Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, đã chia sẻ thêm về chương trình này.
Đảm bảo hàng hóa an toàn cho người dùng
Từ tháng 3.2024, Saigon Co.op đã ký kết với nhiều doanh nghiệp và HTX cam kết cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng xanh bền vững, đảm bảo lợi ích về sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là lúc Saigon Co.op cùng 7 hệ thống bán lẻ khác như Satra, AEON, Bách Hóa Xanh, Wincommerce… cùng tham gia thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng gọi là "Tick Xanh Trách Nhiệm". Các đơn vị cam kết tự nâng cao trách nhiệm kiểm soát; không sản xuất, phân phối hoặc chuyển giao bất kỳ sản phẩm không an toàn đến bất kỳ bên nào; cam kết rằng bất kỳ sản phẩm nào trước khi được đưa vào hệ thống phân phối hoặc người tiêu dùng đều được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, đáp ứng và tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm; công khai trung thực, minh bạch địa điểm sản xuất, vùng trồng để người tiêu dùng và các bên tham gia chủ động việc giám sát quy trình và chất lượng sản phẩm…
Quy trình kiểm soát chất lượng mà Saigon Co.op đang áp dụng có gì đặc biệt so với các đơn vị bán lẻ khác?
Ông Nguyễn Ngọc Thắng: Chúng tôi đã thiết lập một quy trình kiểm soát nghiêm ngặt, từ vùng nguyên liệu, sản xuất ở nhà máy cho đến quá trình lưu thông sản phẩm trong hệ thống, đặc biệt công tác bảo quản. Saigon Co.op không chỉ dựa vào các tiêu chuẩn hiện hành mà còn chủ động bổ sung những biện pháp kiểm tra nội bộ. Các bước như kiểm tra, xét nghiệm thông qua phòng thí nghiệm di động, đánh giá cảm quan, kiểm dịch được thực hiện định kỳ, ngẫu nhiên... Việc này giúp chúng tôi phát hiện kịp thời nếu có vấn đề về chất lượng hoặc an toàn thực phẩm.
Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất và nhà cung cấp để đảm bảo chất lượng hàng hóa trước khi đưa vào siêu thị. Với sự chung tay của nhà nông, nhà sản xuất, hàng hóa lên quầy kệ của siêu thị phải đạt tiêu chuẩn như đã công bố. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng chủ động nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm ở mức cao hơn, phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng.
Nếu phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng, quy trình xử lý sẽ được tiến hành như thế nào?
Trong trường hợp phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ ngay lập tức ngưng lưu hành sản phẩm đó trong toàn hệ thống. Đồng thời, thông tin này sẽ được báo cáo đến Sở Công thương TP.HCM và các nhà phân phối khác để họ cũng tiến hành kiểm tra và ngăn chặn sản phẩm tương tự. Việc rà soát nguyên nhân sẽ được thực hiện nhanh chóng để xác định lỗi do sự cố hay mang tính hệ thống.
Chúng tôi luôn đảm bảo rằng quá trình xử lý rất nhanh chóng, chậm nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện vấn đề. Điều này nhằm ngăn chặn việc sản phẩm kém chất lượng tiếp tục lưu thông và gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Góp tay xây dựng chuẩn hàng hóa vào siêu thị
Ông có thể chia sẻ thêm về những nỗ lực của Saigon Co.op trong việc mở rộng kiểm soát chất lượng sang các nhóm sản phẩm khác?
Saigon Co.op đang từng bước mở rộng việc kiểm soát sang các nhóm thực phẩm khác như thực phẩm khô, đông lạnh, thực phẩm đã qua chế biến. Chúng tôi cũng đã ký kết với 23 nhà cung cấp tham gia chương trình, không chỉ giới hạn ở sản phẩm tươi sống mà đang từng bước mở rộng kiểm soát chất lượng sang các nhóm thực phẩm khác. Đồng thời, Saigon Co.op và các nhà phân phối khác cùng cam kết hợp tác để tạo nên một chuẩn mực mới về an toàn thực phẩm, mang đến sự yên tâm cho người tiêu dùng khi mua sắm tại hệ thống của Saigon Co.op cũng như kênh bán lẻ hiện đại. Tôi tin kiểm soát chất lượng chặt chẽ tại các kênh phân phối sẽ góp phần nâng cao nhận thức và tiêu chuẩn của ngành bán lẻ Việt Nam. Song song đó, chúng tôi đã phát triển chương trình "Saigon Co.op nâng cao chất lượng hàng hóa thực phẩm tươi sống, vươn tầm quốc tế" giai đoạn 2020 - 2025 với các bước cụ thể. Chẳng hạn, năm 2021 - 2022, cải thiện chất lượng nhà cung cấp cho nhóm sản phẩm rau, củ, quả và thủy hải sản; năm 2023 - 2025, phát triển các vùng nguyên liệu chủ lực cho thực phẩm tươi sống, khai thác lợi thế địa phương…
Để đạt được mục tiêu này thì những thách thức mà Saigon Co.op đang phải đối mặt là gì?
Thách thức lớn nhất có lẽ là việc duy trì và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng trong bối cảnh thị trường luôn thay đổi. Điều này đòi hỏi Saigon Co.op phải liên tục cập nhật và áp dụng các công nghệ kiểm tra mới, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp và cơ quan chức năng. Một thách thức khác là làm sao để giữ vững sự tin tưởng của người tiêu dùng và khuyến khích họ tham gia vào việc giám sát chất lượng hàng hóa.
Saigon Co.op cũng chủ động làm việc, khuyến khích và hướng đến cùng triển khai với tất cả các đối tác kinh doanh. Đây là hành động giúp các bên đều có lợi. Với sứ mệnh đang đeo đuổi, Saigon Co.op cam kết sẽ luôn tiên phong trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Ngày 24.9, Saigon Co.op tổ chức "Lễ công bố quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op". Dịp này, Saigon Co.op ký biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp vùng nguyên liệu đến từ 6 tỉnh, thành. Hành động này không chỉ mang lại lợi ích cho các bên liên quan mà còn góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng. Xây dựng vùng nguyên liệu không chỉ thể hiện sự tiên phong trong chiến lược phát triển và quản lý chuỗi cung ứng của Saigon Co.op, mà còn khẳng định vị thế dẫn đầu của Saigon Co.op trong ngành bán lẻ hàng tiêu dùng tại Việt Nam thông qua việc kết nối sâu rộng với các đối tác, cộng đồng và người tiêu dùng. Theo đại diện Saigon Co.op, các ký kết với hệ thống bán lẻ khác và nhà cung cấp dù hình thức khác nhưng cũng chung một mục tiêu là tăng kiểm soát đầu vào, nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa được kinh doanh tại hệ thống.
Bình luận (0)