Lãi chủ yếu từ cho vay
|
VietinBank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.700 tỉ đồng, tăng 12% và đạt 54% kế hoạch năm. Còn BIDV (mã BID) đạt 4.050 tỉ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 54% kế hoạch năm 2017. Các NH nhỏ hơn cũng không lép vế. Đơn cử Sacombank với lợi nhuận trước thuế đạt gần 430 tỉ đồng, tăng hơn 70% so với cùng kỳ và đạt 73% kế hoạch năm; NH Phương Đông (OCB) hơn 490 tỉ đồng (đạt 53% kế hoạch); NH Tiên Phong (TPBank) hơn 480 tỉ đồng (đạt 62% kế hoạch)...
Năm nay, lãi của các nhà băng ghi nhận một yếu tố tích cực khi tỷ trọng của mảng dịch vụ đã tăng cao hơn. Các “ông lớn” như Vietcombank, BIDV đều có mức tăng trưởng thu dịch vụ đạt hơn 20%. Sacombank cũng có lãi thuần từ dịch vụ tăng 23% so với cùng kỳ và đạt gần 830 tỉ đồng. Hoạt động này tăng từ 70 - 80% tại NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), NH Quốc tế (VIB) và KienLongBank; hay gấp đến 2,5 lần cùng kỳ với NH Quân đội (MBBank) và TPBank, đóng góp mạnh mẽ vào sự tăng trưởng của lợi nhuận.
Tuy nhiên nguồn thu chủ yếu của các NH vẫn nằm ở cho vay. Nguyên Thống đốc NH Nhà nước Cao Sĩ Kiêm dẫn chứng nửa đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng lên mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, đạt 7,54%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 (đạt 6,2%) và 2015 (đạt 6,28%). Hầu hết các nhà băng đều có dư nợ tín dụng tăng trưởng ở mức hai con số: VietinBank là 10%, VPBank 12%, Vietcombank và TPBank là 14%, VIB và KienLongBank là 16%.
Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo một NH cổ phần thừa nhận lợi nhuận của nhiều nhà băng đến nhờ hoạt động cho vay tăng trưởng, đi kèm với mảng dịch vụ được cải thiện.
Nên giảm tiếp lãi vay trung, dài hạn
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp (DN) vẫn đang khó khăn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng, cả nước có tất cả gần 50.000 DN tạm ngừng kinh doanh, đóng cửa, phá sản. Có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, theo các chuyên gia, chi phí tài chính, đặc biệt chi phí lãi vay còn cao khiến DN bị giảm sút sức cạnh tranh, không giảm được giá thành; không có vốn để tiếp tục đầu tư, phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những lý do mà mới đây, NH Nhà nước đã phải cắt giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khu vực DN ưu tiên từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm.
Còn theo báo cáo chung về lãi suất, hiện các NH đang áp lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa, cho biết theo thống kê của hiệp hội, hiện vẫn có tới 70% các DN nhỏ và vừa không tiếp cận được vốn, trong đó 98% DN tư nhân gặp khó khăn khi gõ cửa NH. Đói vốn, các DN phải xoay xở vốn tự có, vốn tích lũy trong kinh doanh, vay mượn người thân, thậm chí phải vay ngoài với lãi suất cao.
“Lãi vay ngắn hạn đã giảm, nhưng điều mà DN cần nhất hiện nay là muốn được giảm lãi suất trung, dài hạn; được tiếp cận với nguồn vốn này. Bởi vốn ngắn hạn chỉ để giải quyết nhu cầu thanh khoản tạm thời, DN vay lúc nào cũng chỉ thấp thỏm lo trả nợ sớm thì sẽ khó mà yên tâm đầu tư được”, ông Nam nói.
PGS-TS Ngô Trí Long nhìn nhận mức lãi suất cho vay hiện nay đã giảm, song nếu nhìn sang các nước trong khu vực, lãi vay của VN vẫn còn khá cao. Điều đó làm giảm sức cạnh tranh của DN nội địa. “Vì lợi ích chung các NH nên xem xét giảm mức lãi vay xuống hơn nữa, đặc biệt lãi trung, dài hạn để hỗ trợ cho các DN”, ông Long đề nghị.
Theo một chuyên gia kinh tế vừa qua nỗ lực giảm lãi suất của NH Nhà nước và các NH thương mại rất đáng ghi nhận. Lợi nhuận NH nói cao cũng không hẳn vì vốn điều lệ lớn, nợ xấu còn cao, song tới đây áp lực đối với NH được cởi trói nhờ nghị quyết nợ xấu của Quốc hội. Do vậy, để chia sẻ với “người bạn đồng hành” và là nguồn sữa của mình thì các nhà băng nên xem xét giảm lãi suất để nuôi dưỡng DN tồn tại, mở rộng phát triển, sản xuất kinh doanh tăng trưởng doanh thu, có lợi nhuận, có tiền trả gốc, lãi cho NH.
Bình luận (0)