein

Thoáng chốc đã hơn 10 năm trôi qua. Với mối quan hệ rộng của mình, Lukas, tức Margarita, khai thác được rất nhiều thông tin tình báo quan trọng để cung cấp cho phía Liên Xô. Thế rồi lần nọ, vào năm 1935, nhà điêu khắc nhận được một đơn đặt hàng đặc biệt từ Đại học Princeton nồi tiếng của Mỹ: bức tượng chân dung nhà vật lý lỗi lạc Albert Einstein, giáo sư ưu tú của trường. Khi Margarita bước vào xưởng trong thời gian chồng nàng đang làm việc cùng với nguyên mẫu, lần đầu tiên trong đời, Einstein cảm thấy xấu hổ vì mái tóc bù xù, quần áo nhăn nhúm và thậm chí là đi giày nhưng không mang tất.
“Margarita là thế đó: Tôi muốn ngồi bên cạnh nàng, nắm tay nàng, nhìn vào đôi mắt màu xanh lá cây của nàng và chuyện trò với nàng suốt cả cuộc đời. Người chồng tin tưởng Margarita một trăm phần trăm: đôi mắt như vậy không thể nói dối…”. Einstein dường như hoàn toàn “say nắng” trước người đẹp Nga: ông ngồi lặng lẽ hàng giờ bên cạnh nàng hoặc dành hàng giờ để nói cho nàng nghe về thuyết tương đối của mình.

Margarita Konenkova trong một ảnh chân dung

Ảnh tư liệu

Margarita đã nói về Einstein như sau:
“Anh ấy là một người khiêm tốn đáng ngạc nhiên, không thích bất kỳ cuộc tụ họp hội hè đàn đúm. Albert nói đùa rằng anh nổi tiếng chỉ nhờ mái tóc bù xù như bờm sư tử của mình. Trong khi Sergei Timofeevich Konenkov làm việc trên bức chân dung, Einstein luôn rất sôi nổi, nhiệt tình nói về lý thuyết tương đối của mình. Tôi lắng nghe rất kỹ, nhưng không thể hiểu nhiều. Dù sao thì việc tôi chăm chú lắng nghe cũng là một sự khích lệ, khiến anh ấy càng say sưa kể chuyện”.

Tổ ấm tình yêu

Họ nhanh chóng trở nên thân thiết, và rồi tình yêu nảy nở. Cần biết, tình yêu của Margarita dành cho Einstein là chân thành, trong sáng, nhưng đối với cơ quan tình báo Liên Xô lúc đó, đây quả là một cơ hội ngàn vàng. Cấp trên không ngăn cấm, thậm chí còn khuyến khích chuyện tình này, nhưng đồng thời cũng giao cho Margarita một nhiệm vụ vô cùng quan trọng: khai thác thông tin về chương trình nghiên cứu nguyên tử Manhattan mà Einstein đóng một vai trò quan trọng.

Thiên tài vật lý Albert Einstein đứng bên Margarita Konenkova

Ảnh tư liệu

Mối tình với Margarita khiến Einstein, ở tuổi 56, lại cảm thấy trẻ trung, sung mãn như thời thanh xuân. Hai người lén lút qua lại với nhau.
Khi thời gian hoàn thành bức tượng sắp đến gần, Albert Einstein lo sợ không được ở bên người tình nữa, hai người lên kế hoạch nói dối là cô bị bệnh phải ở lại Mỹ chữa trị một thời gian không thể về Liên Xô ngay được.
Thậm chí để có điều kiện gần gũi tình nhân, Einstein còn viết một bức thư cho Konenkov rằng, theo ý kiến của một bác sĩ bạn của ông, Margarita nên thường xuyên tới vùng hồ Saranak nghỉ dưỡng vì ở đó có khí hậu thích hợp với những người mắc căn bệnh nan y như bà. 
Ít ai biết rằng tại khu vực đó, Einstein sở hữu một chiếc du thuyền nổi tiếng và ông cũng đã thuê tại đó một ngôi nhà xinh xắn ven hồ.
Einstein đã nhờ các bác sỹ đầu ngành của Mỹ lúc đó bí mật giúp đỡ lập bệnh án, Margarita không khó khăn gì trong việc làm cho chồng tin rằng cô bị bệnh phải điều trị lâu dài, vì bệnh án của cô có con dấu chính thức của các bệnh viện lớn.
Và rồi người chồng của Margarita đã trở về Liên Xô một mình vì công việc gấp, để lại người vợ xinh đẹp 39 tuổi ở lại nước Mỹ để “trị bệnh”.
Kể từ đây, hai người kết thúc những ngày tháng hẹn hò lén lút với nhau. Họ công khai mối quan hệ của mình, tình cảm bị dồn nén bấy lâu nay mới có cơ hội bùng cháy mạnh mẽ.
Không những thế, Albert Einstein còn thiết kế một “chiếc tổ” yêu đương ngay tại nơi làm việc của mình để dành cho những lần hẹn hò bất chợt.

Margarita Konenkova trong một lần đến thăm nhà cha mẹ Albert Einstein

Ảnh tư liệu

Những lá thư của ông gửi Margarita giống như những bài thơ, và đôi khi chúng thật sự là những bài thơ:
“Em không thể thoát khỏi vòng vây gia đình. Đây là điều bất hạnh chung của chúng ta. Bầu trời cao không chiếu rọi tương lai của chúng ta. Đầu anh ù ù như một tổ ong, trái tim anh trở nên khô kiệt. Hãy đến Princeton với anh, nơi bình yên và thư giãn đang chờ đón. Chúng ta sẽ cùng nhau đọc Lev Tolstoy, và khi em cảm thấy mệt mỏi, em sẽ ngước nhìn anh đầy âu yếm, và anh sẽ nhìn thấy trong em bóng hình của Chúa”.
Họ đã nghĩ ra một cái tên chung cho hai người: Almar, ghép từ những chữ cái đầu tiên của tên Albert và Margarita. Suốt thời kỳ yêu đương, Margarita thường gội đầu cho Einstein, và ông luôn tuyên bố không ai khác có thể làm việc này tốt hơn nàng.

Tác nhân ảnh hưởng

Nhiều nhà viết tiểu sử của Einstein viết: ông biết rằng Margarita làm việc cho cơ quan tình báo Liên Xô và là một trong những tác nhân có ảnh hưởng nhất. Ông không lên án cô về điều này, vì ông coi Liên Xô là lực lượng duy nhất có thể đối phó với thứ mà ông ghét hơn bất cứ thứ gì khác - chủ nghĩa phát xít. Margarita phải liên lạc chặt chẽ với các nhà khoa học đang phát triển vũ khí hạt nhân cho dự án Manhattan và tổ chức cuộc gặp giữa Einstein với phó lãnh sự Liên Xô ở New York, người giám sát các mối quan hệ khoa học.
Và Margarita đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: trong một bức thư Einstein gửi nàng được lưu giữ đến ngày nay, ông đã viết về cuộc chuyện trò với ngài phó lãnh sự.
Công lao của Margarita đối với nước Nga quê hương không chỉ có thế - trong thời gian chiến tranh, bà là thư ký của Hiệp hội viện trợ Nga, nơi tập hợp những người di cư nổi tiếng nhất, thu thập tiền, thuốc men và các trợ giúp khác cho Liên Xô, riêng tiền mặt đã có hơn 500 triệu đôla được huy động.

Trở về cố quốc

Tháng 9/1945, Margarita được triệu hồi về nước. Tại Moscow, vợ chồng nhà điêu khắc Konenkov đã được cấp một ngôi nhà lớn và một xưởng sáng tác điêu khắc rộng rãi ở ngay trung tâm thành phố. Vì những đóng góp của cả hai vợ chồng, Chính phủ Liên Xô đã không từ chối họ bất cứ sự ưu đãi nào.
Năm 1955, nhà vật lý vĩ đại Einstein, người tình yêu dấu của bà qua đời. Năm 1971, nhà điêu khắc cũng ra đi. Những năm cuối đời, cựu nữ điệp viên sống một mình trong cô đơn, không ai biết đến, thậm chí còn bị chính người giúp việc của mình bạo hành. Bà Margarita Konenkova, không biết làm gì khác, đã ngừng ăn và năm 1980 đã chết vì kiệt sức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.