>> Toàn bộ điện tín ngoại giao Mỹ của WikiLeaks được giải mật
Nhà báo Argaw Ashine nói với BBC hôm 15.9 rằng, ông đã bị nhà chức trách Ethiopia tra hỏi về danh tính một nguồn tin chính phủ được đề cập trong bức điện năm 2009 liên quan đến việc sách nhiễu báo chí.
“Nó hơi rùng rợn một chút… và ở lại trong tình thế này không phải là một ý tưởng khôn ngoan”, Argaw nói với BBC.
WikiLeaks nói bức điện không trích dẫn ông Argaw là người cung cấp tin tức cho tòa đại sứ Mỹ tại Ethiopia và “không có nguồn tin báo chí nào được nêu tên”.
Tuy nhiên, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở tại New York (Mỹ) cho biết, đây là ví dụ đầu tiên về những hậu quả trực tiếp mà một nhà báo phải gánh chịu xuất phát từ việc các bức điện tín mật bị tiết lộ.
Ông Joel Simon, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận nói trên, phát biểu: “Mối đe dọa mà chúng tôi từng tìm cách ngăn chặn thông qua việc biên tập các điện tín ban đầu của WikiLeaks đã trở thành hiện thực”.
Người phát ngôn của chính phủ Ethiopia Shimellis Kemal nói với BBC rằng, “các nhà báo không tiết lộ nguồn tin được bảo vệ” theo luật pháp nước này.
Argaw, người làm việc cho tờ Daily Nation ở Kenya và là Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo vì môi trường Ethiopia, đã yêu cầu không tiết lộ nơi ở hiện tại của mình vì lý do an toàn.
Argaw nói ông bỏ trốn vào cuối tuần trước sau khi bị Văn phòng Thông tin chính phủ (GCAO) và cảnh sát triệu tập để tra hỏi về một bức điện ngoại giao Mỹ đề ngày 26.10.2009.
Bức điện liên quan đến những nỗ lực của chính phủ Ethiopia nhằm bịt miệng tờ Addis Neger, tờ báo vốn bị đóng cửa và các biên tập đã bỏ trốn khỏi đất nước kể từ đó.
“Một đầu mối bên trong GCAO nói với nhà báo Argaw Ashine của tờ Daily Nation rằng, GCAO đã lập ra một danh sách 6 nhà báo của tờ Addis Neger, những người bị họ xem là mục tiêu nhằm dập tắt những bài phân tích của tờ báo”, bức điện viết.
Ông Argaw nói với BBC rằng theo nguồn tin riêng của mình, ông biết về một kế hoạch truy tố các nhà báo của tờ Addis Neger theo luật chống khủng bố, song không chuyển thông tin trực tiếp cho tòa đại sứ Mỹ.
Vào đầu tháng 9, WikiLeaks đã công bố toàn bộ 251.287 bức điện tín ngoại giao Mỹ chưa qua biên tập mà họ thu thập được.
Hành động này bị năm tờ báo lớn trên thế giới mà họ từng hợp tác trong việc tiết lộ các bức điện tín lên án vì lo sợ những nguồn tin bị nêu danh trong các bức điện chưa qua biên tập sẽ bị đàn áp và trả đũa.
Sơn Duân
Bình luận (0)