Nhà bán lẻ tố TikTok Shop 'gây khó dễ' với chính sách mới

10/04/2024 08:52 GMT+7

Thông báo về việc điều chỉnh chính sách ưu đãi từ quý 2/2024 đang vấp phải làn sóng phản đối từ các nhà bán lẻ khi cho rằng TikTok Shop (TTS) đẩy họ vào thế khó.

Sàn TikTok Shop đề xuất giá bán

Mới đây, sàn thương mại điện tử (TMĐT) TikTok Shop gửi thông báo cập nhật chính sách ưu đãi quý 2/2024 tới các nhà bán hàng trên nền tảng, trong đó cho biết sàn sẽ triển khai việc đề xuất giá bán cho những người tham gia kinh doanh.

“NBH (nhà bán hàng) được khuyến khích để giá bán các sản phẩm của mình trên các nền tảng là bằng nhau, khi NBH cân đối được tỷ lệ giá bán tốt, NBH sẽ được hưởng ưu đãi về mặt voucher (mã giảm giá) và traffic (lượt truy cập) trên TikTok Shop”, thông báo nhấn mạnh. Điều này đồng nghĩa TTS khuyến khích người tham gia kinh doanh trên sàn của mình đặt mức giá bằng nhau hoặc thấp hơn cho cùng sản phẩm của chính họ đang để trên các nền tảng TMĐT khác.

Thông tin cập nhật áp dụng từ quý 2/2024 trên TTS

Thông tin cập nhật áp dụng từ quý 2/2024 trên TTS

Chụp màn hình

Bên cạnh việc “khuyến khích” cân bằng giá bán giữa các nền tảng, TikTok Shop cũng áp dụng công thức tính cụ thể để… chấm điểm gian hàng của người bán. Cụ thể, chỉ số PD (Price Disadvantage - Giá bán chưa tốt hay Giá bán bất lợi) sẽ được tính theo công thức %PD = số đơn hàng có giá bán chưa tốt chia cho tổng số đơn hàng. Trong đó, Giá được tính = Giá bán - Voucher (mã giảm giá) của NBH.

Với cách tính này, nếu giá trị %PD của nhà bán lớn hơn 20%, họ sẽ bị loại khỏi các chương trình hỗ trợ về voucher, traffic trên nền tảng TTS và “các ưu đãi này sẽ được phân phối lại cho các NBH khác”.

TikTok Shop khẳng định họ khuyến khích điều này để giá bán bằng nhau trên các nền tảng, đảm bảo trải nghiệm người dùng cũng như “duy trì sự tăng trưởng bền vững cùng với sự hỗ trợ từ nền tảng TTS”. Tuy nhiên điều này gây ra lo ngại về việc hạn chế cạnh tranh, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, quyền tự định đoạt trong kinh doanh của NBH.

Nhà bán hàng kêu “bị bóp”

Việc khuyến khích của TTS nhưng đặt ra điều kiện và khi người bán không thể đạt đủ sẽ áp dụng hình thức loại khỏi chương trình hỗ trợ, giảm lượng đề xuất và tiếp cận (tính trong phần traffic của gian hàng) gây bất bình trong cộng đồng nhà bán lẻ. Một số người cho biết khi hỏi nhân viên hỗ trợ của sàn qua tin nhắn cá nhân thì mới “ngã ngửa” vì tuy gọi là “khuyến khích” nhưng nếu không tham gia, không đáp ứng được thì sản phẩm trong gian hàng sẽ bị áp dụng các "biện pháp kỹ thuật” để giảm tương tác.

Anh C.H - KOL công nghệ đồng thời là một nhà bán hàng trên TikTok Shop cho biết chính sách này thực tế đã tồn tại, nếu giá bán được xác định là “Cạnh tranh” hoặc “Giá tốt nhất” thì sẽ có lượng tiếp cận rất tốt. Ngược lại nếu “Giá không cạnh tranh thì sản phẩm đó xem như chết bởi truy cập từ video, chạy quảng cáo đến livestream đều bị ‘bóp’ hết”, anh C.H chia sẻ.

TikTok Shop khuyến khích nhà bán để giá sản phẩm không cao hơn so với các sàn khác

TikTok Shop khuyến khích nhà bán để giá sản phẩm không cao hơn so với các sàn khác

Chụp màn hình

NBH này đánh giá điều đó gây khó khăn cho những người bán chân chính. Anh cho rằng đội ngũ của TikTok Shop chỉ thấy sản phẩm có giá rẻ nên đẩy liên tục bất kể sản phẩm có chất lượng hoặc thương hiệu hay không, điều này không tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

“Lượng truy cập, tiếp cận như vậy làm hại NBH chân chính, chưa kể khiến người dùng mất niềm tin khi mua hàng trên mạng vì liên tục đụng mặt các gian hàng kinh doanh các sản phẩm không đạt chất lượng”, anh C.H nêu quan điểm.

Đồng tình với ý kiến trên, một NBH khác cho rằng khi cuộc chiến “giá rẻ nhất” còn tiếp diễn, những người bán quy mô nhỏ lẻ phải nhập qua lái buôn sẽ khó tiếp tục tồn tại mà chỉ những ai làm thương hiệu hoặc đầu mối nhập số lượng lớn mới có thể trụ vững. “Khi NBH nhỏ lẻ không còn thì những thương hiệu, NBH lớn sẽ tăng giá, người thiệt hại lớn vẫn là người dùng”, anh này chia sẻ.

Còn theo anh Lê Hải Vũ - CEO công ty Velasboost, người trực tiếp livestream các phiên bán hàng của thương hiệu này trên TikTok Shop, việc sàn có những chiến dịch tăng hiển thị cho sản phẩm giá tốt là động thái cạnh tranh giữa chính các nền tảng với nhau. Người tiêu dùng được lợi đầu tiên, tiếp đó người bán hưởng lợi về lưu lượng truy cập, tăng lượt bán.

Tuy nhiên, anh Vũ khuyên nhà bán cần cân nhắc kỹ về chi phí, tránh trường hợp chạy đua giảm giá để tham gia chương trình mà không mang lại lợi nhuận, còn chương trình sẽ chỉ phù hợp cho ai có nguồn hàng tốt và tối ưu được chi phí.

“Về lâu dài, các nền tảng cũng sẽ chuẩn hóa dần cả về chính sách và người bán, thanh lọc kỹ càng cho một môi trường cạnh tranh. Những nhà bán lẻ có sự đầu tư kỹ càng và nghiêm túc sẽ có cơ hội lớn, còn những nhà bán hàng nhỏ lẻ thì sẽ không còn dễ dàng nữa”, CEO Hải Vũ bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.